Vi phạm sự thiêng liêng
“Vietnam Airlines có lời xin lỗi qua facebook và quyết định thu hồi tạp chí Heritage ấn phẩm tháng 11 vì trang bìa đăng tải hình ảnh chùa Shwedagon (hay còn gọi là chùa Vàng của Myanmar) được in ở vạt dưới tà áo dài Việt Nam. Trước đó, hình ảnh trang bìa nhận được phản ứng từ một nhà sư Myanmar trên Facebook ngày 18/11/2015 và nhiều độc giả Việt Nam cũng bày tỏ thái độ không đồng tình vì cho rằng việc làm này chạm đến các nguyên tắc cấm kỵ thuộc lĩnh vực văn hóa tâm linh.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà thiết kế đã sáng tạo ra sản phẩm thời trang ngỡ là có văn hóa lại có thể làm tổn thương, xúc phạm các giá trị, quan niệm văn hóa của cộng đồng dân tộc khác nhau.
Sự kiện nhóm F-band biểu diễn trong chương trình X-Factor 2014 (trên kênh VTV3) đã làm khán giả ngỡ ngàng khi họ ăn vận theo kiểu người dân tộc Ê Đê nhưng lại dùng chiếc khăn piêu đội đầu của phụ nữ Thái để đóng khố. Đây là một lỗi trầm trọng về kiến thức, nếu không muốn nói là phản văn hóa. Tiết mục này đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt.
Trong Tuần lễ thời trang Việt Nam xuân - hè 2013, Ngọc Hân trình diễn trang phục váy xanh với sự mô phỏng kiểu ruộng bậc thang. Để có “điểm nhấn”, nhà thiết kế người Tây Ban Nha đã để Ngọc Hân rải gạo trên sàn diễn và hành động này khiến nhiều người phẫn nộ.
Là người Việt, ai cũng biết câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”, thế nên khi chứng kiến Ngọc Hân rải gạo trên sàn diễn, nhiều khán giả nổi giận cho rằng đó là hành động hoang phí và không tôn trọng công sức của người nông dân, không hợp văn hóa người Việt.
Trước đây, trong một thiết kế của nhà thiết kế M.H cũng từng in hình một nhà thờ của Nga vào chân tà áo dài. Hình ảnh tà áo dài này sau đó xuất hiện khá nhiều trên mạng. Nhưng rất may, sự việc trên không bị người dân Nga phản ứng gì.
Áo dài in hình Chùa Vàng trên bìa tạp chí Heritage fashion. |
Nên thận trọng những biểu tượng của các dân tộc
Không phải riêng nhà thiết kế thời trang Việt mà ngay cả những nhà thiết kế thời trang quốc tế nổi tiếng cũng mắc phải lỗi vi phạm sự thiêng liêng của các dân tộc khiến công chúng bức xúc. Trong bộ sưu tập xuân - hè 2013, Givenchy chẳng ngần ngại đưa hình ảnh chúa Jesus, Đức mẹ Maria vào những thiết kế của mình. Tín ngưỡng tôn giáo xưa nay luôn được xem là vấn đề tế nhị, rất nhạy cảm và Givenchy thực sự có ý tưởng táo bạo khi kết hợp hòa quyện giữa thời trang và tôn giáo. Tuy nhiên, ý tưởng này khiến những con chiên ngoan đạo khó lòng chấp nhận.
Bộ sưu tập xuân - hè của Dolce & Gabbanna cũng gặp sự cố khi đưa hình ảnh những phụ nữ da đen với trang phục sặc sỡ vào thiết kế của mình. Chúng khiến người xem gợi nhớ đến hình ảnh những vú em trong thời kỳ chế độ nô lệ và cũng bị một bộ phận không nhỏ khán giả quy chụp là phân biệt chủng tộc, bất kể việc Dolce & Gabbanna đã giải thích những hình ảnh đó được lấy cảm hứng từ nguồn gốc của những người Sicilian - những người châu Phi đầu tiên định cư tại đảo Sicily.
Từ những ví dụ này cho thấy, khi sử dụng hình ảnh văn hóa, tín ngưỡng của một nơi khác, chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt, phải có sự tỉnh táo, am tường văn hóa. Mỗi dân tộc sở hữu những bản sắc văn hóa riêng, tức những giá trị riêng, chuẩn mực riêng. Căn cứ vào đó để phân biệt văn hóa của dân tộc này khác với văn hóa của dân tộc khác. Thời buổi hội nhập văn hóa, toàn cầu hóa văn hóa, đối thoại văn hóa… người ta càng quý, càng tôn trọng cái riêng, giá trị riêng, chuẩn mực riêng.
Các nhà thiết kế đều có quyền lấy cảnh đẹp của thiên nhiên hay di sản văn hóa để đưa vào thiết kế của mình. Tuy nhiên, nếu sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng tâm linh, biểu tượng đức tin hoặc biểu tượng tinh thần, hình ảnh quốc hoa… của các nước, của một đất nước nào đó lên trang phục thì nhà thiết kế phải hết sức thận trọng. Nó không đơn giản chỉ là vấn đề văn hoá hay thời trang mà còn liên quan đến vấn đề ngoại giao của hai nước.