Theo Bộ Công Thương, nhập siêu trong 2 tháng đầu năm 2010 là 2,16 tỷ USD, bằng 24,4% kim ngạch xuất khẩu (XK). Nhập siêu quý 1-2010 ước khoảng 3,51 tỷ USD, tỷ lệ này so với kim ngạch XK là 25%. Nguyên nhân chính khiến nhập siêu gia tăng là do giá cả trên thị trường thế giới biến động.
Nhập siêu tăng do mặt bằng giá tăng và các DN tăng cường nhập thiết bị, nguyên liệu sản xuất |
Bộ Công Thương đã đề ra mục tiêu kiềm chế nhập siêu trong năm 2010 ở mức 20% kim ngạch XK, tương đương 12,2 tỷ USD. Tuy nhiên, với con số ước nhập siêu của 3 tháng đầu năm khoảng 3,51 tỷ USD thì nhiệm vụ những tháng còn lại để giữ được cán cân XNK đề ra là rất khó khăn, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương.
Bên cạnh đó, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và giày da tiếp tục gặp một số khó khăn vì Mỹ đã bỏ hoàn toàn hạn ngạch dệt may đối với Trung Quốc, tạo cạnh tranh lớn với hàng Việt Nam. EU thông qua đề xuất tiếp tục áp thuế chống bán phá giá 10% thêm 15 tháng lên các sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về thuế nhập khẩu. Ví dụ, cách đây 5 năm, doanh nghiệp trong nước không sản xuất được máy biến thế 220 KV, 500 KV và hai mặt hàng này được liệt vào dạng tiên nhập khẩu và chỉ chịu thuế nhập khẩu 5%. Đến nay, doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được loại máy biến thế này, và không thể cạnh tranh được với các mặt hàng của Trung Quốc. Bởi thực tế, máy biến thế của Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam do thuế nhập khẩu thấp.
Trước tình hình trên, ngày 25-3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương có cuộc họp với các tập đoàn, tổng công ty và các hiệp hội ngành hàng nhằm tìm phương án hạn chế nhập siêu.
Theo ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), muốn hạn chế nhập siêu, tăng cường XK cần có giải pháp từ công nghiệp chứ không phải từ thương mại. Nếu xét về số học thì cứ giảm nhập khẩu là giảm nhập siêu, nhưng căn cơ lâu dài phải phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ để giảm bớt nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, từ đó sẽ đẩy mạnh sản xuất trong nước và XK ổn định, bền vững.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị cần tăng trưởng tín dụng đối với ngành dệt may, bởi nếu áp dụng chung sàn tăng trưởng tín dụng 25% thì rất khó cho doanh nghiệp. Trong quý 2 và 3, các cơ quan điều hành chính sách cần có giải pháp cụ thể về tín dụng lưu động cho các ngành hàng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh, sắp tới sẽ kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được bằng các biện pháp về thuế và phi thuế trong khuôn khổ pháp luật và những cam kết mà Việt Nam đã cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ Công thương cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng XK được vay vốn dễ dàng, không bị các nguồn vốn dành cho các nhu cầu khác theo lãi suất thỏa thuận ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.