Không "chĩa mũi dùi" phòng chống bạo lực gia đình về phía người đàn ông - đối tượng chủ yếu của hành vi bạo lực gia đình - một chiến dịch sử dụng biện pháp "khích tướng" đã được áp dụng mong hạn chế dần vấn nạn này. Là một trong những người khởi xướng cho chiến dịch "Mình là đàn ông, mình chống bạo lực" Benjamin Swanton - chàng trai trẻ đến từ xứ sở chuột túi - Quản lý dự án truyền thông của Tổ chức Hoà bình và phát triển - đã có cuộc trò chuyện với Pháp luật Việt Nam Chủ nhật.
* Với ý thức của rất nhiều người, việc đối mặt với vấn nạn bạo lực gia đình, điều quan trọng là cứu giúp người phụ nữ thoát khỏi hoàn cảnh của họ. Rất nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình đã được tổ chức thành công. Nhiều người cho rằng, nhân rộng những phương pháp như vậy sẽ đẩy lùi được bạo lực gia đình, còn với anh thì sao?.
Benjamin Swanton |
- Tổ chức Hoà bình và phát triển được thành lập ở Việt Nam từ năm 2006. Đến năm 2008, chúng tôi bắt đầu đi vào hoạt động. Ban đầu, chúng tôi cũng đã hoạt động theo hướng này. Chúng tôi đã đi về rất nhiều vùng quê ở Việt Nam - những nơi chuyện bạo lực trong gia đình được diễn ra khá nhiều, chủ thể của hành vi ấy chủ yếu là người đàn ông trong gia đình. Chúng tôi đã tiến hành nhiều biện pháp như giúp các chị em phụ nữ nhận biết được hành vi bạo lực; giúp họ có cơ hội cởi mở, tâm sự, chia sẻ với những người đồng cảnh...
Tuy nhiên, sau một năm hoạt động, chúng tôi nhận thấy kết quả không khả quan. Điều quan trọng là phải tác động đến đối tượng tạo ra hành vi bạo lực. Và những ý tưởng đầu tiên về chiến dịch "Mình là đàn ông, mình chống bạo lực" đã được hình thành.
* Những biện pháp góp ý, xử phạt trong phạm vi địa phương, rồi xử phạt hành chính, thậm chí có thể xử lý hình sự đối với người có hành vi bạo lực, phải chăng đó không phải là cách tác động đến đối tượng gây ra bạo lực?
- Đó chỉ là biện pháp cuối cùng. Điều quan trọng là phải "chặn tận gốc". Phần lớn các vụ bạo lực đều được ẩn sâu trong cuộc sống riêng của mỗi gia đình. Số vụ bị phát hiện rất ít. Số vụ gây hậu quả đến mức phải bị xử phạt lại càng ít hơn. Do đó, nếu chỉ mong chờ xử phạt để tác động đến ý thức của người gây ra bạo lực thì hiệu quả vô cùng nhỏ. Thậm chí, có những người do bị xử phạt mà còn trở nên hung hăng hơn. Có trường hợp, người đàn bà bị chồng đánh, nhưng ngậm đắng nuốt cay không dám kể với ai, kể ra sợ chồng bị phạt, lại phải mở tủ lấy tiền cho chồng đi nộp phạt. Đánh thì vẫn bị đánh, lại còn mất thêm tiền.
Thế nên, theo suy tính của chúng tôi, điều quan trọng là phải tác động đến ý thức của tất cả những người có khả năng gây ra bạo lực, ngăn chặn trước những hành vi mà có thể chỉ vì thiếu hiểu biết nên vô tình họ gây ra.
* Đối tượng tuyên truyền của chiến dịch là những ai?
- Là tất cả mọi người, đặc biệt là nam giới. Thay vì việc chĩa mũi nhọn vào những người có hành vi hèn kém, thay vì việc chỉ tác động vào một nhóm đối tượng rất nhỏ, chúng tôi sử dụng phương pháp "khích tướng" để tất cả những người đàn ông thấy rằng họ thật mạnh mẽ, họ thật to lớn, họ thật oai phong. Mà những người đàn ông như vậy thì phải ra dáng một đấng đại trượng phu, không được phép làm tổn hại đến người phụ nữ.
* Đến từ một nền văn hoá khác, anh có gặp khó khăn khi làm công việc liên quan đến những câu chuyện ẩn sâu trong sinh hoạt gia đình của người Việt Nam?
