Khoảng trống văn hóa phản biện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vài năm trở lại đây, liên tục có những ồn ào trên truyền thông và mạng xã hội bởi bất cứ cơn cớ nào. Những ngày qua, khi GS.TS Trần Ngọc Thêm đề xuất không nên tiếp tục sử dụng khái niệm “trồng người” và khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, ngay lập tức là những “ném đá”, sỉ vả - một lần nữa khiến chúng ta giật mình về văn hóa tranh luận của người Việt…

Say sưa “ném đá” theo số đông!

Theo GS.TS Trần Ngọc Thêm, ông không nói là bỏ dạy Lễ, bỏ học Lễ theo cách hiểu là phẩm chất đạo đức; mà chỉ là bỏ quan niệm và cách nói “Tiên học lễ, hậu học văn” theo cách hiểu là phục tùng một chiều. Bởi muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo, để sáng tạo thì phải chủ động và có tư duy phản biện. Mà đã “Tiên học lễ” rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, không còn tư duy phản biện nữa. Và theo quan điểm của ông, đó sẽ là những ứng xử tôn trọng hai chiều, không chỉ trò tôn trọng thầy, mà thầy cũng cần lắng nghe, tôn trọng trò, chứ không chỉ một chiều áp đặt như trong lễ giáo xưa…

Thực tế, vấn đề chính trong nỗi lo lắng về sự xuống cấp của văn hóa trong xã hội không phải ở chuyện “Tiên học lễ” mà là ở việc thượng tôn pháp luật. Hiện nay, những quan niệm này đã gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam và để thay đổi là không dễ dàng. Gần đây, ngành Giáo dục cũng đã đổi mới chương trình dạy và học, đề cập tới việc bỏ lối dạy một chiều, bỏ văn mẫu, bệnh thành tích...

Để thay đổi quan niệm đã gắn bó lâu đời với người dân Việt là một điều không dễ dàng, khi mà trong giáo dục và trong xã hội, tính thụ động thể hiện ở mọi bình diện, mọi khía cạnh: con cái thụ động trong quan hệ với cha mẹ; người học thụ động trong quan hệ với người dạy; người dạy thụ động trong quan hệ với nhà trường; nhà trường thụ động trong quan hệ với bộ máy quản lý giáo dục; cán bộ, nhân viên thụ động trong quan hệ với cấp trên; mỗi người thụ động trong quan hệ với dư luận, sợ bị số đông “ném đá”…

Tranh của danh họa Wassilij Dimitriewitsch Polenow năm 1888 về câu chuyện người đàn bà bị ném đá trong Kinh Thánh Tân ước.

Tranh của danh họa Wassilij Dimitriewitsch Polenow năm 1888 về câu chuyện người đàn bà bị ném đá trong Kinh Thánh Tân ước.

Bởi vậy, để phát triển tư duy phản biện, thực hành dân chủ trong giáo dục đòi hỏi người trên (cha mẹ, thầy cô, nhà quản lý…) phải vươn lên rất nhiều, nỗ lực rất nhiều. Có thể nói, chính những “người trên” lo lắng không theo kịp con cái, không theo kịp người học là những người phản đối chủ trương từ bỏ quan niệm “Tiên học lễ” quyết liệt nhất, là những người muốn duy trì quan niệm “Gọi dạ, bảo vâng, lễ phép ngoan nhất nhà” nhất.

Đã đến lúc cần hiểu rằng tri thức bây giờ, người học có thể tự tìm ở mọi nơi, thậm chí các em có thể tìm nhanh hơn người dạy. Và hơn nữa, mọi tri thức không phải lúc nào cũng đúng, ngay cả những chân lý mà các nhà khoa học tiên phong đã nêu ra. Vì vậy, vấn đề không phải ở chỗ truyền thụ kiến thức cho người học, không phải ở việc “chở đò” đưa học trò qua sông, mà là hướng dẫn cho học trò tự đóng thuyền, tự làm bè, tự tìm mọi cách qua sông.

