“Có luật nào ngăn cấm con gái không được chôn ở gần với cha mẹ không? Ông trưởng tộc có quyền cấm đoán vậy không? Và, tôi phải làm gì để thực hiện lời trăn trối của mẹ? Nếu tôi không thực hiện được điều mong ước đó thì chắc cả đời này tôi sẽ sống trong sự dằn vặt, khổ đau…” - bức tâm thư của một bạn đọc trĩu nặng nỗi lòng vì quy định bất thành văn của dòng tộc, định kiến xã hội…
|
Ảnh minh họa |
1.Ông bà ngoại tôi chỉ có mỗi mẹ tôi là con gái nên rất yêu quý, cưng chiều. Mẹ tôi từng là cô thôn nữ được tiếng xinh nhất làng. Đến tuổi cập kê, rất nhiều trai làng và trai thiên hạ đến gõ cửa nhà tìm hiểu mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi không để ý ai trong số họ. Lúc ấy, ông bà tôi thuê đám thợ trạm khắc gỗ tay nghề giỏi ở Ninh Bình để đóng ngôi nhà gỗ 3 gian.
Trong đám thợ ấy, mẹ tôi đặc biệt để ý tới một người đàn ông da nâu, dáng người vạm vỡ và chạm trổ rất giỏi. Chẳng hiểu duyên số thế nào mà mẹ tôi và người đàn ông đó yêu nhau. Biết ông bà ngoại tôi không thích con gái mình yêu người ở ngoại tỉnh vì sợ xa con gái yêu, nên mẹ tôi giấu kín tình yêu này.
Dường như, tình yêu càng giấu giếm, khát khao càng cháy bỏng nên mẹ tôi mang giọt máu của người đàn ông đó từ lúc nào mà chẳng hay biết. Chỉ tới khi, dân làng xì xào vì cái bụng lùm lùm của mẹ thì ông bà ngoại tôi mới để ý và tra hỏi mẹ tôi. Đến lúc đó, ông bà và chính mẹ tôi mới biết gia đình mình sắp có thành viên mới. Ông bà tôi tức tốc tìm người đàn ông đó để mong “cưới chạy bụng” cho đỡ mang tiếng nhục với xóm giềng, họ hàng, làng xã nhưng hỡi ôi, người đàn ông đó đã bỏ đi từ lúc nào.
Nhà có gái chửa hoang là nỗi nhục lớn của gia đình và dòng họ ở làng tôi thời bấy giờ. Ông bà tôi vừa thương con gái những cũng chẳng tiếc lời mắng chửi. Ở nhà đã vậy, ra đường, mẹ tôi còn bị xóm giềng, họ hàng khinh miệt và có những lời xúc xiểm, mỉa mai.
Đang thất tình lại bị mọi người đàm tếu, mẹ tôi gom góp ít tiền bỏ nhà đi tìm bố của con mình. Sau bao ngày đi chồn chân mỏi gối ở Ninh Bình, mẹ tôi không thấy bóng dáng người mình yêu, tiền trong túi đã hao mòn nên mẹ tôi ngược lên Hà Nội tìm việc kiếm sống.
Trình độ không có, người lại mang bầu, mẹ tôi không thể tìm được công việc lương cao, đành xin việc phụ giúp dọn dẹp, nấu nướng cho một xí nghiệp sản xuất giày vải. Hàng ngày mẹ tôi được xí nghiệp cho ở nhờ trong một góc nhà kho xí nghiệp.
Làm ở đó được gần 5 tháng, mẹ tôi trở dạ và sinh ra tôi. Được mọi người trong xí nghiệp cưu mang trong một tháng ở cữ, mẹ tôi xin nhận giầy về nhà gia công. Hai mẹ con cứ lần hồi sống trong sự giúp đỡ của mọi người.
Từ lúc bỏ nhà ra đi, mẹ tôi thường nhớ nhà, nhớ ông bà ngoại tôi đến quay quắt nhưng rồi nghĩ tới việc bị gia đình và dân làng mắng chửi, mẹ tôi lại rùng mình sợ hãi. Cho đến khi tôi đầy năm, mẹ tôi mới chút hết sự can đảm bồng bế tôi về quê tạ tội.Vừa về đến cổng làng, mẹ tôi đã nghe dân làng xì xào: “đứa con bất hiếu đã làm hại bố mẹ”.
