Liên hoan múa rồng Hà Nội năm 2012 do Sở VH-TT&DL Hà Nội tổ chức chào mừng 58 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10, có 28 đội rồng tham gia, nhưng chỉ duy nhất đội rồng của huyện Mê Linh, HN là toàn nữ.
Khỏi phải nói khán giả phấn khích như thế nào khi chứng kiến cặp rồng vàng – xanh kiêu hùng, uyển chuyển trên tay những nữ nhi xinh đẹp tiến vào sân diễn. Hòa trong đám đông người xem hôm đó, tôi ấn tượng nhất về em, cô gái điều khiển đầu rồng xanh. Và tôi theo chân em về quê hương Hai Bà…
"Chào em, cô gái đầu rồng"
Em tên là Nguyễn Thị Thịnh, sinh năm 1983. Như bao người phụ nữ ở các vùng quê Việt Nam khác, em có chồng con và những công việc đồng áng bộn bề. Hỏi về câu chuyện múa rồng, em lại bẽn lẽn cười nói với tôi về một mẫu ruộng trồng rau và hoa của nhà mình; phải cố gắng thu xếp những lo toan, vất vả để tập luyện, để cháy hết mình với “rồng xanh”.
Đội nữ binh múa rồng xã Mê Linh. Nguyễn Thị Thịnh – cô gái cầm đầu rồng xanh |
“Thời con gái vì có bố đẻ tham gia công tác xã hội nên em cũng hăng hái với các phong trào lắm nhưng lấy chồng, có con rồi, không còn nhiều cơ hội nữa. Nhận được lời đề nghị tham gia đội múa rồng, em băn khoăn lắm, rất muốn tham gia nhưng cũng e ngại việc nhà vướng bận, chồng con không thoải mái. Rồi em tự nhủ: mình là con cháu của đất Hai Bà kia mà, không thể đầu hàng. Nghĩ vậy em thuyết phục chồng và cố gắng thu xếp việc đồng áng thật ổn thỏa”.
Trò chuyện với em, tôi hiểu “thu xếp việc đồng áng thật ổn thỏa” nghĩa là gì. Đó là khi em phải thức dậy từ lúc 4h tất tả ra đồng, buổi trưa ngay sau bữa cơm, công việc lại tiếp tục. Chiều đến, sau khi đã tập luyện với đội múa xong, em lại đi thẳng từ sân tập ra cánh đồng, cứ thế trong mấy tháng liền.
“Múa ở vị trí đầu rồng rất nặng” – em kể - “Nặng cả về khối lượng lẫn tâm lý, vì đầu rồng có rất nhiều họa tiết trang trí, lại đi dẫn đầu để theo đó là cả thân rồng di chuyển”.
Sức nặng vật chất và tâm lý như vậy nên không tránh khỏi nhiều lúc bản thân người múa nản lòng và chị em trong đội múa tranh luận nhau gay gắt. Nhưng rồi bản lĩnh của con cháu đất Hai Bà, khí phách của những đội nữ binh xưa kia đã thức dậy trong họ. Hôm trước ngày biểu diễn, họ đã mê say tập luyện đến tận tối muộn, để từ đó những thăng hoa của đôi rồng đã làm ngỡ ngàng người xem.
Trong em, khí phách Hai Bà…
“Đội rồng nữ là sự kế tiếp truyền thống của những đội nữ binh của đất Mê Linh” – chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, Chủ tịch Hội LHPN xã Mê Linh, huyện Mê Linh, HN - cho tôi biết. Theo chị Thúy, hiện nay để phục vụ cho công việc, lễ hội ở đền thờ Hai Bà Trưng thường xuyên có các đội nữ binh như đội trống hội, đội lễ tân, đội tiêu binh, mỗi đội vài chục thành viên nữ. Và, các đội này là một sự kế thừa truyền thống truyền lại từ đời Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa.
Đội trưởng Nguyễn Thị Hồng Thúy trao đổi với phóng viên |
Nói riêng về đội rồng nữ, là đội trưởng nên chị Thúy rất nhiều kỷ niệm: “Còn nhớ đầu năm 2012, khi nhận chỉ đạo của lãnh đạo huyện thành lập đội nữ múa rồng chúng tôi rất lo. Lo vì cả huyện Mê Linh có 16 xã 2 thị trấn mà sự tin tưởng lại dành cho chị em xã Mê Linh. Lo vì đất con cháu Hai Bà mà mình làm không tròn việc, phụ lòng tin của cấp trên thì ngại lắm”. Lo thì lo vậy, nhưng họ vẫn quyết tâm làm.
Chị Thúy cho biết, số lượng người tham gia đội múa rồng nữ chỉ có hạn mà ai cũng muốn tham gia, nhiều người sau này gặp chị Thúy vẫn còn nói lẫy rằng “cán bộ giận gì mẹ con tôi mà chẳng chọn ai”. Bộn bề công việc đồng áng, nhưng đội múa của chị Thúy chiều nào cũng hăng say luyện tập ở sân đình dưới sự hướng dẫn của NSND Hương Thơm – Nhà hát Tuồng T.Ư.
