Như PLVN đã thông tin, ông Hoàng Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở Y Tế Nghệ An xác nhận trước khi được tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương dự án xây bệnh viện theo mô hình công – tư, phía tập đoàn COTEC có mời một nhóm cán bộ của ngành, của tỉnh đi học tập mô hình trong phía Nam.
Đoàn công tác này có văn bản trình UBND tỉnh đề nghị chấp thuận chủ trương. Sau đó, tỉnh ủy quyền cho Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đứng ra thương thảo, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để triển khai dự án. Tuy nhiên, ông Hảo cũng nói: “Để đánh giá mô hình này thành công hay không và thành công đến mức độ nào là rất khó. Bởi mấy mô hình đi khảo sát trong Nam thì cũng chỉ là đang xây dựng”.
Vì sao tập đoàn COTEC muốn xây bệnh viện?
Trong văn bản của lãnh đạo UBND tỉnh xin ý kiến thường trực tỉnh ủy Nghệ An cũng xác nhận chuyện này: “UBND tỉnh đã cử Đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát mô hình “xã hội hóa trong lĩnh vực khám chữa bệnh tại bệnh viện công” và một số bệnh viện do Tập đoàn COTEC đầu tư theo hình thức công –tư ở Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu”.
Văn bản do UBND tỉnh soạn thảo nói rằng, trên cơ sở báo cáo kết quả khảo sát của Đoàn công tác và Công văn số 57 ngày 8/11/2013 của Công ty CP kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng COTEC, UBND tỉnh nhận thấy việc huy động nguồn lực này là để “hình thành cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu và chất lượng cao phục vụ nhu cầu ngày càng cao của xã hội, phục vụ các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại khu vực Bắc Trung Bộ”.
Cần phải nhắc lại, Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính cho thí điểm xây dựng bệnh viện theo hình thức công –tư là nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện những dự án nhằm phát triển, cung cấp những dịch vụ y tế công, tức nhấn mạnh mục đích vì phúc lợi xã hội chứ không phải vì “khám chữa bệnh theo nhu cầu, chất lượng cao”, và yếu tố lợi nhuận như nhận định của UBND tỉnh Nghệ An.
Trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam mới đây, Ban vận động thành lập Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam kiến nghị dừng xây dựng bệnh viện công –tư vì đây là mô hình không phù hợp trong lĩnh vực y tế. “Không thể áp dụng hình thức nhà nước và tư nhân cùng bỏ vốn đầu tư xây bệnh viện theo mô hình này, bởi điều đó sẽ dẫn đến các biểu hiện: Cạnh tranh không lành mạnh giữa các bệnh viên tư nhân với nhau trên địa bàn, nó sẽ “giết chết” các bệnh viện ngoài công lập, đi ngược với xu thế xã hội hóa y tế theo Nghị quyết 05 của Chính phủ.
Ngoài ra, bản chất hình thức này chính là bệnh viện nhà nước với tư nhân cùng chung bệnh viện và cùng hưởng lợi nhuận, do đó hình thức đầu tư này dễ xuất hiện lợi ích nhóm trong lĩnh vực xã hội hóa y tế”.
Nói một đàng, làm một nẻo?
Trước ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế nhận định chủ trương cho xây dựng bệnh viện theo mô hình đang nói ở Nghệ An là sai lầm và thiếu tính toán, phóng viên PLVN đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhằm làm rõ chủ trương nhưng bị từ chối với lý do lãnh đạo bận đi công tác nước ngoài, bận họp hành…
Trao đổi qua điện thoại, một lãnh đạo tỉnh này nói rằng: “Mô hình đầu tư giai đoạn 2 bệnh viện đa khoa không phải theo mô hình công –tư. Vấn đề này đang tranh cãi thật và Thủ tướng đang chỉ đạo hoàn thiện cơ chế và chính sách. Mô hình tỉnh Nghệ An đang triển khai là xã hội hóa”. Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng nói tương tự khi phóng viên đề cập đến dự án xây dựng bệnh viện mà Tập đoàn COTEC và Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đang muốn triển khai: “UBND tỉnh Nghệ An đang đầu tư theo mô hình xã hội hóa chứ không phải làm theo hình thức đối tác công - tư””.
Trả lời như vậy là khó hiểu, “tiền hậu bất nhất” bởi tài liệu mà phóng viên thu thập được trong quá trình tìm hiểu sự việc này cho thấy, những trả lời của các vị lãnh đạo nói trên không đúng với nội dung trong các văn bản mà tỉnh này ban hành.
Trong công văn số 8210, ngày 115/11/2013, của UBND tỉnh Nghệ An gửi Thường trực tỉnh ủy tỉnh này xin chủ trương triển khai dự án này khẳng định: “Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế theo tinh thần quyết định số 71 ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công –tư và Kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công –tư. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mô hình xã hội hóa theo hình thức công –tư, UBND tỉnh kính đề nghị Thường trực tỉnh ủy cho ý kiến…”
BS Trần Văn Bảo, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An:
Ở TP. Vinh hiện nay, với hàng loạt bệnh viện lớn nhỏ của địa phương và ngành, cùng với 9 bệnh viện tư nhân thì không nên xây thêm bệnh viện nào nữa bởi nhân lực cho ngành y địa phương đang bị khủng hoảng nghiêm trọng.
Theo quy định của Bộ Y tế, sinh ra 1 giường bệnh thì phải có 1,4 bác sĩ. Đào tạo một bác sĩ cần ít nhất 10 năm. Hiện bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An có khoảng 900 nhân lực. Với 1000 giường bệnh của bệnh viện công thì nhân lực đã thiếu rồi. Giờ sinh ra thêm một bệnh viện công-tư nữa với 600 giường bệnh nhân lực lấy đâu ra?.