Mà đã bước vào con đường ấy, thì cái sinh mệnh của bản thân, xét cho sâu, cũng mong manh lắm. Cái cửa nhà lao, luôn chờ để kẻ hoạt động ấy, có lỡ sa chân, là vào làm bạn với bốn bè tường giam lạnh lẽo. Khái Hưng, cũng bị như thế đó.
Khái Hưng của văn chương, chính trị
Khái Hưng, cái tên ấy trên văn đàn đã có vị trí rồi. Nhưng tên thật của nhà văn, là Trần Khánh Giư (1896 - 1947) đấy. Ông vốn là con của Tuần phủ Trần Mỹ. Và Khái Hưng, là anh của nhà văn Trần Tiêu, người được biết đến với tác phẩm “Con trâu”. Về phần tính cách, trong “Văn thi sĩ tiền chiến”, Nguyễn Vỹ cảm nhận về Khái Hưng “cũng không tự kiêu tự đắc, tính điềm đạm và tao nhã, câu chuyện có vẻ thành thật và lịch sự”.
Con đường đến với văn chương của Khái Hưng, cũng khúc khuỷa lắm. Lúc nhỏ, theo Nho học đến tận năm 12 tuổi, rồi sau đó mới chuyển sang Tây học. Mà Khái Hưng, tài năng không chỉ trong văn chương đâu. Khi dịch văn, bản dịch vở hài kịch “Les Plaideurs” của Racine mà Khái Hưng dịch, được Hội Trí Tri Nam Định trao giải nhất. Ngoài ra, họ Trần còn có khả năng vẽ tranh nữa, nên mới có chuyện năm 1925, tranh của ông được tặng giải Khuyến khích khi trưng bày tại hội chợ ở Hà Nội.
Năm 1927, Khái Hưng đầu Tú tài Pháp phần I, nhưng không học tiếp, mà chuyển sang… đi buôn. Ông làm đại lý cho hãng dầu Standard Oil. Nhưng ngặt nỗi, sau ba năm, nhà văn tương lai lỗ vốn. Bỏ nghề buôn, Khái Hưng đi gõ đầu trẻ nơi trường Trung học tư thục Thăng Long. Và cái duyên cầm bút từ đây mà bén. Số là bấy giờ ông Phạm Hữu Ninh, Hiệu trưởng nhà trường cũng chính là người chủ trương nên tờ “Phong hóa”. Sau này, Khái Hưng chính là một những cây bút chủ lực của “Phong hóa”, đặc biệt là khi năm 1932, tờ này được ông Ninh trao lại cho Nhất Linh. Cũng chính tại trường Thăng Long, Khái Hưng đã gặp Nhất Linh để rồi sau, trở thành tri kỷ văn chương cũng như cuộc sống.
Năm 1932, “Hồn bướm mơ tiên” ra đời. Tác phẩm này không chỉ là quyển tiểu thuyết đầu tiên của Tự lực văn đoàn, và là tiểu thuyết đầu tiên của Khái Hưng, mà nó đã tạo nên tên tuổi của Khái Hưng trong giới văn nghệ. Bởi như lời của Trần Thanh Mại nhận xét về tác phẩm này trên tờ “Phụ nữ thời đàm” đã có lời ngợi khen không tiếc rằng “Hồn bướm mơ tiên, có lẽ là quyển thứ nhất trong văn nghệ nước ta đáng để lại cho hậu thế”. Khen tác phẩm là thế, Trần Thanh Mại không thể bỏ qua người tạo tác nên kiệt tác ấy khi viết tiếp: “Khái Hưng không phải là có mắt nhận xét tinh vi mà thôi, mà lại còn thiên tài nữa! Cái thiên tài ấy thật đã cho ta hưởng thụ được lắm lạc thú tinh thần, êm đềm ỉu dịu. Khái Hưng hẳn là một nhà văn sĩ mở đầu cho một kỷ nguyên văn nghệ mới: tinh thần lãng mạng, biểu thị theo phương pháp quan sát và suy diễn của khoa học, nhờ một lối văn giản dị, trong sạch, một ngọn bút thanh đạm, dịu dàng”. Ấy là lời của một nhà văn, khen một nhà văn.
Khi kết hợp cùng Nhất Linh mà viết nên những “Đời mưa gió”, “Gánh hàng hoa”, Khái Hưng cũng đạt được những thành công. Mà lâu nay, mấy ai có nhà văn cùng nhau viết chung tiểu thuyết bao giờ. Thế mà hai ông làm được. Mà muốn hiểu, thì phải biết thêm chút ít riêng tư của hai linh hồn của Tự lực văn đoàn nữa mới đủ. Ấy là tình bạn. Vì cùng chung nhau quan điểm về văn chương cũng như xã hội, hai người trở thành đôi bạn tâm giao, tri kỷ. Thậm chí, khi vợ chồng Khái Hưng không có con, vợ chồng Nhất Linh đã cho con trai thứ về làm con nuôi của Khái Hưng nữa, tức là Trần Khánh Thiện. “Đời mưa gió”, được Trương Chính khi viết “Dưới mắt tôi”, bình về các tác phẩm làm nên tên tuổi của các văn nghệ sĩ, đã phải thốt lên là “Đời mưa gió là một kiệt tác, dẫu nhiều người đã dựa vào luân lý, dựa vào đạo đức, tìm cớ kết án nó, và bảo rằng Nhất Linh và Khái Hưng “thi vị hóa” nghề làm đĩ. Không , Nhất Linh, Khái Hưng không thi vị hóa nghề làm đĩ. Hai ông chỉ tả một gái đĩ thông minh và thi vị. Đời mưa gió đứng ngang hàng với Hồn bướm mơ tiên, Nửa Chừng Xuân, với Lạnh Lùng, Đoạn Tuyệt”.
