Kho báu của gia đình quý tộc Naryshkin về ai?

Được vô tình phát hiện sau gần một thế kỷ nằm im trong vách tường tòa dinh thự cổ, kho báu vật hàng ngàn món của gia đình quý tộc Naryshkin dẫn đến ban đầu là những cuộc đấu khẩu, và sau đó có thể là một cuộc chiến pháp lý cam go và thú vị. Thậm chí, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ông Seigey Naryshkin, đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi của dòng họ quý tộc lớn mà ông cho mình là một thành viên.

Được vô tình phát hiện sau gần một thế kỷ nằm im trong vách tường tòa dinh thự cổ, kho báu vật hàng ngàn món của gia đình quý tộc Naryshkin dẫn đến ban đầu là những cuộc đấu khẩu, và sau đó có thể là một cuộc chiến pháp lý cam go và thú vị. Thậm chí, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ông Seigey Naryshkin, đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi của dòng họ quý tộc lớn mà ông cho mình là một thành viên.

Từ một vụ trộm

Tối 27/3/2012, trong lúc chặn vài chiếc xe tải chở xà bần từ công trường phục chế và cải tạo một dinh thự cổ ở trung tâm thành phố Saint Petersburg (Nga) để khám xét, các nhân viên bảo vệ đã phát hiện những bao “rác” khả nghi.

Khi những cái bao nặng trịch được mở nút thắt, hết thảy những người có mặt đều tròn mắt kinh ngạc : Một kho cổ vật quý giá, nào là tô, chén, đĩa, dao, thìa, nĩa, chân đèn bằng bạc hoặc mạ vàng được chạm khắc cực kỳ tinh xảo.

Tin tức về một căn phòng nhỏ bí mật nằm sau những vách tường ngôi nhà cổ của gia đình Naryshkin chứa hàng ngàn món đồ quý giá ngủ yên suốt gần một thế kỷ qua được công bố hai ngày sau đó và lan truyền khắp nơi, thu hút cảnh sát, các chuyên gia sử học, khảo cổ, bảo tàng và những người hiếu kỳ. 

Người Tajikistan bị tình nghi tham gia vụ đánh cắp, các cổ vật đang được các chuyên gia thống kê, nhưng còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời đáp : Kho báu đã được tìm thấy bao lâu trước khi vụ đánh cắp bị lộ?. Đã có bao nhiêu món đồ cổ bị tẩu tán?. Vụ trộm là hành động đơn lẻ của một số công nhân hay có người chỉ huy?. Cảnh sát Saint Petersburg cho biết họ đang “xác định vị trí thực của kho báu và số lượng đầy đủ của những món đồ nằm trong đó”.

Các chuyên gia cho rằng kho báu trị giá hàng trăm ngàn, có thể là hàng chục triệu rúp theo đánh giá của một số người, được tìm thấy trong một gian phòng hẹp bí mật rộng gần 2 mét vuông, phần lớn là đồ dùng nhà bếp, chén dĩa, được làm bằng bạc, mạ vàng do các nhà kim hoàn danh tiếng Nga và châu Âu thực hiện vào những năm 1890-1900.

Trên mỗi món đồ đều có gia huy của nhà Naryshkin. Tuy chưa đạt tầm cỡ của bộ sưu tập đồ bạc tại Bảo tàng Hermitage nhưng cũng là những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trứ danh.

Căn phòng bí mật trong dinh thự của ông cố thi hào Puskin

Tòa dinh thự nay mang số 29 trên phố Tchaikovsky ngay trung tâm Saint Petersburg là một di tích kiến trúc giai đoạn từ nửa sau thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19. Nó gồm tòa nhà chính hai tầng xây trên nền bệ cao với các dãy nhà phụ ba tầng. Ban đầu, tòa nhà được Ibragim Ganibal, người mà thi hào Nga Alexander Pushkin gọi bằng ông cố, sử dụng. Từ một nô lệ da đen, Ibragim Ganibal vươn lên thành một vị tướng, kỹ sư quân sự, được phong tước quý tộc. Puskin từng viết dở dang một cuốn tiểu thuyết với tựa đề Người nô lệ da đen của Vua Pyotr Đại đế, lấy nguyên mẫu là ông tổ vĩ đại của mình.

Năm 1855, biệt thự được công tước Pyotr Trubetskoy mua lại, rồi gia đình Naryskin tiếp quản. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, ngôi biệt thự xa hoa biến thành chung cư và trở nên tàn tạ. Gần một thế kỷ qua, biết bao người ở đó không hề biết rằng họ đang sống cạnh kho báu.