- Quả thật là có những sự khác biệt rất lớn về văn hoá hai nước. Ở Việt Nam, cảnh tượng tôi thường xuyên được chứng kiến đó là việc người phụ nữ trong gia đình làm việc rất tận tuỵ, trong khi đó, người đàn ông có thể được phép ngồi chơi, uống trà, nghỉ ngơi. Người đàn ông có một sức mạnh quyền lực rất lớn trong gia đình. Và đó chính là nguyên nhân để nảy sinh bạo lực.
Hầu hết người Việt Nam mà tôi gặp, họ đều nói "Không" khi tôi hỏi "Anh có gây ra bạo lực không?". Trong khi đó, phần lớn trong số đó tôi biết là hàng ngày họ có hành vi bạo lực đối với vợ mình. Không phải họ nói dối, họ lẩn tránh, mà là họ không biết như thế là bạo lực. Nhiều người có suy nghĩ, bạo lực gia đình chỉ là những hành vi đánh đấm, gây thương tích trên cơ thể. Nhiều người cho rằng họ có quyền dạy dỗ vợ, và đó không phải là bạo lực.
* Các anh đã thực hiện chiến dịch này như thế nào?
- Ở 16 tỉnh, thành trên cả nước, chúng tôi đã thành lập những câu lạc bộ như "Chồng yêu vợ", "Cha và con trai"... tổ chức những buổi nói chuyện, hội thảo, các buổi tham vấn ở khu dân cư, các trường đại học... Các cộng tác viên thường mặc áo có thông điệp của chiến dịch đi đến các quán bia tặng chìa khoá có in logo của chương trình cho những người đàn ông...
* Anh có gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện chiến dịch?
- Ban đầu, có những địa phương không cho chúng tôi làm chương trình. Thậm chí, chỉ mượn bối cảnh để quay một video clip quảng bá về chương trình, họ cũng không cho phép, vì họ cho rằng địa bàn của họ không có bạo lực. Họ sợ mang tiếng xấu.
* Hai năm, liệu có thể đưa ra những kết quả ban đầu của chiến dịch?
- Đó là khoảng thời gian chưa thể nói lên điều gì. Đặc biệt, trong vấn đề bạo lực gia đình, đánh giá kết quả lại càng khó khăn hơn. Ví như có những dự án, sau khi thực hiện, số vụ việc bạo lực gia đình được phát hiện nhiều hơn. Đó không thể đổ lỗi là do dự án đó đã phản tác dụng, rất có thể sau khi được tuyên truyền, những người bị bạo lực đã nhận biết được mình đang là đối tượng bị bạo lực và họ đứng lên phản kháng, tố cáo. Chiến dịch của chúng tôi dự kiến sẽ kéo dài 5 năm. Chỉ đến lúc đó mới có thể nói nó đã có tác động như thế nào tới xã hội Việt Nam, và việc đánh giá kết quả đó, cũng không phải là chúng tôi, mà là của các bạn - cơ quan thông tấn báo chí và xã hội.
* Chắc anh có theo dõi báo chí, và biết thông tin về hai vụ việc ở Sóc Sơn và ở Từ Liêm (Hà Nội), mà nạn nhân là phụ nữ, đã bị tử vong vì liên quan đến vấn đề bạo lực gia đình. Suy nghĩ của anh về hai vụ án này?
- Sau sự xót thương điều lớn nhất đọng lại trong tôi là Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam đã được ban hành, nhưng hình như các cơ quan thực thi pháp luật chưa quan tâm đến nó.
* Tuổi đời còn rất trẻ (Benjamin thuộc thế hệ 8X - pv), anh có đủ tự tin khi tham gia vào lĩnh vực rất cần sự thấu hiểu và từng trải trong cuộc sống gia đình, đặc biệt ở một đất nước có sự khác biệt lớn về văn hoá?
- Ồ, đừng nghĩ rằng phải là người "có hành vi bạo lực" hoặc người bị bạo lực mới có kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực! (cười). Tôi tự tin khi làm công việc này, khi người ta có tuổi trẻ, có nhiệt huyết thì mọi khó khăn sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi.
* Anh có dự định làm việc lâu dài ở Việt Nam?
- Gia đình nhỏ của tôi đang ở đây. Hiện tại, tôi chỉ có ý định về nước Úc thăm gia đình trong những khoảng thời gian rất ngắn, Việt Nam là nơi tôi muốn gắn bó lâu dài.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!.
Vân Tùng (thực hiện)