Điều này đã được chứng minh qua những bức ảnh tại cuộc triển lãm “Những cuộc gặp” nơi trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh, video, âm thanh, sắp đặt của các tác giả là ba người em gái của những người tự kỷ: Trịnh Mai Chi, PQN, Vũ Thu Quỳnh, cùng với ba nghệ sĩ đam mê nhiếp ảnh Lê Anh Dũng, Dương Thùy Ly và Trâm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Triển lãm “Những cuộc gặp” là một phần của dự án nghiên cứu về tự kỷ thông qua nghệ thuật thị giác với sự tham gia của cộng đồng được khởi động vào cuối năm 2016 bởi Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) với sự hợp tác của Nhà sàn Collective và Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, tài trợ bởi Quỹ Wellcome Trust.
“Những lúc mẹ vuốt tóc anh, mẹ thơm má anh, mua cho anh những thứ mà không mua cho mình, thấy hình như mẹ thương anh nhiều hơn vì anh bị tự kỷ. Nhưng từ chuyện để ý nhỏ nhặt ấy đúc kết lại sẽ nhận ra điều lớn lao hơn. Đó là tình yêu, là cách đối xử, cảm xúc dành cho nhau để vượt lên mặc cảm…” - Vũ Thu Quỳnh - sinh viên khoa Tiếng Anh - Viện Đại học Mở Hà Nội, một trong ba tác giả ảnh tâm sự từ những bức ảnh chụp anh trai.
Quỳnh kể, nhớ một lần nói chuyện với mẹ, mẹ bảo tay của anh đẹp lắm vì anh không phải làm gì cả, thế là Quỳnh quyết định ghi lại hình ảnh anh. Mỗi bức ảnh, vì vậy, trở thành một kỷ niệm đẹp, là thông điệp nhỏ về anh trai của Quỳnh. “Những lần bối rối, mặc cảm hay không thoải mái vì anh có những chỗ không đẹp, có hành vi không giống với người bình thường, anh làm cho người ta chú ý, người ta hiểu lầm; những lúc nghĩ mẹ dành sự quan tâm cho anh nhiều hơn chắc vì mẹ thương anh hơn… dần dần được xóa bỏ. Thay vào đó càng muốn hiểu thế giới của anh”, cứ thế Quỳnh gửi thông điệp của mình vào những bức ảnh chụp anh trai.
Chúng ta đã từng nghe rất nhiều câu chuyện của những người mẹ, người cha có con tự kỷ, chia sẻ với rất nhiều tâm sự khó khăn của họ xoay quanh việc nuôi dạy con tự kỷ. Nhưng triển lãm “Những cuộc gặp” mang tới một góc nhìn rất khác, là những tâm sự và cảm nhận riêng đến từ nhóm bạn trẻ có người anh/chị em tự kỷ, và cả những người lần đầu tiên tiếp xúc với tự kỷ. Những nghệ sĩ trẻ là những học sinh, sinh viên, thanh niên yêu thích nghệ thuật, đã cùng nhau trải qua hành trình hơn một năm tìm hiểu và sáng tác để mang tới cho người xem trải nghiệm sống trong những không gian xung quanh người tự kỷ và các thành viên trong gia đình.
Xem “Những cuộc gặp” chợt nhớ đến triển lãm của nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ Debbie Rasiel cách đây 2 năm cũng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với những bức ảnh về con trai tự kỷ và những gia đình cùng hoàn cảnh ở nhiều nước trên thế giới. Tham gia dự án nghiên cứu về tự kỷ thông qua nghệ thuật thị giác ở Việt Nam, Debbie bị thôi thúc bởi những câu chuyện với các anh chị em trong gia đình có người tự kỷ. “Cuộc gặp giữa tôi và họ là thời gian đặc biệt. Hàng trăm bức ảnh đã giúp chữa lành băn khoăn trong tôi khi biết rằng những đứa con khác của mình đang trải qua khó khăn như thế nào khi có anh chị em bị tự kỷ”, nữ nghệ sĩ cho biết.
Không chỉ là chia sẻ những hiểu biết mới mẻ về tự kỷ và sự đa dạng của những biểu hiện, tài năng, cá tính cũng như khó khăn của người tự kỷ, các thành viên tham gia triển lãm đã trải nghiệm quá trình sáng tác nghệ thuật và kể câu chuyện của mình qua hình ảnh, màu sắc, ngôn từ... đặt câu hỏi cho nhau và cùng suy ngẫm, để đều tìm thấy bản thân ở đâu đó trong những câu chuyện về tình yêu thương, về gia đình, về sự khác biệt luôn ở xung quanh mình. Bởi vậy, mỗi tác phẩm được ví như một hành trình tiếp cận khoảng trời riêng của người tự kỷ.
Xúc động trước những bức ảnh, chị Nguyễn Tuyết Hạnh, phụ huynh có con tự kỷ nói: “Những cuộc gặp” đã nói lên nhiều hơn hai từ chia sẻ. Đó là tình yêu thương, là món quà cho hạnh phúc, là nguồn tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi đi tiếp hành trình”.