Đã thành thông lệ, càng về những ngày cận Tết, việc mua vé tàu, xe của người dân về quê ăn Tết lại trở nên khó khăn và tốn kém.
Vé tàu trong hết, ngoài còn
Hành khách đến mua vé tại Bến xe Trung tâm. |
Những ngày sát Tết, hàng trăm hành khách vẫn nườm nượp kéo đến Ga Đà Nẵng với hy vọng mua được vé tàu về quê ăn Tết. Thế nhưng sau nhiều giờ xếp hàng chờ đợi, nhiều người đã phải ra về với vẻ mặt buồn thiu. Ngày 18 tháng Chạp, có mặt tại Ga Đà Đẵng để mua vé tàu đi tuyến Đà Nẵng - Hà Nội, sau gần nửa giờ xếp hàng chờ đợi, nhân viên bán vé trả lời: “Vé ra Hà Nội từ ngày 25 đến 28 tháng Chạp đã hết sạch”. Trong tâm trạng lo âu vì không mua được vé tàu, thế nhưng khi tôi vừa bước ra khỏi nhà ga, đã xuất hiện đội ngũ xe thồ, xích lô chèo kéo chào bán vé đủ loại, đủ chuyến và đủ ngày. “Mua vé hả? Đi đâu vậy? Về ngày nào?”. “Có vé ra Hà Nội ngày 27 âm lịch không?” – tôi hỏi. “Ngày nào cũng có cả, nhưng giá đắt hơn 100 nghìn đấy. Tôi mua vé về quê ăn Tết, nhưng do gia đình có chuyện không về được nên để lại cho chú”, một bác hành nghề xe thồ nói.
Nếu mua vé tàu của đội ngũ xe thồ, xích lô… ở trước cổng Ga Đà Nẵng sẽ rất thuận tiện và chỉ đắt hơn từ 100-200 nghìn đồng (tùy tuyến), thế nhưng nhiều người đã từ chối không mua vì sợ vé giả.
“Cắt cổ” vé ô-tô
Không mua được vé tàu về quê, nhiều người đã phải đi bằng ô-tô với giá vé “cắt cổ”. Hiện tại, nhiều DN vận tải đã tăng giá vé từ 20 - 80% (tùy theo tuyến). Đơn cử như giá vé giường nằm tuyến Đà Nẵng đi Hà Nội đã được nhà xe đẩy lên thêm gần 200 nghìn đồng/vé so với ngày thường. Chẳng hạn, tuyến Đà Nẵng - Hà Nội, loại xe giường nằm thường dao động từ 200- 230 nghìn đồng/vé, thế nhưng hiện đã tăng lên 390 nghìn đồng/vé vào những ngày sát Tết. Riêng các tuyến Đà Nẵng – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… cũng được nhà xe đẩy lên khá cao, khoảng 30 – 50% so với trước đó.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá vé, các DN vận tải đều cho rằng, do giá nhiên liệu tăng, khiến chi phí gia tăng, nên phải nâng giá vé. “Đối với tuyến Đà Nẵng – Hà Nội, chúng tôi buộc phải đề nghị tăng mạnh giá vé vì thường vào những ngày cận Tết, xe chạy tuyến này chỉ bán được vé lượt ra, còn khi vô xe nào cũng “vườn không nhà trống”. Như vậy, nếu không tăng giá vé, ai sẽ bù lỗ cho DN?” - giám đốc một DN vận tải giãi bày.
Mặc dù nhiều DN vận tải đưa ra nhiều lý do biện minh cho việc tăng giá vé, song theo một lãnh đạo của Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, việc có DN tăng giá vé tới vài chục phần trăm là quá cao, nhưng công ty không có quyền can thiệp, bởi giá vé là do DN tự quyết, sau đó xin phép Sở Tài chính và Cục Thuế. Giá vé tăng, chịu thiệt thòi đầu tiên và lớn nhất chính là khách đi lại trong dịp Tết năm nay.
Cũng theo Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, nếu như năm ngoái, cuộc khủng khoảng kinh tế đã làm nhiều người lao động xa quê phải lỡ hẹn ăn Tết ở nhà do kinh tế khó khăn, còn năm nay, nền kinh tế đã dần hồi phục thì dự kiến lượng hành khách đi lại trong dịp Tết này sẽ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước và tập trung chủ yếu vào các ngày từ 25 đến 29 tháng Chạp. Các tuyến có lượng khách tăng cao gồm Đà Nẵng – Hà Nội và Đà Nẵng đi các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh…
Bà Trương Thị Hà, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng phân bổ các tuyến xe và sẽ xử lý nghiêm đối với các nhà xe có hành vi găm vé, bán vé qua trung gian...
Bài và ảnh: Trọng Hùng