Hôm qua (16/2), các bác sĩ pháp y Honduras với sự trợ giúp của các đồng nghiệp nước ngoài đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ khó khăn – xác định danh tính của 350 thi thể tù nhân bị cháy đen – sau vụ hỏa hoạn xảy ra trong đêm 13 rạng sáng ngày 14/2 theo giờ địa phương tại một nhà tù ở Honduras.
Theo chính quyền địa phương, đây không phải là một cuộc nổi loạn trong nhà tù.
Các thi thể được chuẩn bị chuyển đi nhận dạng. Ảnh: AFP |
Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại một nhà tù ở ở thị trấn Comayagua, cách thủ đô Tegucigalpa của Honduras khoảng 90 km về phía Bắc, trong khi hàng trăm tù nhân bị mắc kẹt bên trong các buồng giam.
“Hơn 350 người thiệt mạng. Đó là một con số xấp xỉ thôi. Chúng tôi không loại trừ con số đó cao hơn một chút, nhưng chúng tôi đang tiến hành kiểm tra trước khi đưa ra con số chính thức và chính xác trong thảm kịch này”, Bộ trưởng Y tế Công cộng Pompeyo Bonilla tuyên bố.
Cũng theo bà Bonilla, số người chết có thể vượt quá con số 350 (trong tổng số 852 tù nhân), số người sống sót được xác định là 496 người (trong đó có cả những người bị thương đã được đưa vào bệnh viện và những người bình an vô sự đã được đưa tới một nơi giam giữ bí mật).
Chiều qua, Ủy viên về quyền con người Honduras Ramon Custodio cho hay, 357 tù nhân đã vắng mặt khi điểm danh. Tuy nhiên, “điều đó không có nghĩa là tất cả họ đã chết”, bởi vì một số người có thể bị thương hoặc trốn ngục, ông Bonilla nói.
“115 thi thể đầu tiên được đưa lên những chiếc con-ten-nơ lạnh và chuyển tới nhà xác Tegucigalpa trong đêm 15 rạng sáng ngày 16/2, trong khi số thi thể còn lại được chuyển trong ngày hôm qua để các nhóm kỹ thuật nhận dạng”, Bộ trưởng Pompeyo Bonilla cho hay.
“Đó là một quá trình dài, nhưng chúng tôi có sự hỗ trợ của các nước bạn bè. Nhiều chuyên gia, nha khoa, pháp y đã từ Chilê, Mỹ, Guatemala, Salvador và một số nước khác đến đây giúp chúng tôi”, bà Bonilla nói thêm.
Nhà tù Comayagua bị thiêu rụi sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: AFP |
Hiện công việc của các chuyên gia đang gặp nhiều khó khăn bởi các thi thể đều trong tình trạng cháy đen hoàn toàn. Phần lớn số tù nhân bị chết cháy, bị ngạt khói hoặc bị sặc khi lao mình vào những vòi tắm và rãnh nước, một nhân chứng kể lại.
Theo giám đốc phụ trách các trung tâm giam giữ của Honduras Danilo Orellana, chính quyền Honduras đã mở một cuộc điều tra để tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc.
Nhà tù, nơi xảy ra hỏa hoạn giam giữ gần 900 tù nhân, gấp đôi khả năng chứa. Những bức ảnh chụp tại hiện trường cho thấy nhiều thi thể bị cháy đen nằm la liệt trên những hành lang của các tòa nhà bị lửa thiêu rụi.
Tại bệnh viện Santa Teresa ở Comayagua, 58.000 người dân, nhiều tù nhân đã kinh hoàn kể lại vụ việc. “Câu chuyện rất kinh khủng, tôi đã thức giấc khi thấy tiếng kêu của các bạn tù đang cố gắng đập vỡ mái gỗ và kẽm. Chúng tôi đã thoát ra ngoài và nhảy.
Chúng tôi phải vượt tường, còn những người khác thì chết trong lửa”, tù nhân Victor Sevilla, 23 tuổi bị kết án 12 năm tù giam vì tội giết người kể lại. Fabrico Contreras, 34 tuổi, một trong những người đầu tiên thoát ra khỏi đám lửa, thì kể lại các cai ngục đã “bắn chỉ thiên vì nghĩ rằng đó là một cuộc vượt ngục” như thế nào.
Sau khi đọc danh sách những người sống sót, một đám đông gồm khoảng 300 người, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, vượt qua song sắt của nhà tù để để vào trong tìm kiếm thông tin về người thân của mình. Lực lượng an ninh bị ném đá, song vẫn phải bắn chỉ thiên để lập lại trật tự tại hiện trường. Sau đó, gia đình các nạn nhân đã tới Tegucipalpa để chờ thông tin về nhận dạng thi thể.
Đây là vụ hỏa hoạn tồi tệ chưa từng thấy tại một nhà tù trên thế giới kể từ 10 năm nay. Mặc dù ngọn lửa được khống chế sau đó ba giờ đồng hồ, nhưng hậu quả thì quá nghiêm trọng. Hiện nguyên nhân chưa được rõ, song chính quyền Honduras đặt giả thiết hỏa hoạn có thể là bắt nguồn từ nguồn điện bị chập hoặc do một tù nhân nào đó đốt nệm. Hồi tháng 5/2004, khoảng 100 tù nhân cũng đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại một nhà tù khác của Honduras ở San Pedro Sula.
Honduras, một đất nước ở Trung Mỹ, có tỷ lệ số vụ giết người trên tổng số dân cao kỷ lục trên thế giới (hơn 80 vụ trong 100.000 dân – theo Liên Hợp Quốc). Nước này có 24 trung tâm giam giữ với tổng sức chứa là 8.000 chỗ, nhưng số tù nhân lên tới 13.000 người trong khi tổng số dân là 7,7 triệu.
Phúc Lợi (theo AFP)