Ông Trần Văn Sự, Phó Chánh án TAND TP.HCM vừa có văn bản gửi TANDTC cho rằng trong quá trình áp dụng pháp luật, cơ quan này tập hợp một số vướng mắc, kiến nghị, đề nghị TANDTC hướng dẫn. Cụ thể, nhiều tội danh chưa được hướng dẫn về định lượng để xác định khung hình phạt.
Bị cáo trong một phiên tòa- ảnh minh họa |
Điều 181 BLHS, quy định: “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác”. Loại tội phạm này không đề cập đến định lượng “có giá giả” và chỉ định khung hình phạt theo “trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”.
Nhưng thực tiễn thì tòa vẫn xử theo cáo trạng của VKSND truy tố và cũng không có căn cứ xác định hóa đơn GTGT có giá giả là bao nhiêu để áp dụng khung hình phạt chính xác và thống nhất. Đối với “tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, thì TANDTC cần hướng dẫn cụ thể hơn để phân biệt “rõ người khác phạm tội mà có” với việc chứa chấp, tiêu thụ tài sản “không có nguồn gốc rõ ràng”; Chưa có hướng dẫn về định lượng thế nào là “tài sản, vật phạm pháp có giá trị” hoặc “thu lợi bất chính” lớn, rất lớn.
Tại Điều 95 BLHS quy định: “Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, cần có hướng dẫn cụ thể về hậu quả có buộc phải chết người xảy ra hay không? Bởi thực tiễn xét xử, đã có vụ án bị cáo vì tức giận người bị hại hung hăng côn đồ đánh đập con mình đến gãy chân nên đã dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào ngực (vùng tim, phổi) của người bị hại, nhưng người bị hại không chết, chỉ bị thương tích tỷ lệ 28%.
Về câu chuyện này, có ý kiến cho rằng, đã đủ dấu hiệu xét xử về tội giết người trong trạng thái bị kích động mạnh. Nhưng ý kiến khác cho rằng, về lý luận, nếu cho rằng bị cáo phạm tội trong trạng thái bị kích động mạnh thì phải chấp nhận đó là lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả đến đâu xử đến đó. Cụ thể trong trường hợp này thì chỉ xử theo Điều 105, “tội cố ý gây thương tích trong trạng thái bị kích động mạnh. Với điều luật này thì tỷ lệ thương tật phải từ 31% trở lên mới cấu thành cơ bản, và như vậy bị cáo trong trường hợp vừa nêu sẽ được tuyên không phạm tội.
Về tội tổ chức đánh bạc, TAND TP.HCM cho rằng theo hướng dẫn của Nghị quyết thì nếu không đủ các yếu tố về quy mô lớn thì xử về tội đánh bạc với vai trò đồng phạm. Điều này là không công bằng, không phản ánh hết tính chất nguy hiểm của tội phạm. Vì nếu tổ chức đánh bạc với quy mô lớn trong những trường hợp không có tình tiết định khung tăng nặng thì chỉ bị xử theo khoản 1, Điều 249 BLHS. Còn nếu mức độ không phải là quy mô lớn (không cấu thành cơ bản) phải xét xử sang “tội đánh bạc với va trò đồng phạm ở khoản 2, Điều 248 BLHS, mà khung hình phạt của loại tội này (từ 2 đến 7 năm) lại nặng hơn so với khoản 1, Điều 249 (từ 1 đến 5 năm) BLHS.
Theo TAND TP.HCM: Từ tháng 1 đến tháng 7/2010, án hủy là 205, tỷ lệ hủy 0,75%, trong đó hủy do cấp sơ thẩm sai là 166, có tình tiết mới là 39 vụ. Nguyên nhân hủy là do thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, phần lớn do lỗi về tố tụng như: Thiếu người tham gia tố tụng, xác định sai tư cách người tham gia tố tụng, xét xử vắng mặt đương sự nhưng việc tống đạt chưa hợp lệ, vụ án không thuộc thẩm quyền...
Phong Trần