Năm 2011, Công ty Intarcia bắt đầu công tác phục chế - cải tạo dinh thự Naryshkin. Dự tính, sau khi hoàn tất, ở tầng một tòa nhà chính, nơi thời Xô viết từng dùng làm nhà ăn tập thể, sẽ là nhà hàng, các phòng của tầng hai sẽ sử dụng cho các hoạt động văn hóa như triển lãm, hội nghị, hội thảo còn các dãy nhà phụ sẽ được xây thêm hai tầng và biến thành khu văn phòng làm việc.

Trên tầng hai, trong lúc thi công đã phát hiện những bức tường giả tạo nên một căn phòng có diện tích 1,5mx1m với vài chục thùng gỗ chất xếp rất gọn gàng. Bên trong các thùng lèn chật chén đĩa, chân đèn, đồ nhà bếp bằng bạc, đồ trang trí, trang sức và các huân huy chương thời Sa Hoàng.

Trải qua 95 năm, toàn bộ các báu vật được bảo quản tuyệt vời nhờ những tờ báo đã được tẩm dấm để chống oxy hóa. Khi mở các thùng gỗ chứa, mùi dấm bốc lên thoang thoảng. Phần lớn chén đĩa “có thể đưa lên bàn ăn dùng ngay” như lời tường thuật của kênh truyền hình Chanel 1.

Theo Alexander Novikov, người đại diện của Công ty Intarcia, hẳn hầm bí mật trong vách tường theo mốt hồi đó, xuất hiện vào dịp ngôi nhà được kiến trúc sư Robert Gendic thiết kế lại cuối thế kỷ 19. Ở tòa nhà bên cạnh, vốn của một ông chủ mỏ vàng, có hẳn một căn phòng bí mật bọc thép, giống như hầm chứa bạc ở ngân hàng.

Nhà Naryskin bỗng dưng có nhiều người họ hàng mới

Luật pháp Nga ấn định khi tìm ra kho báu, nó sẽ được chia đôi. Nhà nước hưởng 50%, phần còn lại chia đều cho chủ sở hữu hoặc các thừa kế và những người tìm ra nó, mỗi bên 25%.

Tuy nhiên, theo ông Igor Sakharov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Gia phả thuộc Thư viện Quốc gia Nga, dường như chẳng còn ai để tranh giành quyền sở hữu kho báu trên phố Tchaikovsky vì gia đình Naryshkin từng sống ở đây không còn hậu duệ nào, chí ít là ở nước Nga. Căn cứ thông tin phả hệ hiện có, ông Igor Sakharov cho biết thành viên cuối cùng của gia đình Naryshkin là một phụ nữ sinh ra ở nước ngoài vào những năm 20 thế kỷ trước. Bà này không có con và đã mất.

Trên thực tế, gia đình Naryshkin đã chạy ra nước ngoài ngay sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917, mà những báu vật trong gian phòng bí mật kia lại được gói kỹ bằng những tờ báo ố vàng của tháng Ba, tháng Sáu và tháng Chín năm đó. Rõ ràng, họ không thể tự tay giấu kho báu. Ai đã làm việc đó ?

May mắn thay, nhờ mớ giấy tờ đựng trong một cái tráp, người ta cho rằng gia đình Naryshkin đã ủy quyền cho một viên trung úy kỵ binh trông coi tài sản của mình. Người đó là Sergey Somov, có lẽ là họ hàng xa với nhà Naryshkin. Tên của Somov ghi trên thẻ học viên trường luật Hoàng gia, giấy chứng nhận huân chương Đại bàng Trắng, huân chương Thánh Vladimir hạng 4.

Ông Igor Sakharov cho biết Sergey Somov từng tham gia Thế chiến I và cuộc Nội chiến ở Nga. Sau Cách mạng Tháng Mười, viên trung úy khinh kỵ binh di cư sang Pháp. Sau khi tới Paris, Somov từng có mặt trong nhóm người thân cận với Đại Công tước Vladimir Kirillovich - tự xưng là Hoàng đế toàn Nga lưu vong. Chiến tranh Thế giới II kết thúc, Somov trông coi bảo tàng Trung đoàn kinh kỵ binh Hoàng gia cho tới khi qua đời năm 1976 và được chôn cất tại nghĩa trang Sainte-Geneviève-des-Bois của những người Nga ở Paris. Somov cũng không để lại người thừa kế nào.

