[links()] Nhắc đến Hà Giang là nhắc đến rượu ngô. Nhắc đến Hà Giang là nhắc đến những cao nguyên đá ngút ngàn; là những góc cua tay áo. Nhưng ít người biết đến một Hà Giang với những lọn khói thuốc lào, từ chợ Đồng Văn tấp nập đến đỉnh Lũng Cú hiên ngang trong gió miền biên viễn.
Thuốc lào chẳng phải đặc sản của Hà Giang, tất nhiên, ở mảnh đất này cũng chẳng có một thứ đặc sản thuốc lào như Hải Phòng, Thanh Hóa…Nhưng, những điếu cày vắt vẻo trên gùi người H’Mong từ chợ huyện Đồng Văn, chợ tình Khâu Vai đến những thửa ruộng bậc thang cheo leo lưng núi đã góp phần làm nên một Hà Giang kỳ bí và cuốn hút.
Người Hà Giang coi rượu là nước thánh và coi thuốc lào là thần dược. |
Len lỏi qua những ngọn núi, miệt mài băng đèo Bắc Sum, thong thả qua những thung lũng đá Đồng Văn hay bình thản qua những cánh đồng cải vàng ươm bên dòng sông Niệm, tôi chợt nhận ra một điều, người Hà Giang coi rượu là nước thánh và coi thuốc lào là thần dược.
Giữa buổi sáng sớm của phiên chợ Đồng Văn, có những màu trắng hòa với nhau, màu trắng của sương sớm và màu trắng của những lọn khói thuốc lào. Người Hà Giang hút thuốc lào ở chợ, ở nhà và cả ở trên nương.
Những dãy bàn được bày sơ sài giữa chợ, đám đàn ông ngồi tụ tập chuyện trò về nương, rẫy, về những câu chuyện tầm phào của cuộc sống, chen vào giữa những câu chuyện đó là tiếng rít đanh, gọn và kéo dài của điếu cày. Tưởng như, cứ mỗi câu nói là một “bi” thuốc lào được châm và hút. Phía góc cuối chợ, một vài phụ nữ cũng tỏ ra không hề kém cạnh.
Phụ nữ cũng tỏ ra không hề kém cạnh... |
Một thanh niên người kinh tên Tuấn làm nhiệm vụ dẫn tour lên Đồng Văn bảo, thuốc lào và điếu cày chẳng phải đặc sản ở đây, nhưng không rõ, từ bao giờ, “đôi bạn” này đã ăn sâu, bén rễ vào đời sống người dân bản địa, trở thành một phần của cuộc sống.
Anh Tuấn bảo, người dân ở đây không thể không uống rượu ngô và hút thuốc lào. Đàn ông hút, thanh niên hút, đàn bà cũng hút, trẻ con lớn lên cũng bập bẹ vê thuốc, châm điếu. Thuốc lào có trong câu chuyện rôm rả ở những đám cưới, trong sự yên lặng ở đám tang và rộn ràng của mùa cấy, mùa gặt.
Thuốc lào có trong câu chuyện rôm rả ở những đám cưới, trong sự yên lặng ở đám tang và rộn ràng của mùa cấy, mùa gặt. |
Một người H’Mong ở chợ Đồng Văn bảo, tao chẳng biết thuốc lào có mặt ở đây từ bao giờ, chỉ biết lớn lên đã thấy điếu cày theo chân ông bà lên ruộng, theo chân bố mẹ vượt đỉnh Mã Pí Lèng.
Những người H’Mong mà tôi gặp, có người thì liêu xiêu vì say rượu ngô, có người lại lờ đờ đôi mắt vàng ệch vì hút quá nhiều thuốc lào. Người ta bảo, rượu ngô có thuốc lào dẫn lối thì bao nhiêu cũng hết, chẳng biết có đúng không nhưng khi dự một bữa cơm ở vùng này, rượu ngô là mở bài và thân bài còn thuốc lào là kết chuyện…
Thuốc lào cũng là một món quà của người Hà Giang dành tặng những người khách lạ. Chúng tôi đã được mời hút một điếu khi dừng chân bên một ruộng ngô đương vụ cấy. Người phụ nữ lớn tuổi trịnh trọng đưa cho cô bạn tôi điếu cày để trong gùi như một cử chỉ hiếu khách. Người phụ nữ đó bảo, thuốc lào giúp tỉnh táo khi đi rừng, giúp lấy lại sức khi làm ruộng.
Tôi châm thử một bi thuốc, rít thật sâu vào cổ họng cái thứ khói thuốc mà “Chồng hút, vợ say, thằng bé châm điếu lăn quay ra nhà”. Một cảm giác mụ mị tràn ngập khắp các giác quan, chân tay bủn rủn, thở gấp.
Cái thứ khói thuốc mà “Chồng hút, vợ say, thằng bé châm điếu lăn quay ra nhà”. |
Thuốc lào ở đây nặng thật, tôi cảm thấy, cái vị của nó ngấm sự ẩm ướt của sương mù, pha chút nặng nề của núi đá, ít chút nhọc nhằn của những con đường và cả mồ hôi đang chảy ra của bao thế hệ dọc ngang đỉnh Mã Pí Lèng.
Xung quanh tôi, những người bản xứ đang nở những nụ cười tán thưởng. Và, những chén rượu ngô vẫn chảy trong huyết quản Hà Giang, những lọn khói trắng của thuốc lào vẫn ngấm vào từng thớ thịt, ve vuốt cái cao nguyên khắc nghiệt nhưng đầy sự quyến rũ này từ bao đời nay.
Phan Bình