Rồi khi về tới nhà, căn nhà sạch sẽ năm nào nay bị rêu phong, ẩm mốc. Những chiếc lá vàng rụng đầy sân. Cảnh hoang tàn, lạnh lẽo bao trùm quanh đó. Mẹ tôi một lúc sững người rồi từ từ bước vào trong nhà gọi ông bà. Thấy mẹ tôi về, ông trưởng họ từ nhà bên cạnh bổ tới mắng té tát: “Mày là đứa con bất hiếu, chỉ vì mày mà bố mẹ mày xấu hổ với xóm làng, rồi bổ đi tìm con khắp nơi, quay về sinh bệnh rồi rủ nhau chết đấy. Mày hư đốn, vác mặt về đây làm gì nữa”.
Vào nhà đập vào mắt mẹ tôi là hai di ảnh của ông bà ngoại tôi. Mẹ tôi ngất lịm ngay sau đó. Sau khi hồi tỉnh, ông trưởng họ nói như ra lệnh: “Mày không thể ở đây được, nhục nhã lắm. Hãy mang con đi đến nơi mày đang sống đi, đừng vác mặt về đây. Nhục mặt cái họ này lắm rồi. Hương khói bố mẹ mày chúng tao sẽ lo”. Mẹ tôi đau đớn bế tôi đi trong những ánh mắt nửa thương hại nửa trách móc, coi khinh của dân làng.
2.Từ lúc trở lên xí nghiệp, mẹ tôi như người mất hồn, đêm ngày khóc ròng vì lỗi lầm của mình. Mẹ tôi luôn tự xỉ vả vì mình đã gây nên cái chết của ông bà. Tội bất hiếu không gì xóa được. Mẹ tôi đau buồn không thể tập trung vào làm việc, suốt ngày ôm tôi ngồi khóc. Nếu kéo dài tình trạng này, có lẽ mẹ tôi sẽ mắc bệnh thần kinh.
Rất may, một lần nữa, những người ở xí nghiệp tốt bụng lại xúm lại khuyên nhủ và “xốc” mẹ tôi lên. Còn tôi thì được các bác gái cùng trong làm trong kho chăm sóc. Mất một thời gian sau đó, mẹ tôi mới lấy lại thăng bằng tiếp tục công việc và dành hết tình cảm để chăm sóc, nuôi dạy tôi. Để khỏa lấp nỗi nhớ thương và muốn hối lỗi, mẹ tôi đã lập bàn thờ và di ảnh của ông bà tôi. Thời gian đã dần xoa dịu nỗi đau của mẹ.
Tôi lớn lên trong trong vòng tay của mẹ, chưa bao giờ biết mặt bố. Trong hoàn cảnh đó, tôi càng thấy thương mẹ hơn bao giờ hết và ngoan ngoãn, học thật giỏi. Học hết đại học, tôi xin được vào làm tại một ngân hàng. Cuộc sống hai mẹ con đỡ cơ cực và buồn tủi hơn. Trước sự khôn lớn của tôi, mẹ tôi đã tìm được niềm vui trong cuộc sống. Ngỡ cuộc sống an bình sẽ đến với mẹ con tôi nhưng không ngờ…
Sau cơn đau dữ dội, tôi đưa mẹ đi khám và xét nghiệm. Trời đất bỗng tối sầm lại khi tôi nhận được tin từ bác sĩ là mẹ tôi bị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Quãng đời của mẹ chỉ tính được từng tuần. Tôi như người mộng du, đau đớn khôn cùng. Tôi giấu mẹ sự thật ấy. Mẹ tôi sụt cân từng ngày trước cái lắc đầu của bác sĩ.
Nhưng dường như linh tính mách bảo, mẹ tôi đã đoán được cái chết cận kề. Đợi cơn đau quằn quại qua đi, mẹ tôi gọi tôi đến thì thào với lời trăn trối đứt quãng: “Mẹ là đứa con bất hiếu với ông bà ngoại. Suốt cuộc đời mẹ luôn sống trong sự đau đớn, dằn vặt vì mang tội này. Bây giờ mẹ sắp đi về với ông bà.
