Sau hơn 3 năm Luật Điện ảnh ra đời, hiện trạng điện ảnh VN vẫn chưa theo kịp luật. Nghị định 96/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện VN bảo đảm đạt ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu. Con số này với truyền hình còn khả thi, dù rằng vì thế đã có rất nhiều phim truyền hình được làm vội vã, cẩu thả gây phản ứng tiêu cực từ phía người xem.
Cảnh phim "Những người độc thân vui vẻ" của Trung tâm phim truyền hình VN |
Phim dở, khán giả quay lưng, quảng cáo không nhảy vào, nhà sản xuất lỗ dẫn đến việc hoặc họ chấm dứt làm phim, hoặc sẽ phải thay đổi cách làm. Điển hình có thể kể đến trường hợp series Những người độc thân vui vẻ. Dù nhà sản xuất công bố ngừng làm chỉ vì không muốn nấu mãi món ăn đã nhàm, thì khán giả cũng thở phào nhẹ nhõm bởi không phải chịu tra tấn khi các tập phim chọc cười nhạt nhẽo được phát vào giờ vàng mỗi tối. Với phim truyện nhựa thì tình hình “thê thảm” hơn. Mỗi năm, VN cho ra đời trên dưới 10 phim, đa số lại tập trung vào dịp Tết. Ngoài 2 tháng Tết, trừ những dịp lễ lạc, kỷ niệm (phim cũ chiếu lại miễn phí hoặc có bán vé cũng hiếm người xem) thì các rạp phim sống được chủ yếu nhờ vào nguồn phim ngoại nhập. Nhìn sang một nước có nền điện ảnh phát triển nhất thế giới là Mỹ, cũng thấy họ có những chính sách nhất quán trong việc chống độc quyền bằng cách quy định các hãng phim, các hãng phát hành phim không được lập hệ thống rạp mà họ chỉ có các rạp chiếu nội bộ, để qua đó, việc phổ biến phim được công bằng. Ở nước ta, một công ty vừa làm phim, vừa phát hành phim, vừa lập hệ thống rạp chiếu là chuyện bình thường. Ngay cả phim Việt, dù đã có Luật Điện ảnh, có Nghị định hướng dẫn thi hành thì phim Việt vẫn lép vế với phim ngoại ngay trên sân nhà. Với đòi hỏi đến 65% tiền vé bán ra thay vì 50% của một hệ thống rạp chiếu lớn nhất nước ta cho việc phát hành phim Việt, thử hỏi cơ hội nào cho phim Việt thu hồi vốn và tiếp tục sản xuất?
Theo Cát Khuê
Thanh Niên
Thanh Niên