Trong lúc hy vọng tìm được người thừa kế trực hệ của gia đình Naryshkin hoặc Somov ở Nga và nước ngoài mờ mịt, xuất hiện nhiều người muốn “bắt quàng làm họ”. Ngay tại Saint Petersburg, con trai vị luật sư nổi tiếng mang họ ghép là Konstantin Fyodotov-Naryshki, gọi điện thoại nói với cha ”Biết đâu chúng ta được hưởng một chút”. Dĩ nhiên, ông bố đủ khôn ngoan để đáp lại rằng ông thuộc về nhánh Naryshkin ở Moscow, nhưng ông biết một người chắt của nhà Naryshkin nhánh Saint Petersburg. Vị luật sư hứa sẽ gọi điện cho người này báo tin, thậm chí sẽ giúp anh ta bảo vệ quyền lợi của mình trước tòa án.

 Thậm chí, Chủ tịch Duma Quốc gia một người cũng mang họ Naryshkin đã hùng hồn tuyên bố : “Người tìm ra kho báu dĩ nhiên phải được thưởng, nhưng phần còn lại  thuộc sở hữu của những người thừa kế của một dòng họ quý tộc lớn, mà tôi và, nói ví dụ, người thân của tôi cũng thuộc về dòng họ đó. Tôi sẵn sàng bảo vệ quyền lợi chung của chúng tôi tại tòa án. Thậm chí nếu những báu vật đó đáng được đưa vào bảo tàng thì chúng tôi cũng phải được đền bù xứng đáng”.

Mong manh hy vọng triệu phú

Từ một phía khác, với lập luận rằng toàn bộ tài sản của các dòng họ Trubetskoy và Naryshkin đã bị quốc hữu hóa một cách hợp pháp bởi Ủy ban Đại biểu Công nhân và Binh lính (tức chính quyền Xô Viết thời đó), nên lãnh đạo của tổ chức “Những người Cộng sản Petersburg và tỉnh Leningrad” Sergey Malinovich lên tiếng đòi kho báu của gia đình Naryshkin phải thuộc về các tổ chức cộng sản Nga để phục vụ quyền lợi của toàn dân.

Theo luật, 25% giá trị kho báu sẽ thuộc về những người tìm ra nó, thế nhưng Công ty Intarcia và đặc biệt là những công nhân trực tiếp phát hiện kho báu có được thưởng không, bao nhiêu, theo cách nào vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ và còn đang tranh cãi. Có người lý luận rằng các công nhân được trả lương để làm việc nên họ không có quyền đòi tiền thưởng. Chuyên gia khảo cổ Pyotr Sorokin làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga dẫn chứng các nhà khảo cổ hay phục chế không được thưởng nếu họ tìm ra những báu vật. Tìm kiếm chúng là công việc mà họ được trả lương để thực hiện. Còn những kẻ tìm kiếm “tay ngang” may mắn vớ được báu vật sẽ chẳng dại gì lu loa lên để phải chia chác.

Trả lời phỏng vấn của tờ Komsololskaya Pravda, đại diện Intarcia nói đích thân người chỉ huy phục chế nhà số 29 đã tìm ra căn hầm bí mật nhưng không chịu tiết lộ tính danh người đó. Khi được hỏi ông ta có đòi chia phần thưởng hay không, đại diện Intarcia đáp vấn đề hiện đang được bàn thảo. Xem ra ước mộng triệu phú của những người trực tiếp tìm ra kho báu khá là mong manh.

Ở Saint Petersburg đã có không ít những vụ khám phá báu vật. Năm ngoái, đã tìm thấy một bao tiền cổ bằng bạc đúc vào thế kỷ 17, xa hơn nữa hồi năm 1967 là bộ bát đĩa của xưởng gốm Likhacheva nổi tiếng cuối thế kỷ 19 nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hermitage. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp, những người trực tiếp phát hiện ra những báu vật đó chẳng nhận được phần thưởng nào cả.

Trong khi đó, một đại diện của dòng họ Sa Hoàng Romanov trị vì nước Nga từ năm 1613 đến năm 1917, cho rằng theo “quan điểm của những người Nga thuộc làn sóng di cư thứ nhất” thì kho báu trong biệt thự gia đình Naryshkin sẽ thuộc về nhân dân Nga. Các cơ quan văn hóa thì muốn rằng kho báu vật của gia đình Naryshkin  sẽ được trưng bày trong chính ngôi nhà của họ sau khi phục chế và cải tạo.

Giới quan sát cho rằng cuộc chiến quanh kho báu Naryshkin sẽ đầy gay go và thú vị vì hẳn các bên liên quan sẽ không dễ buông phần quyền lợi của mình đối với kho báu nổi tiếng, nhất là trong bối cảnh xã hội Nga ngày càng cởi mở hơn, dân chủ hơn.

Quang Toàn

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.