Sau 10 ngày quy định về việc xử lý lái xe rơ-mooc không có bằng FC có hiệu lực, những bất cập của quy định đang làm khó cả lực lượng cảnh sát giao thông lẫn các doanh nghiệp vận tải và lái xe.
Cảnh sát giao thông trạm Quán Toan kiểm tra bằng FC của lái xe rơ-mooc lưu thông trên quốc lộ 5 Ảnh: Hoàng Phước
|
Phạt, không phạt: băn khoăn đứng giữa 2 dòng
Sau 10 ngày quy định xử phạt lái xe không có bằng FC có hiệu lực, chúng tôi có chuyến đi tìm hiểu thực tế trên tuyến quốc lộ 5 đoạn từ Hải Phòng tới Hải Dương. Các đoạn đường thưa hẳn bóng xe chở công-ten-nơ, các bến bãi chật cứng xe nằm “án binh bất động” là thực tế chung của các cung đường. Thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân chính: quy định về xử phạt người điều khiển xe rơ-mooc không có bằng FC có hiệu lực. Mức xử phạt từ 2-3 triệu đồng kèm theo hình phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện trong khoảng 10 ngày. Quy định trên khiến hơn 80% số lái xe không dám lái xe vì sợ bị phạt.
Trung tá Nguyễn Thế Song, Trạm trưởng Trạm CSGT Quán Toan, cho biết: “Trong ngày đầu thực hiện quy định (1-7), chúng tôi kiểm tra 5 xe, chỉ có 1 xe lái xe có bằng FC, ngày thứ hai kiểm tra 10 xe, chỉ có 3 lái xe có bằng FC. Từ ngày đầu thực hiện quy định tới nay, tình trạng trên vẫn tiếp diễn, đồng thời số xe lưu thông trên quốc lộ 5 giảm hẳn so với những ngày trước đó. Trước tình trạng lái xe vi phạm, chúng tôi chưa xử lý mà yêu cầu lái xe quay lại bến”. Việc chưa xử phạt lái xe điều khiển xe rơ-mooc thiếu bằng FC không chỉ diễn ra ở Trạm CSGT Quán Toan mà các đơn vị khác của Phòng CSGT thành phố và cả lực lượng CSGT tỉnh Hải Dương đều thực hiện. Thượng tá Hà Xuân Sỹ, Phó trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh Hải Dương) cho biết: “Do lực lượng CSGT Hải Phòng và Hà Nội kiểm tra từ hai đầu nên lượng xe rơ-mooc qua địa bàn Hải Dương giảm hẳn. Qua kiểm tra, có khoảng 40% số lái xe có bằng FC, đối với những trường hợp chưa có bằng FC, chúng tôi mới nhắc nhở, chưa xử phạt”.
Quy định về xử phạt lái xe rơ-mooc không có bằng FC thực hiện được 10 ngày nhưng thể hiện nhiều bất cập. Quy định này đang “làm khó” lực lượng cảnh sát giao thông: nếu tiếp tục không xử phạt, vô hình chung người cảnh sát giao thông vi phạm quy định, không làm tròn trách nhiệm được giao; còn nếu xử phạt theo đúng luật thì gặp vô vàn vướng mắc, có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế, xã hội của thành phố, thậm chí cả đất nước. Cảng Hải Phòng là cửa ngõ xuất nhập khẩu lớn nhất miền Bắc, 70% lượng hàng hóa lưu thông từ các tỉnh, thành phố phía Bắc tới Cảng Hải Phòng và ngược lại. Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 5.100 đầu xe rơ-mooc và khoảng vài nghìn đầu xe rơ-mooc của các tỉnh, thành phố khác thường xuyên lưu thông ra vào lấy hàng từ cảng Hải Phòng. Với việc 80% số lái xe rơ-mooc không dám điều khiển phương tiện thì ảnh hưởng của việc này không còn dừng lại ở đời sống, quyền lợi của một số lái xe, doanh nghiệp vận tải mà có nguy cơ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Một vấn đề khác khiến lực lượng cảnh sát giao thông Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác chưa xử phạt lái xe rơ-mooc thiếu bằng FC xuất phát từ tính thiếu thực tế của quy định này. Theo một lãnh đạo Phòng CSGT (Công an thành phố): Xử phạt lái xe điều khiển xe rơ-mooc thiếu bằng FC theo Nghị định 34, ngoài hình thức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng còn kèm hình thức phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, các đơn vị trực thuộc Phòng CSGT thành phố không có bến bãi tạm giữ loại phương tiện “khổng lồ” này. Chúng tôi liên hệ với một số bến bãi nhưng không chủ bến bãi nào dám nhận trông giữ những chiếc xe chở công-ten-nơ đầy hàng, vì nếu xe này đỗ tại bến bãi, chắc chắn sẽ gây hiện tượng lún sụt. Bài toán nan giải đặt ra đối với lực lượng CSGT khi xử lý xe rơ-mooc vi phạm là lấy đâu ra bến bãi để tạm giữ phương tiện.
Nếu như giải được bài toán bến bãi, một vấn đề khác đặt ra đối với công tác xử lý xe rơ-mooc là lấy đâu ra người điều khiển phương tiện vi phạm về bến để xử lý. Theo nguyên tắc, khi lái xe bị công an xử phạt lỗi không có bằng FC khi điều khiển xe rơ-mooc, lái xe đó không được phép điều khiển phương tiện. Chiếc xe vi phạm này phải được người có bằng FC điều khiển về bến bãi để chờ xử lý. Tuy nhiên, hiện hơn 90% lực lượng CSGT thành phố không có bằng FC. Vậy ai sẽ là người điều khiển xe vi phạm về bãi đỗ? Không lẽ lực lượng CSGT và chủ xe phải chờ thuê người có bằng FC đến để đưa xe đi.
Những bất cập chung quanh tấm bằng FC, lái xe, doanh nghiệp vận tải và lực lượng CSGT đều thấy rõ. Lái xe lo lắng không dám điều khiển xe rơ-mooc thiếu bằng FC, vì mặc dù biết hiện tại công an chưa phạt nhưng sẽ tới lúc họ phải thực hiện nghiêm túc Nghị định 34, biết đâu khi công an thực hiện, người bị phạt lại rơi vào chính mình, khi đó thì có đi làm vài tháng cũng chẳng đủ bù vào số tiền phạt. Hơn nữa, lái xe không dám chạy vì mặc dù biết CSGT Hải Phòng chưa phạt nhưng khi đi đến địa phận tỉnh, thành phố khác lại bị phạt. Lực lượng CSGT ở các đội, trạm nhận thấy rõ những bất cập của quy định này, nhưng cũng chỉ biết báo cáo lên cấp phòng, rồi phòng CSGT lại báo cáo lên cấp cao hơn, cấp cao hơn nữa. Để điều chỉnh bất cập chung quanh chiếc bằng FC, cần phải thời gian, trong khi những bất cập đó đang từng ngày, từng giờ ảnh hưởng tới đời sống lái xe, doanh nghiệp vận tải và quá trình lưu thông hàng hóa qua Cảng Hải Phòng.
Việt Hòa