Trong vụ án Phan Minh Mẫn phạm tội giết cha, nội dung vụ án đã khá rõ ràng, tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là mức án tử hình dành cho bị cáo."Ngoài tính răn đe, pháp luật còn có tính nhân đạo" Theo luật sư Trịnh Thanh – Văn phòng luật sư Người nghèo (TP.HCM) nhận định: Trong vụ án này, mức án tử hình dành cho bị cáo có dấu hiệu hơi nặng, nếu tòa áp dụng một mức án khác có phần sẽ thấu tình, đạt lý hơn. Tội giết cha là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không chỉ đơn thuần về mặt pháp lý mà còn ở đạo đức con người. Tuy nhiên, khi lượng hình, Tòa án cũng cần xem xét đầy đủ những yếu tố liên quan xung quanh vụ án. Theo những gì báo chí phản ánh, tôi nhận thấy cha của Mẫn là người rất hay say xỉn và thường đánh đập, chửi mắng vợ con. Đó là hành vi trái pháp luật, đáng lên án, là một phần lỗi của nạn nhân cũng như của gia đình, của chính quyền địa phương khi tình trạng bạo lực gia đình diễn ra trong suốt thời gian dài. Án tử hình là mức án cao nhất trong hệ thống hình phạt, chỉ áp dụng đối với những bị cáo không còn khả năng cải tạo, giáo dục được. Trong trường hợp này, tôi nghĩ Mẫn không đến mức không thể cải tạo được, không cần thiết phải cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội.
Bị cáo Phan Minh Mẫn đứng nghe tòa tuyên án (ngày 16/7) |
Theo tôi, ở góc độ pháp lý, Tòa tuyên phạt Mẫn mức án tử hình nhằm đảm bảo tính răn đe tội phạm nhưng bên cạnh đó pháp luật cũng có tính nhân đạo. Hội đồng xét xử (HĐXX) có vẻ nghiêng về tính răn đe nhiều quá! HĐXX chưa xem xét đến nguyên nhân từ phía bị hại. Mẫn phạm tội do tinh thần bị kích động phần nào, Mẫn hoàn toàn không có chủ mưu từ trước, giết người không nhằm cướp tài sản hay chiếm đoạt thứ gì của nạn nhân, mục đích “giải thoát” của Mẫn ở đây có nhưng bồng bột. Hiện tại, gia đình Mẫn đã quá đau thương, với hoàn cảnh đó có lẽ một mức án tù hoặc tù chung thân có vẻ hợp lý hơn.Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Công – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Giết cha là hành vi không thể chấp nhận được, pháp luật rất nghiêm khắc với loại tội phạm này. Phiên tòa sơ thẩm đã chứng minh cụ thể điều đó. Tuy nhiên, trong trường hợp của Mẫn, cần xem xét lại mức hình phạt, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Theo luật sư, nếu xem xét một cách toàn diện, đầy đủ về hoàn cảnh, động cơ phạm tội thì Tòa án có thể áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để đưa ra một mức hình phạt hợp lý, thoả đáng hơn theo điểm đ, điểm p, Khoản 1, Điều 46- Bộ luật Hình sự. Thứ nhất, Mẫn phạm tội trong trường hợp “bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra”. Để áp dụng tình tiết này, pháp luật buộc hành vi phạm tội phải được thực hiện ngay sau khi có hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra. Quy định này chưa chuyển tải được hết sự điều chỉnh pháp luật. Trường hợp này, cha Mẫn đã có hành vi trái pháp luật và tác động một cách có hệ thống trong thời gian dài nên dẫn đến việc Mẫn bị kích động, thực hiện tội phạm, do đó cần phải xem xét. Thứ hai, "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải". Điều này đã được chứng minh trong suốt quá trình điều tra vụ án cũng như diễn biến phiên tòa. Thứ ba, tòa còn có thể xét đến sự khẩn cầu từ mẹ ruột, từ bà của Mẫn nhưng họ là vợ, là mẹ của bị hại. Phía bị hại tha thiết xin xét giảm hình phạt đối với bị cáo cũng là một tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Ngoài ra, một vấn đề không được cụ thể hóa trong luật nhưng HĐXX có thể xét đến sự tác động do phán quyết của mình trong vụ án này. Tước đoạt sinh mạng của Mẫn là một lần nữa đã tác động vào nỗi đau của gia đình họ, chưa quan tâm đến tính nhân đạo của pháp luật. Theo tôi, nếu phiên toà Phúc thẩm tuyên mức hình phạt khác sẽ tạo cơ hội cho Mẫn giữ được mạng sống, làm lại cuộc đời sau khi đã trả giá cho hành động của mình. Điều đó là thoả đáng, hợp lý, hợp tình và đúng Luật.Cần xử theo án lệ Theo Luật sư Trần Công Li Tao – Đoàn luật sư TP.HCM, vụ án này cần xử theo án lệ. Luật sư bày tỏ: "Tôi đồng ý tội giết cha xã hội đặc biệt lên án, khó có thể tha thứ và quy định áp dụng hình phạt cao nhất là cách ly bị cáo vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội đối với tội phạm này là thỏa đáng. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, tòa cần xem xét đầy đủ, toàn diện các yếu tố như nhân thân bị cáo, hoàn cảnh phạm tội, những yếu tố khác tác động lên hành vi của bị cáo". "Ở đây, Mẫn bị dồn vào tình trạng “tức nước vỡ bờ”. Hoàn cảnh gia đình bị cáo đã quá đau thương, không cần thiết phải mất thêm một người con nữa. Ở nước ta, án lệ chưa được áp dụng nhưng trường hợp này tôi nghĩ là cần thiết phải xử theo án lệ, so với một số vụ án khác, không cần thiết phải áp dụng án tử hình với Mẫn. Nếu tử hình bị cáo, hậu quả càng đau thương"- theo Luật sự Tao. "Theo thông tin tôi được biết, mặc dù, tình tiết bị cáo phạm tội lần đầu chỉ được xem xét với loại tội ít nghiêm trọng nhưng Mẫn vẫn còn một số tình tiết giảm nhẹ khác như nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, bị cáo phạm tội một phần bị kích động do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra. Từ những tình tiết trên, tôi thấy cần phải xem xét lại hình phạt dành cho bị cáo".
Theo Mai Phượng
VietNamNet
VietNamNet