Cần phải thay đổi tư duy từ dạy kiến thức, học kiến thức sang dạy phương pháp, học phương pháp. Có hệ thống phương pháp tốt thì sẽ dễ dàng thích nghi với mọi môi trường và sự biến đổi. “Chúng ta cần phải có lộ trình và đồng bộ để thực hiện khát vọng xây dựng xã hội phát triển mới. Để hướng đến một nền giáo dục có hiệu quả thì cần thay đổi rất nhiều điều. Những việc gần đây chúng ta làm như xây dựng chương trình tổng thể, thay đổi sách giáo khoa là đã cố gắng rất nhiều nhưng chưa đủ”, GS.TS Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh.

Không thể thiếu những giá trị nhân văn

“Ngoài kỹ thuật tranh biện, người tham gia nếu thiếu đi những giá trị nhân văn như lắng nghe để cảm thông, tôn trọng, cởi mở để đón nhận các quan điểm khác nhau thì việc tham gia cũng trở nên vô nghĩa”, bà Vũ Thị Mỹ Hạnh (sáng lập viên và quản lý chương trình giáo dục Vietnam Youth to Debate (Y2D), một trong những chương trình lớn và hiếm hoi về hoạt động tranh biện ở Việt Nam) chia sẻ.

Trước sự việc trên, nhà báo Nguyễn Thanh Phong bày tỏ, khi một cuộc tranh luận nổ ra ngay lập tức, nhiều ý kiến xuất hiện trên các trang báo, trên mạng xã hội, đồng tình với GS Trần Ngọc Thêm nhiều, phản đối kịch liệt cũng không ít.

Đành rằng, khi có một quan điểm mới đưa ra, sẽ có ý kiến phản biện, tranh luận. Phải có phản biện mới làm rõ hơn, sáng hơn, tiếp cận với chân lý hơn và dân chủ hơn. Áp đặt một chiều sẽ thủ tiêu sáng tạo và hạn chế quyền dân chủ. Về đề xuất của GS.TS Trần Ngọc Thêm, có những ý kiến tranh luận không chừng mực, không phải phản biện mà nặng lời. Tranh luận hay phản biện phải có lý lẽ, mang tính học thuật và tôn trọng nhau, đó là văn hóa ứng xử, văn hóa phản biện.

GS.TS Trần Ngọc Thêm phải thốt lên “nhiều người chưa đọc hết bài của tôi đã lao vào “ném đá”. Không riêng gì GS.TS Trần Ngọc Thêm, mà đã có nhiều trường hợp đưa ý kiến đề xuất, bày tỏ quan điểm và chịu sự nặng lời không kém. Có nhiều người không cần quan tâm đến nội dung, chỉ cần đọc một cái tựa, một câu trích dẫn thoát ly khỏi ngữ cảnh, nhưng vẫn say sưa “phản biện” - đôi khi lời lẽ thiếu sự tử tế và tất nhiên không thuyết phục.

Còn đó những người Việt xấu xí?

Có thể nói, một xã hội có văn hóa phản biện cao chứng tỏ dân trí cao, khi đó sẽ có nhiều người dám bày tỏ quan điểm, đề xuất thay đổi, hiến kế đổi mới, lợi ích của đất nước được mang lại từ những “trí tuệ xã hội” đó. Phản biện có văn hóa sẽ nuôi dưỡng tinh thần dân chủ và phát huy trí tuệ xã hội. Ngược lại, tranh luận mà không đi đến đâu là sự lãng phí thời gian, công sức, như lấy trứng chọi đá vậy! Dẫu chúng ta kì vọng vào một tương lai người ta dùng ái ngữ để bàn luận với nhau về chân lý, song vài tình huống trong thực tại thì “chân lý không thắng được... một số người”.

Phản biện không phải là “ném đá” hay công kích cá nhân. (Ảnh minh họa)

Phản biện không phải là “ném đá” hay công kích cá nhân. (Ảnh minh họa)

Không thể phủ nhận, mỗi chúng ta lớn lên từ môi trường văn hóa không có sự phản biện. Các thế hệ con cái vâng lời cha mẹ, thầy cô mới là đạo hiếu lễ nghĩa. Cùng với đó, từ xưa tới nay, trong gia đình và nhà trường, cho tới cả các cơ quan công quyền, thường không duy trì hay khuyến khích các cuộc tranh luận, mà đặc biệt là tranh luận công khai. Do những người quản lý, người đi trước, người hơn tuổi, tự xem mình là có vị thế và hiểu biết hơn, nhiều kinh nghiệm, đã tước bỏ cơ hội được tranh luận đối với những người xung quanh.