Mẹ có một thỉnh cầu, con hãy đưa mẹ về quê, chôn cất mẹ nằm gần với ông bà để xuống dưới đó, mẹ có cơ hội chuội lỗi và chăm sóc ông bà ngoại con. Con hãy cho mẹ thỏa lòng ước mong đó nhé. Từ nay không có mẹ, con cố tự chăm sóc lấy mình”. Nói xong, mẹ tôi ngừng thở. Tôi nuốt nước mắt vào trong và hứa với mình sẽ làm đúng lời mẹ ao ước.
Tôi tức tốc báo tin mẹ mất cho họ hàng ở quê biết, nhưng rồi, chỉ một vài người trong họ lên Hà Nội đưa tiễn mẹ tôi. Sau khi làm thủ tụng tang lễ, hỏa táng, tôi về quê để xin phép họ hàng được chôn cất mẹ gần ông bà ngoại như mẹ từng mong ước.
Sự mong ước đó vấp phải sự phản đối dữ dội của ông trưởng tộc cũng như họ hàng. “Ở đây không có luật lệ gái có con lại được chôn với cha mẹ đẻ của mình, nhất là gái hư thì càng không bao giờ được”- ông trưởng tộc hùng hồn tuyên bố.
Bỏ qua tai những lời khẩn cầu khóc lóc của tôi, ông trưởng tộc vẫn nhất quyết không cho mẹ tôi được yên nghỉ ở đó. Nỗi đau này là quá sức với tôi…
Về mặt pháp luật không có một quy định nào bắt buộc phần mộ của người chết phải “thuộc” về đâu! Anh Lê Văn Ân thân mến! Trước hết, cho tôi được một lời chia sẻ với những nỗi đau vô bờ bến của anh: Mất mẹ, bị họ hàng chối bỏ và bất lực không thực hiện được lời trối trăn của người đã khuất. Nhưng cũng cần phải nói rằng việc di nguyện được chôn cùng cha mẹ của mẹ anh bị ông trưởng tộc từ chối không phải là hiếm gặp trong xã hội Việt Nam hiện nay mặc dù chúng ta đã và đang ở vào thế kỷ 21. Trong công việc tư vấn của mình, tôi đã gặp rất nhiều câu chuyện đau lòng giống như anh. Có gia đình mặc dù đã mua đất làm nghĩa trang gia đình riêng nhưng khi bố mất con cái không được chôn vào đó vì lý do dòng họ không cho phép “suất đinh” lìa xa dù chỉ là phần mộ, lại có gia đình người bố, người chồng chết đã lâu và hỏa táng thờ tại nhà, nhưng đến khi người mẹ ra đi thì họ nội bên chồng bắt buộc những đứa con phải mang thi hài ra Bắc chôn chứ không được chôn với họ ngoại trong Nam vì lý lẽ “sống quê cha ma quê chồng”… Tôi khẳng định với anh rằng, về mặt pháp luật không có một quy định nào bắt buộc phần mộ của người chết phải “thuộc” về bên nội hay bên ngoại cũng như không có một quy định nào cấm con gái được thờ cúng cha mẹ tổ tiên. Thế nhưng, anh Ân ạ, hẳn anh đã biết rằng truyền thống phong tục thờ phụng tổ tiên theo dòng nam ở nước ta bắt nguồn từ quan niệm Nho giáo trọng nam khinh nữ “nữ nhi ngoại tộc”. Và, điều đó không đáng trách vì nó là tập quán - một trong những công cụ để điều tiết xã hội cùng với pháp luật. Nhưng điều quan trọng là mỗi người trong chúng ta cần hiểu rằng việc chôn cất cha mẹ ở đâu hay phụ nữ thờ phụng tiên tổ không ảnh hưởng gì đến truyền thống hay văn hóa. Bởi các truyền thống không quan trọng nằm ở hình thức bên ngoài. Cái quan trọng là tính chất bên trong, là những gì chúng ta cảm nghĩ, ứng xử.
Thanh Tâm
|
Lê Văn Ân