Các chuyên gia pháp lý đều nhận định rằng, về lý thì đủ căn cứ để xử lý hình sự người chồng, nhưng về tình thì nên miễn trách nhiệm hình sự do tính chất nguy hiểm của tội phạm không còn.
Như chúng tôi đã đăng tải, vụ án vợ kiện chồng cưỡng hiếp xảy ra tại huyện Krong Pa (Gia Lai) đang gây ra nhiều tranh cãi khác nhau. Có ý kiến cho rằng đủ cơ sở để xử tội người chồng, cũng có ý kiến cho rằng việc xử lý hình sự là máy móc và không cần thiết. Trong khi chờ ý kiến chính thức từ cơ quan có thẩm quyền, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia pháp lý xung quanh vụ "bi hài kịch" này.Tiến sĩ luật Phan Thị Hương Thủy (Văn phòng Luật sư Hoàng Long, Đoàn Luật sư Hà Nội): Nên miễn trách nhiệm hình sự cho người chồng Trong vụ án hình sự cụ thể này, xét thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì còn, nhưng việc khởi tố bắt tạm giam, theo tôi là không cần thiết. Bởi pháp luật hình sự, ngoài mục đích trừng trị còn thể hiện tính nhân đạo. Tính nhân đạo thể hiện ở chỗ xét về hành vi thì anh đủ căn cứ để cấu thành tội, nhưng xét sự chuyển biến của tình hình, hành vi đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên cơ quan tố tụng sẽ áp dụng chính sách nhân đạo miễn trách nhiệm hình sự cho anh. Nếu “quan hệ” xong mà người chồng bỏ mặc hoặc bỏ trốn thì mới bị coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội để từ đó truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng trong vụ án này, người chồng đã không bỏ trốn mà sau đó cả hai bên gia đình còn vui vẻ tổ chức đám cưới, sau gần 9 năm sống chung, họ lại còn có con chung nữa. Mặt khác, trong suốt thời gian dài đó, người vợ cũng không tố cáo bị xâm hại, vì vậy tôi cho rằng không cần thiết phải xử lý hình sự. Việc bắt tạm giam lại càng không cần thiết. Trong vụ án này, chỉ có thể hiểu là người vợ do mâu thuẫn nào đó nên muốn dùng pháp luật để trả thù cá nhân chứ không phải dùng pháp luật để bảo vệ cho bản thân trước việc bị xâm hại. Do đó, quan điểm của tôi là nên áp dụng Điều 25 BLHS về việc được miễn trách nhiệm hình sự khi hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội, thành khẩn ăn năn để miễn trách nhiệm hình sự cho người chồng. Thạc sỹ Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội):Tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không còn Tội Giao cấu với trẻ em (Điều 115 Bộ luật Hình sự-BLHS) có khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam nên thuộc tội rất nghiêm trọng. Mà phạm tội rất nghiêm trọng thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm. Như vậy trong vụ án này, thời hiệu vẫn còn nên không đặt ra vấn đề thời hiệu nữa. Về mặt pháp lý, Điều 115 BLHS quy định người nào đã thành niên mà giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phạm tội giao cấu với trẻ em. Như vậy, có thể nói đủ cơ sở để xử lý hình sự Nguyễn Mạnh Kỳ vì khi quan hệ với Trẫn Thị Diễm Trinh, Trinh mới chỉ hơn 14 tuổi. Việc cơ quan công an bắt giam Phạm Mạnh Kỳ là không sai. Tuy nhiên, theo tôi việc bắt giam như vậy là quá máy móc. Bởi nếu vận dụng Điều 3 BLHS quy định về nguyên tắc xử lý và Điều 25 quy định về những trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì thấy rằng, do sự chuyển biến của tình hình, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không còn nên không cần xử lý