Giảm hình phạt tử hình là chủ trương của Đảng, Nhà nước hình nhằm bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp.
Tại Bộ Luật Hình sự 2015 vừa được QH thông qua, đã khẳng định: Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Luật cũng quy định: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Trong trường hợp đã bị kết án tử hình, cũng sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ 75 tuổi trở lên;
Đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ (ba phần tư) tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì cũng sẽ không phải thi hành án tử hình. (Điểm c - Khoản 3 Điều 40)
Trong những trường hợp được miễn thi hành án tử hình thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Trước khi Bộ luật được thông qua, tại các phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành quy định này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị vẫn áp dụng hình phạt tử hình với người từ đủ 75 tuổi trở lên nếu phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, tội phạm về ma túy.
UBTVQH cho rằng việc quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta.
Liên quan đến quy định về tội phạm tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, vì còn nhiều ý kiến trái chiều, Đoàn thư ký kỳ họp cũng đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH, kết quả cho thấy, đa số ĐBQH tán thành quy định này.
Bộ Luật Hình sự vừa thông qua, cũng đã bỏ hình phạt tử hình ở 07 tội danh. Qua thảo luận tại tổ và tại hội trường, đa số ĐBQH cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc giảm hình phạt tử hình là cần thiết.
Bộ Luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Theo Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự cũng vừa được QH thông qua trong phiên họp sáng nay, kể từ ngày Bộ luật hình sự này được công bố: Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật hình sự này đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; Hình phạt tử hình đã tuyên đối với những đối tượng này nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân; Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật này thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân..