Nguyên nhân là vì Thanh thấy mệt, thậm chí sợ hãi với kiểu nóng tính, hay chửi bậy của bố chồng. Thanh cho biết: “Mới đi làm về, khát nước quá, mình vội mở tủ lạnh uống nước trước rồi mới dắt xe vào nhà. Thế mà cũng bị bố chồng chửi là đoảng, vô ý, bao nhiêu người mất xe mà không chừa”. Bố chồng cô, chẳng bao giờ được một lời nói ngọt, với vợ con, lúc nào cụ cũng “mày – tao” hết.
Trước khi cưới, Thanh đã hiểu tính nết bố mẹ chồng tương lai nhưng cô chủ quan: “Mình cố sống tốt là được”. Tuy nhiên, lúc sống chung, Thanh thấy áp lực gấp trăm lần cô tưởng.
“Đến mẹ chồng và chồng mình còn bảo, chẳng chịu nổi bố chồng mình. Hai bố con rất hay xô xát. Mình có ý muốn ra riêng, chồng mình đồng ý ngay. Mẹ chồng cũng ủng hộ, còn nhờ họ hàng tìm nhà trọ giúp. Bố chồng chỉ đáp: ‘Chúng mày sống sao thì sống’” – Thanh kể thêm.
Dù ở chung hay ở riêng thì việc giữ trọn đạo hiếu là điều quan trọng nhất |
Tuy nhà trọ chỉ 20m², hàng tháng phải đau đầu với khoản tiền trọ nhưng vợ chồng Thanh thấy thoải mái hơn nhiều.
Còn lý do Minh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) từ giã nhà chồng với tiện nghi đầy đủ để “chui rúc” trong một căn trọ hẹp, chưa mưa đã ngập là vì mẹ chồng cô có tính cách của “địa chủ”, coi con dâu như “người làm”. “Ngày nào cụ cũng hỏi: ‘Không lau nhà à? Cầu thang bẩn thế?’ trong khi mình vừa đi làm về, còn thở chưa kịp” – Minh Anh chia sẻ.
Được chồng “hậu thuẫn”, vợ chồng Minh Anh ra riêng dễ dàng. Biết sẽ chật vật hơn, vả lại, sau này sinh con sẽ càng vất vả nhưng trước mắt, Minh Anh rất vui. Minh Anh cho biết, “tổ ấm” của cô tuy nhỏ nhưng chiều nào tan sở, cô cũng muốn về sớm để tự tay cơm nước cho chồng. Lau dọn nhà cửa, cơm nước, chợ búa được theo ý mình nên cô thấy khá dễ chịu, không như trước đây, rửa bát, cắm cơm cũng lo nơm nớp mẹ chồng không hài lòng.
Chung – riêng và đạo làm con
Rất nhiều vợ chồng ủng hộ việc ở riêng vì theo họ, “không có gì tốt hơn được tự do”. Được ở riêng, tất nhiên có nhiều lợi ích vì không “ra đụng, vào chạm” giúp mẹ chồng – con dâu tránh được những mâu thuẫn vụn vặt. Con dâu cũng được làm chủ gia đình theo ý mình, tự tay cơm nước, dọn dẹp, cân đối thu – chi mà không cần xin “chỉ đạo” từ mẹ chồng…
Chuyện “riêng – chung” vì thế cũng tùy hoàn cảnh riêng, không phải lúc nào thích cũng được. Nếu đã quyết định ở riêng, vợ chồng cần bàn bạc thật kỹ, nhất là khi kinh tế chưa vững, nhà chồng lại ít người hoặc có con mọn.
Những hoàn cảnh như thế này thì sống chung giúp tiết kiệm chi phí (không mất tiền thuê nhà), nhà cửa rộng rãi và tiện nghi đầy đủ khi phải chăm con nhỏ… Nhưng nếu vẫn muốn ở riêng, bất chấp những khó khăn trước mặt, vợ chồng cũng phải đồng lòng. Nếu người vợ muốn ra ngoài, còn người chồng không thích thì phải bàn bạc lại. Nếu hai vợ chồng nhất quyết xin ra, còn mẹ chồng chưa bằng lòng thì cũng cần xem xét lại.
Không nên coi việc dọn ra ngoài để trốn tránh nghĩa vụ làm con. Dù ở chung hay ở riêng thì việc giữ trọn đạo hiếu là điều quan trọng nhất.
Theo Ngọc Bình
Mevabe