hình sự. Bản chất của hành vi giao cấu với trẻ em trong vụ án này không giống với hành vi giao cấu trong các vụ án khác xảy ra gần đây. Sau khi Phạm Mạnh Kỳ làm chị Trinh có thai, Kỳ đã không bỏ trốn, hai bên gia đình đều biết và đã tổ chức đám cưới tác thành cho cả hai. Như vậy, có thể thấy việc phạm tội xuất phát từ nhận thức hạn chế của hai bên gia đình và của cả Kỳ và Trinh. Sau gần 10 năm chung sống, do mâu thuẫn vợ chồng, người vợ làm đơn tố cáo không phải vì hành vi giao cấu đó nguy hiểm cho bản thân mình và xã hội, mà thể hiện rõ sự thù tức cá nhân của người vợ, muốn đâm đơn kiện để chồng phải vào tù chứ không phải để bảo vệ bản thân người vợ. Chính vì thế, trong vụ án cụ thể này, việc xác định một hành vi có đáng phải xử lý hình sự nữa hay không phải căn cứ vào tính chất của hành vi đó xem thực tế nó có còn nguy hiểm cho xã hội nữa không. Nếu máy móc xử lý hình sự thì không những không đạt được mục đích giáo dục mà vô hình dung còn tiếp tay cho những cặp “vợ chồng trẻ con”, khi lấy nhau, tổ chức đám cưới thì không tôn trọng pháp luật, nhưng khi “cơm không lành canh không ngọt” thì đâm đơn kiện ngược người kia có hành vi “cưỡng hiếp” để đẩy nhau vào vòng tù tội.
Từng có "án lệ" được miễn trách nhiệm hình sự
Năm 1998, anh Ngô Minh Thuận và chị N. (trú tại Hòa Thành, Tây Ninh) cưới nhau không đăng ký kết hôn. Năm 2008, sau 10 năm chung sống, có với nhau 2 người con, họ ra tòa ly hôn. Quá trình kiểm sát án sơ thẩm, VKSND huyện Hòa Thành phát hiện anh Thuận cưới chị N. khi chị N. mới hơn 12 tuổi rưỡi nên đã chuyển vụ việc sang cho cơ quan điều tra. Anh Thuận bị bắt tạm giam ngay sau đó. Tháng 3/2009, anh Thuận bị TAND tỉnh Tây Ninh xử phạt 8 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Cho rằng mức án trên nhẹ nên VKSND tỉnh Tây Ninh đã kháng nghị đòi tăng hình phạt. Tuy nhiên, tháng 6/2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại từ đầu do không xác định được thời điểm “quan hệ”, chị N. dưới 13 tuổi hay trên 13 tuổi bởi không có tài liệu nào chứng minh chính xác ngày tháng năm sinh của chị N. Theo nguyên tắc có lợi cho bị can, phải lấy ngày đầu tiên của tháng và tháng đầu tiên của năm sinh để tính tuổi chị N., thì thời điểm anh Thuận “quan hệ” với chị N., chị N. đã 13 tuổi rưỡi nên anh Thuận chỉ phạm tội Giao cấu với trẻ em. Cơ quan điều tra xét thấy dù anh Thuận “quan hệ” với chị N. khi chị chưa đủ 16 tuổi là vi phạm pháp luật nhưng việc tổ chức lễ cưới được sự đồng ý của gia đình hai bên, anh Thuận không biết chị N. bao nhiêu tuổi nên đã chung sống với chị trên 10 năm và có hai người con. Mặt khác, bản thân anh Thuận chưa có tiền án, tiền sự, nhân thân tốt, phạm tội do lạc hậu, kém hiểu biết pháp luật. Trong quá trình điều tra, anh đã thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Vì vậy cũng cần xem xét những tình tiết giảm nhẹ và miễn trách nhiệm hình sự đối với anh để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam. Căn cứ vào Điều 25 BLHS, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với anh Thuận về tội hiếp dâm trẻ em. Sau gần một năm vướng vào vòng tố tụng với hơn 9 tháng bị tạm giam, cuối cùng anh Thuận đã được cơ quan chức năng áp dụng chính sách nhân đạo của pháp luật để miễn trách nhiệm hình sự. (Tổng hợp theo PLTPHCM)
|
Theo Nhật Anh
VTC news
VTC news