Xây dựng bệnh viện theo hình thức đối tác công – tư (PPP) lần đầu được thực hiện theo Quy chế thí điểm tại Quyết định số 71 ban hành ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Với kỳ vọng sẽ tăng cường cung cấp dịch vụ công không sinh lợi trong lĩnh vực y tế cho số đông người dân thụ hưởng, thế nhưng chỉ sau vài năm triển khai, thực tế không được như mong đợi mà đáng lo ngại khi phần tài sản nhà nước góp vào một số dự án lại có nguy cơ bị tư nhân “thôn tính”…
Vốn ít không được điều hành
Theo Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư là Nhà nước và nhà đầu tư phối hợp thực hiện những dự án nhằm phát triển, cung cấp những dịch vụ y tế công. Nhưng khi triển khai, mục đích vì phúc lợi xã hội không thấy đâu mà yếu tố lợi nhuận trở thành lý do chính quyết định chuyện liên kết “làm ăn”.
Theo tìm hiểu của PLVN, trong việc xây BV theo mô hình công - tư đang triển khai ở Việt Nam hiện nay, phần tài sản nhà nước góp vào các dự án xây BV thường là bằng đất đai, lợi thế vị trí, thương hiệu, nhân lực có sẵn trong khối các BV nhà nước.
“Dưới góc độ kinh tế, phần vốn mà Nhà nước cho phép góp vào là rất có giá trị nhưng lại khó định lượng một cách chính xác giá trị thực của nó. Trong bối cảnh khối y tế ngoài công lập đang bị phân biệt đối xử, hoạt động khó khăn thì có thể nói với những lợi thế sẵn có từ khối BV công lập trở thành động lực lớn để các “ông tư nhân” dòm ngó để đầu tư vào những dự án kiểu này. Với cơ chế chính sách như hiện nay, hình thức đầu tư này dễ xuất hiện lợi ích nhóm trong lĩnh vực xã hội hóa y tế” - một lãnh đạo BV ẩn danh tiết lộ.
Giá trị đất đai có thể đong đếm, nhân lực và thương hiệu BV là khó định lượng nhưng trong Quyết định số 71 đã cố gắng “định” cho nó một giá trị: “Tổng giá trị phần tham gia của Nhà nước không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án”- Quyết định số 71 đã xác định phần vốn góp của Nhà nước trong các dự án PPP. Như vậy, ở một dự án xây dựng BV theo PPP, Nhà nước chỉ góp 30% tài sản bằng những thứ kể trên, 70% còn lại là do nhà đầu tư tư nhân bỏ ra. Với tỷ lệ vốn góp chênh lệch như vậy, trong quá trình đàm phán để ký hợp đồng đầu tư thì quyền điều hành mọi hoạt động của BV đương nhiên thuộc về nhà đầu tư tư nhân.
Tài sản nhà nước bị “thôn tính”
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cay đắng: BV nơi ông công tác từng thí điểm mô hình BV công – tư đầu tiên mang tên BV “Quốc tế Việt Nam” . Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, dự án được coi là đã thất bại, phần đất trị giá như “vàng” của BV Bạch Mai góp vào để thành lập BV Quốc tế Việt Nam bỗng chốc “trôi ra sông, ra biển”. Phần vốn góp đáng giá này, nay thuộc quyền sở hữu của tư nhân. BV vốn mang tiếng là công - tư kết hợp, nay cũng trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và được đổi tên thành BV Việt Pháp Hà Nội.
Theo ông Hiền, thời điểm góp vốn để xây dựng BV, phía BV Bạch Mai góp 30% tài sản gồm: thương hiệu, nhân lực BV cùng 8.000m2 đất “vàng” ở phố Phương Mai. Vốn góp nhiều hơn nên khi đi vào hoạt động, nhà đầu tư nắm quyền quản lý vận hành BV. Sau đó, năm nào họ cũng kêu kinh doanh thua lỗ, với con số báo lỗ gần triệu USD/năm.
“Mà đã lỗ thì khoản lỗ này cũng bị chia theo tỷ lệ 30/70. Đến khi lỗ nhiều quá, BV Bạch Mai chẳng còn cách nào bù được nên đành “ngậm đắng nuốt cay” rút chân ra khỏi liên doanh. Lúc đó, phía BV Bạch Mai nói với đối tác là chúng tôi không tham gia nữa. Sau khi tính toán giá trị còn lại, nhà đầu tư cho BV Bạch Mai được rút về 300 ngàn USD, cùng khoảnh đất 3.200m2 đang dự định làm thủ tục góp vào tiếp. Mảnh đất 8.000m2 kia đương nhiên đã bị mất trắng do hàng năm bị đối tác khấu trừ vào khoản lỗ mà họ đã kê khai ra” - ông Hiền tiết lộ.
Theo ông Hiền, mô hình hợp tác công – tư vốn là chủ trương đúng đắn vì Nhà nước muốn tranh thủ nguồn lực bên ngoài để góp phần làm tăng dịch vụ y tế công cho người dân. Nhưng đi vào hoạt động thì vấn đề lợi nhuận mới là vấn đề chính. Nguyên nhân tài sản nhà nước bị mất mát trong quá trình liên kết như trường hợp BV Bạch Mai đã mắc phải là do phía Nhà nước bỏ vốn mà không được làm chủ, không nắm quyền vận hành để cho đối tác thao túng. Khi không nắm được quyền điều hành thì Nhà nước không thể quyết định được chi phí, giá thu, mức thu dịch vụ cũng như các hoạt động khác của BV.
“Hoạt động của BV PPP lúc đó có nhiều vấn đề lắm mà chúng tôi không can thiệp được. Đơn cử như chuyện nhà đầu tư dồn dập đưa nhiều người nước ngoài sang. Chi phí cho chuyện lương bổng, công tác phí, tiền xa nhà, tiền chỗ ở, tiền xe cộ cho họ là cực kì lớn. Mỗi ông mang mác bác sĩ nước ngoài “ngốn” hết vài chục ngàn USD/tháng. Có thời điểm chi phí cho khoảng 20 người nước ngoài bằng chi phí cho toàn bộ số cán bộ của BV Bạch Mai cộng lại” - ông Hiền nhớ lại.
Không ủng hộ
Theo Phó Giám đốc BV Bạch Mai, để tránh thất thoát tài sản nhà nước, nếu tiếp tục thực hiện mô hình này thì trong quy định của Nhà nước nên cho tăng phần vốn góp của Nhà nước lên cho quá bán để đại diện Nhà nước nắm được quyền điều hành, để đảm bảo tài sản góp vào không bị mất, thất thoát vào tay tư nhân.
“Nếu không làm được như thế thì theo tôi Nhà nước nên tạo điều kiện cho nhà đầu tư được ưu đãi về đất, thuế để họ xây dựng một BV mới hoàn toàn, cho người ta tự vận hành. Tới một thời gian nào đó người ta chuyển giao lại cho Nhà nước quản lý. Chứ làm theo cách này thì phần tài sản nhà nước dễ bị tư nhân thôn tính” - ông Hiền nói.
Lo ngại vấn đề BV công lập bị mất tài sản khi liên kết với khối doanh nghiệp tư nhân, BV Việt Đức cũng chưa tìm được tiếng nói đồng thuận với các doanh nghiệp tư nhân khi có ý định đầu tư vào đây. Theo lãnh đạo BV nổi tiếng này, việc cứu chữa bệnh nhân phải đòi hỏi đề cao tinh thần y đức, không nên đặt nặng vấn đề lợi nhuận nếu không những sai lầm như BV Bạch Mai lại tiếp tục xảy ra trên diện rộng.
(Còn tiếp)