Vấn đề trên được đề cập tại Hội nghị “Thúc đẩy năng suất Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong bối cảnh Covid-19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học công nghệ và cải cách quy định hành chính” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) phối hợp tổ chức ngày hôm qua (7/10).
“Chìa khóa” thúc đẩy năng suất, chất lượng
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, yếu tố cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn, tỷ lệ đối chọi trên thị trường đã tăng lên hàng chục lần so với giai đoạn trước dịch. Do vậy, DN vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Để làm được điều đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) để thúc đẩy năng suất, chất lượng là vô cùng quan trọng.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch VINASME, trong 9 tháng đầu năm đã có khoảng 70 nghìn DN tạm ngừng hoạt động, tuy nhiên 99 nghìn DN được thành lập.
“Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy vẫn có DN tìm kiếm được cơ hội từ trong đại dịch”- ông Thân nhận định và cho rằng trong số DN trụ vững trong đại dịch và DN phát triển mới, DN KHCN, DN điều hành công nghệ chiếm đa số. “Số DN phải ngừng hoạt động chủ yếu do không đổi mới, DN sản xuất truyền thống là chủ yếu nên khi đại dịch xảy ra, số DN này rơi vào bế tắc…”- Chủ tịch VINASME phân tích.
“Đúng là ứng dụng KHCN trong DN Việt Nam hiện nay đang có nhiều vấn đề quan ngại, nhưng thực tế vừa qua cho thấy các DN cũng rất năng động và chủ động trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh để ứng phó với dịch bệnh. Chẳng hạn như nhiều DN đã áp dụng phương thức làm việc từ xa để giảm thiểu chi phí không cần thiết, hoặc có nhiều DN đã ứng dụng mô hình kinh doanh online để phục vụ tốt hơn cho khách hàng…”- Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME, ông Tô Hoài Nam phát biểu.
Theo ông Nam, DN đang nhìn nhận vai trò của KHCN rất khác so với trước đây. “Họ không những thấy đó là sự cần thiết mà còn là cơ hội để hướng tới thành công!”- Ông Nam khẳng định.
DN chủ động, nhà nước “cầm tay, chỉ việc”
Chia sẻ kinh nghiệm bứt phá về năng suất nhờ thúc đẩy ĐMST trong DN, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, cho biết, không phải đại dịch Covid-19 DN mới đầu tư đổi mới công nghệ. Với quyết tâm đưa sản phẩm “Thái dương năng” trở lại thị trường, DN này đã đầu tư để đồng bộ hệ thống quy trình các khâu(quản lý sản xuất, chuỗi cung ứng, bán hàng); Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng (vật tư, linh kiện, bán thành phẩm, sản phẩm, dịch vụ); Áp dụng Lean cho các công đoạn sản xuất để tối ưu năng suất; Thực hiện Kaisen cải tiến liên tục (Loại bỏ các loại lãng phí trong sản xuất, mua hàng, bán hàng); Ứng dụng phần mềm quản lý số liệu các khâu theo thời gian thực để đáp ứng nhanh nhất các đơn hàng, giảm thiểu tồn kho, xử lý nhanh các khâu chậm, tắc, truy xuất nguyên nhân gốc các lỗi sản phẩm; Đầu tư App cho sản phẩm (Dịch vụ bảo hành, truy xuất lô, ngày sản xuất, truy xuất nguồn gốc vật tư)…
Với sự đầu tư đồng bộ, sản lượng của DN đã tăng lên rõ rệt: Từ năm 2017 đến 2019, sản lượng tăng gấp đôi; từ năm 2018 đến 2019 sản lượng tăng trưởng 50% (75 nghìn sản phẩm lên 100 nghìn sản phẩm); nâng số lao động bình quân từ 5,9 sản phẩm/ngày/người năm 2017 lên 6,3 sản phẩm /ngày/người năm 2019. Sản phẩm của DN đã được định vị ở phân khúc giá bán cao hơn đối thủ, được khách hàng tin dùng. Đặc biệt, kết quả năm 2019 là tiền đề chính để cổ phiếu của DN tăng trưởng 100%.
Chia sẻ kinh nghiệm của DN, ông Tân cho rằng mỗi DN tìm giải pháp cho mình về áp dụng KHCN, cải tiến năng suất, áp dụng giải pháp thông minh…,nhưng quan trọng là phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. “Nhà nước có thể bỏ ra rất nhiều tiền, tổ chức rất nhiều Hội nghị, đưa ra nhiều giải pháp…, nhưng thực tế DN chưa tiếp cận, hoặc rất thờ ơ, hoặc không tiếp cận được…Vấn đề của DN là có muốn áp dựng KHCN, chuyển đổi số không? Câu trả lời là có.
Nhưng có 3 câu hỏi được đặt ra: Bắt đầu từ đâu? Hỏi ai? Bao nhiêu tiền?”- Ông Tân nêu thực tế của DN hiện nay và cho rằng DN cần “cầm tay, chỉ việc”. Để làm được việc này cần xã hội hóa hoạt động tư vấn. Bộ KH&CN đưa ra tiêu chuẩn để DN áp dụng, thay vì đào tạo, tập huấn cho DN thì cần đào tạo các chuyên gia, có các công ty tư vấn uy tín giúp DN đổi mới KHCN.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định chia sẻ, trong những năm qua, cùng với 2% ngân sách nhà nước dành cho KH&CN, tổng đầu tư cho KH&CN tăng liên tục, đặc biệt, thành phần tham gia quan trọng chính là từ cộng đồng DN, cả DN đầu tàu dẫn dắt tiên phong, cả DNNVV. Thứ trưởng cũng cho biết, nếu như đầu nhiệm kỳ vừa rồi, tỷ lệ đầu tư cho KHCN và ĐMSTlà 70- 30 , tức là nhà nước đầu tư 70%, DN đầu tư 30% thì hiện nay tỷ lệ DN đầu tư đã lên xấp xỉ 50%.
“Chắc chắn thời gian tới vai trò chủ đầu tư cho KHCN và ĐMST sẽ là vai trò của DN. Đó là định hướng quan trọng và là chỉ tiêu rõ ràng trên con số thống kê. Đây cũng là một trong các yếu tố tạo ra năng suất tổng thể sáng tạo quốc gia trong bảng xếp hạng toàn cầu. Chúng ta thăng hạng trong Bảng xếp hạng này thể hiện sự quan tâm của DN, nhất là DNNVV…”- Thứ trưởng khẳng định.