Tham gia vào Tự lực văn đoàn, Khái Hưng trở thành một trong những tên tuổi nổi bật của nhóm. Khi Thế chiến thứ hai nổ ra, nhóm chuyển dần sang những hoạt động chính trị với lãnh đạo là Nhất Linh, lập ra hẳn đảng Đại Việt Dân chính. Năm 1940, Khái Hưng cùng Hoàng Đạo bí mật sang Trung Hoa liên lạc với cách mạng hải ngoại. Và rồi…
Báo Phong hóa số 25, ngày 9-12-1932 đăng “Hồn bướm mơ tiên” |
Nơi nhà lao Vụ Bản
Sau khi từ nước ngoài về nước năm 1941, Khái Hưng cùng với nhà văn Hoàng Đạo, họa sĩ Nguyễn Gia Trí và vài người khác là những đảng viên của Đại Việt Dân chính (theo cách gọi của Thư Trung trong bài “Khái Hưng, thân thế và tác phẩm”) bị nhà đương cục của chính quyền thực dân bắt tại Hà Nội. Và kiếp ở nhà lao bắt đầu khi “Văn học từ điển” cho biết: “Tất cả bị phát vãng lên châu Lạng Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình và giam tại lao xá Vụ Bản”.
Để tỏ tường hơn cái sự ăn cơm nhà lao của văn sĩ họ Trần, lại nên nghe qua lời kể của Vũ Bằng cho sống động. Nhà văn Vũ Bằng, tác giả của “Bốn mươi năm nói láo”, khi hồi tưởng về bạn mình, đã viết bài “Tưởng nhớ Khái Hưng”. Trong đó, ông cho hay về việc bị bắt của Khái Hưng. Đó là không hiểu vì Khái Hưng có giao thiệp với mấy người Nhật buôn sơn, bán chè lúc ở Phú Thọ hay không, hay là vì Khái Hưng hợp tác với tờ “Bình minh” mà cho Khái Hưng là thân Nhật, nên thực dân Pháp mới để ý đề rồi tống lao nhà văn với cái lý do là “thành tích bất hảo”.
Nơi đất Vụ Bản trước khi Nhật vào có đồn lính khố xanh, sau đó chuyển thành trại giam. Trong trí nhớ của nhà văn họ Vũ, thì lần ấy, giới văn nghệ bị bắt toàn những người có tên tuổi trong văn giới cả. Họ là Hoàng Đạo, Nguyễn Tuân, Nguyễn Gia Trí, Phùng Bảo Thạch, Vũ Chung… Và dĩ nhiên, có Khái Hưng.
Cái cảnh ở tù của nhà văn, thật cũng lắm nẻo. Chuyện là dạo ấy, dân văn nghệ bị bắt giam ở Vụ Bản nhiều. Mà cai tù người Pháp thì muốn tù nhân phải làm bồi, làm bếp hầu hạ mình. Nhưng rốt cục, chẳng ai chịu. Hắn đành chịu nhún. Riêng Khái Hưng, thì vợ cứ tháng nào cũng lên thăm chồng một lần. Thân thể ông vốn ốm yếu, mà hàng ngày, lại phải đẩy xe, dốc thì lại cao. Thế là viên bác sĩ người Việt được chính quyền cử lên đây, vốn quen biết Khái Hưng, liền đề nghị nhà văn làm y tá phụ mình, để cho thoát cái cảnh khổ này đi. Nhưng đáp lại, Khái Hưng xin nhường cái phần nhẹ thân ấy, cho Hoàng Đạo. Việc này, người bác sĩ kể lại cho Vũ Bằng nghe, và tỏ ra thán phục cái tinh thần của Khái Hưng khi chốt lại là “Nghe thấy nói thế mà mình phục đấy. Khái Hưng, vraiment, c’ est un type! (Khái Hưng, quả là một người cá tính)”.
Ở chốn rừng thiêng nước độc đày ải này hai năm, đến năm 1943, Khái Hưng cùng với anh em đồng chí của mình mới được đưa về Hà Nội để quản thúc. Những chất liệu từ cuộc sống lao tù nơi Vụ Bản, chẳng ít thì nhiều, sau này trong những truyện như “Lời nguyền”, “Quan công sứ”… của Khái Hưng, chắc chắn có âm hưởng từ hiện thực Vụ Bản mà ông trải nghiệm đấy.