Những đôi bàn tay chai sần quen lao động nặng nay cố gắng mềm dẻo theo từng nhịp múa, đâu dễ dàng gì, nhiều chị em bậm môi rơm rớm nước mắt. Ấy vậy mà chẳng ai xin rút lui, bỏ cuộc. Có hôm đã muộn rồi mà chị Thúy vẫn nhận được điện thoại của thành viên trong đội hồ hởi thông báo: “Chị ơi em đã biết cầm gậy múa rồi”. Hóa ra tập ở sân đình xong, chị em còn về nhà âm thầm tự tập.
Bản lĩnh Hai Bà, ý chí Việt Nam
Hôm diễn ra Liên hoan múa rồng Hà Nội năm 2012, khi đội rồng nữ của xã Mê Linh tiến ra sân, nhiều tiếng xuýt xoa trong khán giả: “Trời ơi, rồng nữ, xinh quá!”. Nhưng đâu đó cũng có sự dè bỉu: “Toàn nữ thế này thì múa may được gì, rồng chẳng lượn được đâu”. Thế rồi khi tiếng trống vang lên, đôi rồng chuyển động, tái hiện lại khí phách hào hùng của khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đám đông nín thở chứng kiến và vỡ òa thán phục.
Màn ra mắt ấn tượng của đội nữ binh múa rồng |
Rất đông gia đình, người thân của những “nữ binh múa rồng” hôm đó đi theo cổ vũ đã nghẹn ngào hạnh phúc khi chứng kiến con em họ bước lên bục nhận giải Ba. Ngỡ ngàng vì sự nỗ lực vượt bậc của chị em – đó là suy nghĩ của lãnh đạo địa phương về đội “nữ binh múa rồng” trên quê hương Hai Bà. Và, họ biết rằng đã không nhầm khi tin tưởng.
Thấm thoắt thời gian trôi đi, Liên hoan múa rồng Hà Nội năm 2012 do Sở VH-TT&DL Hà Nội tổ chức chào mừng 58 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10 đã lùi xa nhưng vẫn còn đó những ký ức tươi rói trong người xem về một đội rồng nữ duy nhất trong liên hoan. Nhiều người không có dịp dự Liên hoan cứ mãi tiếc rẻ, vấn vương về một đội rồng nữ.
“Ngày 6/1 âm lịch hàng năm nằm trong dịp Tết Nguyên đán là hội đền Hai Bà Trưng. Khách đến hội đền kể từ Tết Quý Tỵ 2013 này chắc chắn sẽ được xem những màn múa rồng đẹp mắt. Để chuẩn bị cho hội đền và dịp kỷ niệm 2000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng vào năm 2014, đội “nữ binh múa rồng” thay vì ngủ quên trên chiến thắng vẫn ráo riết tập luyện” – đội trưởng Nguyễn Thị Hồng Thúy bật mí.
…Mang trong mình khí thế và quyết tâm của con cháu Hai Bà Trưng, một lần nữa đội rồng nữ đất Mê Linh đã chứng tỏ bản lĩnh cứng cỏi của những người phụ nữ Việt.
Phụ nữ mình đâu kém nam nhi
Múa lân sư rồng là nghệ thuật đặc sắc của các nước châu Á, một sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong những ngày lễ Tết, khai trương, động thổ... Theo dân gian, Lân - Sư - Rồng là biểu tượng của sự thông minh, tài trí, sức mạnh, mang đến may mắn, tài lộc cho mọi người nhưng hoạt động múa lân sư rồng rất nặng nên thường do đàn ông đảm niệm.
Tuy nhiên, ở Việt Nam có không ít đội lân sư rồng thành viên toàn nữ giới, như đội lân nữ xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Điều đặc biệt là, 14 thành viên nữ của đội đều thuộc gia đình chính sách: một Mẹ Việt Nam anh hùng, 3 thương binh, số còn lại đều là con, vợ, mẹ liệt sĩ.
Tại Liên hoan Lân sư rồng Q.11 TP.HCM năm 2009, một đội lân nữ đã ra mắt khán giả bằng bài biểu diễn chỉ dài 4-5 phút, song mỗi thành viên phải thực hiện từ 70-80 động tác. 22 thành viên của đội lân ấy là các cô giáo mầm non của Trường Thánh Mẫu Sơn Ca 5 (Q.Phú Nhuận) tuổi từ 17-23. Sau giờ lên lớp, các cô được các võ sư huấn luyện từ 4-5 tiếng/buổi, trật chân, sái tay, những cú va chạm rướm máu... là chuyện thường ngày ở mỗi buổi tập.
Xuân Hoa – Đức Tùng