Ngày nay, gần như mỗi tuần là những cuộc tranh luận, ồn ào bất tận. Nhưng điều dễ nhận thấy, trong đó có rất ít tranh luận đúng nghĩa mà phần nhiều là các cuộc cãi vã vô bổ, những cuộc “ẩu đả” về ngôn từ và rồi quay ra xúc phạm, miệt thị nhau khi không thể chiến thắng được đối phương. Cãi vã chán thì ồn ào, sôi sục đó sẽ bị chìm trong quên lãng bởi những sục sôi mới. Và tất nhiên, rất nhiều vấn đề vẫn nằm nguyên ở đó, mà không có thêm sức mạnh tri thức nào, ngoài những lời khiếm nhã gây sát thương đã được tuôn ra từ rất nhiều giới: giới trẻ, “anh hùng bàn phím” và cả những vị có học hàm, học vị…

Ông Nguyễn Hữu Trí (CEO Công ty Breakthrough Power) từng chia sẻ với NST về cú sốc trong thời gian đầu học tập tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS): “Sinh viên nước ngoài thường kháo nhau: nếu muốn làm bài tập nhóm, thuyết trình được điểm cao thì... đừng làm chung nhóm với sinh viên Việt, vì họ không biết tranh luận dù học rất giỏi”. Còn ông Hiroyuki (người Nhật, quản lý một công ty du lịch) thì thẳng thắn: “Người Việt còn phải cải thiện rất nhiều về kỹ năng tranh luận vấn đề”.

Nhìn lại, anh Nguyễn Hữu Trí, tốt nghiệp thủ khoa (khoa giao tiếp đa phương tiện NUS) cho rằng, những hạn chế trong khả năng tranh luận bắt nguồn từ việc giới trẻ Việt thường ít được khuyến khích bày tỏ quan điểm, lập luận riêng ngay từ nhỏ. Chính điều này dẫn tới việc sau này khi đứng trước việc tranh luận một vấn đề, hoặc họ sẽ chọn giải pháp im lặng và giấu ấm ức trong lòng, hoặc lập luận nông và thiếu kiên trì.

Bên cạnh đó, “trước giờ người trẻ Việt có vẻ được giáo dục thiên về hùng biện nhiều hơn tranh biện, kiểu như một người độc thoại và trở thành trung tâm sự kiện, còn tất cả mọi người chỉ lắng nghe. Nếu vấn đề này được giải quyết thì mọi thứ sẽ thay đổi đáng kể”, Nguyễn Thanh Việt (ĐH Sheffield, Anh) cho biết. Còn với Thanh Võ (ĐH Monash, Úc) thì: “Tôi nghĩ điều cốt lõi là họ chỉ thích nói chứ chưa thật sự lắng nghe nhau. Điều này rất khác với giới trẻ các nước”.

Và như thế, điều dễ nhận thấy, dẫu những người tranh luận là trí thức, văn nghệ sĩ, người tranh đấu, trong và ngoài nước, khoa học, bình dân… thì đa phần người Việt coi tranh luận là cãi nhau để giành phần thắng, thỏa mãn sự chiến thắng của bản thân, chứ không phải để tìm ra chân lý. Người ta mải nói hơn là dừng lại lắng nghe. Chưa kể, những lời khiếm nhã, công kích, hạ bệ nhau giữa những người tri thức thật khó tin nhưng lại là sự thật. Thật rầu lòng khi những nặng lời mạt sát là những quan điểm cá nhân, sự hả hê khó kiểm soát khi người khác bị “ném đá” mà thôi. Trong khi đó, bất cứ sự phản biện nào cũng trên tinh thần xây dựng, nhân văn, tôn trọng sự đa dạng, những quan điểm khác nhau để đi tới một chân lý nào đó. Bởi thế, không ngạc nhiên khi chúng ta ở trong tốp 5 dẫn đầu theo bình chọn của Microsoft về những hình ảnh xấu xí, về một bộ phận những người Việt chỉ già đi, mà không có sự trưởng thành…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.