Y, bác sĩ sơ suất, người bệnh lãnh đủ
Mới đây, trường hợp thai phụ là chị Nguyễn Thị Thanh M. (27 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang.Tại đây, sau khi nhập viện và cho làm các kết quả xét nghiệm, sáng hôm sau, thăm khám lại, chị M được bác sĩ chẩn đoán thai chết lưu và đưa ra lời khuyên cho người bệnh và gia đình là hút thai vì nếu thai lưu không được xử lý sớm sẽ có những biến chứng không tốt cho người mẹ như rối loạn đông máu. Do không yên tâm với chỉ định mà bác sĩ đưa ra, ngay sau đó, chị M đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thăm khám lại. Và kết quả siêu âm đầu dò tại đây cho thấy không có phát hiện điều gì bất thường ở thai nhi.
Vài ngày sau sự việc nhầm lẫn đó, thì dư luận lại tiếp tục không khỏi giật mình trước thông tin xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi với sai sót cực kỳ nghiêm trọng của nữ hộ sinh khi cấp nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai cho sản phụ Lương Thị Tưởng (32 tuổi, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) dẫn đến thai nhi 6 tuần tuổi không thể giữ được.
Theo quy trình khám chữa bệnh, người bệnh nhập viện sẽ được bác sĩ khám và đưa ra y lệnh. Sau đó có bộ phận nhân viên y tế đến khoa dược nhận thuốc và chuyển về văn phòng khoa. Tiếp theo, điều dưỡng phòng bệnh sẽ đến văn phòng khoa nhận thuốc và kiểm tra lần cuối gồm kiểm tra tên tuổi bệnh nhân, tên thuốc, liều lượng và đường đưa thuốc vào cơ thể.
Việc kiểm tra nhân thân và chỉ định thuốc được nhân viên y tế thực hiện trước khi cấp thuốc cho bệnh nhân. Thế nhưng, nữ hộ sinh đã không thực hiện đúng quy trình, mà trực tiếp đến tủ thuốc cấp cứu của khoa lấy thuốc dựa theo sổ viết tay của mình, dẫn đến nhầm lẫn tên thuốc và tên bệnh nhân giữa hai giường cạnh nhau.
Nói về những sự nhầm lẫn này, ThS.BS Mai Trọng Hưng, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, ở giai đoạn đầu mang thai, các bác sĩ sản phụ khoa thăm khám để xác định túi ối vào tử cung chưa, có tim thai hay không. Ở giai đoạn này, bác sĩ thường rất ít gặp sai sót và kết quả thường là giống nhau. Thực tế cũng có trường hợp thai phụ đi siêu âm thăm khám thai nhi ở cơ sở này thì bảo có thai, cơ sở kia bảo không có thai. Hoặc cơ sở này bảo không có tim thai, cơ sở kia bảo có tim thai.
“Nguyên nhân của thực trạng này là do có thể hôm nay thăm khám chưa thấy thai ở tử cung, ngày mai khám thấy thai ở tử cung, điều này là có thể xảy ra. Hoặc nguyên nhân cũng có thể do phương pháp thăm khám của các cơ sở y tế. Có cơ sở thăm khám bằng siêu âm thành bụng, có cơ sở dùng siêu âm đầu dò hay bằng phương pháp thăm khám khác nên đưa ra những kết quả khác nhau. Một vài trường hợp có thể do máy móc chất lượng kém dẫn đến hình ảnh mờ nên không thể nhìn rõ và xảy ra sai sót. Và một nguyên nhân quan trọng gây nên những kết quả khác nhau trong khám bệnh là bác sĩ thăm khám chưa toàn diện và bỏ qua hội chẩn y khoa trong các trường hợp ca bệnh khó hoặc phức tạp”, Ths. Bs Mai Trọng Hưng cho biết.
Lỗi từ hai phía…
Nói về những sai sót, chẩn đoán nhầm trong y khoa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bệnh viện là môi trường có nhiều nguy cơ để tai biến xảy ra và quá tải bệnh viện là nguyên nhân khách quan tác động lớn nhất đến vấn đề này.
Dù rằng, với những nguyên nhân, yếu tố nào thì sai một ly đi môt dặm. Đối với bất cứ vấn đề gì cũng cần có sự tỉ mỉ, cẩn trọng mới đạt được kết quả chính xác. Đặc biệt đối với việc cứu người, nhiệm vụ của y, bác sĩ là phải cẩn trọng trong từng khâu, từ chẩn đoán cho tới cấp phát thuốc, chữa trị. Bất cứ khâu nào cũng không được phạm phải sai lệch, có như vậy mới không xảy ra những sự nhầm lẫn, tạo được niềm tin đối với chín mỗi người bệnh.
“Tại một số bệnh viện, do quá tải bệnh nhân dẫn đến việc quy trình chuyên môn bị cắt xén, làm tắt. Nhiều cán bộ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi ích của người bệnh không được đặt lên hàng đầu. Những chính sách, những quy định tác động đến an toàn của người bệnh không được chú ý. Quá tải bệnh viện cũng khiến người bệnh thiếu kiên nhẫn và hợp tác với nhân viên y tế. Việc giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh gần như không có. Môi trường chăm sóc y tế có nhiều áp lực do quá tải, ca kíp trái với sinh lý bình thường. Nhân viên y tế quá tải chịu nhiều áp lực, luôn làm việc với cường độ cao”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.
Theo Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống giám sát, thống kê về tai biến y khoa trên toàn quốc. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ y tế cho biết, có thể xảy ra trường hợp nhân viên y tế quên không lấy bệnh phẩm xét nghiệm, quên không bàn giao cho ca trực sau, quên không điền thông tin vào bệnh án,… dẫn đến việc nhầm người bệnh, tài liệu người bệnh không hoàn chỉnh, sai lỗi. Bên cạnh đó, nhân viên y tế luôn làm việc với cường độ cao cộng với thuốc, hóa chất, dung dịch nghe giống, nhìn giống cũng là nguyên nhân gây sai sót dẫn đến sự cố y khoa…Cùng với những nguyên nhân mang tính cá nhân như trên, Bộ trưởng cũng chỉ ra hàng loạt nguyên nhân có tính chất hệ thống như: Lãnh đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa đặt an toàn người bệnh là ưu tiên hàng đầu trong chương trình cải tiến chất lượng của đơn vị, thiếu chương trình hành động cụ thể, thiếu phân bổ nguồn lực thích hợp cho hoạt động an toàn đối với người bệnh.
Cùng với đó, môi trường chăm sóc y tế có nhiều áp lực do quá tải, ca kíp trái với sinh lý bình thường (trong khi mọi người đang ngủ thì nhân viên y tế phải trực); Nơi làm việc chật chội, nhiều tiếng ồn, cán bộ y tế nhiều khoa bệnh phải làm việc với cường độ rất cao và áp lực tâm lý luôn căng thẳng. Việc thay đổi ca trực, chuyển giao người bệnh giữa các thầy thuốc cũng là nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa.