Tôi gọi là "nghệ sỹ nửa mùa", vì chỉ có nửa mùa mới coi thường đạo lý và pháp luật. Còn những nghệ sỹ chân chính khi gắn mình với nghiệp diễn để mang lại vẻ đẹp cho đời thì họ luôn có một tâm hồn đẹp, một tấm lòng nhân ái và một lối sống lành mạnh.
Chính vậy mà gần đây sự xuất hiện của hàng loạt chuyện buồn làm "rầu nồi canh showbiz", khi cả đạo đức và pháp luật bị coi thường thì cần phải có một cách nhìn nghiêm túc về giới này từ mọi giác độ, nhất là việc giáo dục đạo đức, văn hóa và pháp luật để nghệ sỹ phải là nghệ sỹ đích thực khi bước lên sân khấu…
|
Cao Thái Sơn và câu chuyện về đạo đức nghệ sỹ khiến dư luận xôn xao |
Nghề y có y đức, nghề giáo có giáo đức, nghề báo có những quy ước đạo đức nghề nghiệp… mà suy rộng ra nghề nào cũng có “đạo”, có chuẩn mực của riêng nghề đó. Vấn đề là nó có được văn bản hóa dưới dạng những quy phạm để dựa vào đó mà soi vào hay không.
Có một số lĩnh vực không có “luật”, nhưng có “lệ” và cái “lệ” đó bất thành văn nhưng là một quy ước ngầm mà bất kỳ ai tham gia cuộc chơi cũng phải tuân thủ. Đương nhiên không tuân thủ thì sẽ tự loại mình ra khỏi những cuộc chơi.
Nhẩn nha một chút với câu chuyện ngày xưa trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, các cụ nhà ta đã vô cùng nhạy cảm và văn minh khi thiết lập một quy ước đạo đức cho nghề diễn. Đó là ca trù, ca trù có giáo phường và giáo luật. Chẳng hạn một quy định gọi là tục “tiền đầu”, khi đào nương đi hát, có thưởng phải trích lại một phần để đóng góp cho giáo phường, quỹ này để nuôi người thầy đã truyền dạy nghề cho mình. Đây là một nét đẹp tôn sư trọng đạo bất di bất dịch. Ngoài ra khi hát đào nương phải nhìn thẳng, không được đong đưa, nhìn ngang nhìn dọc…
Những quy định biểu diễn hết sức chặt chẽ, nếu ca nương vi phạm, các ông trùm đứng đầu các giáo phường sẽ liên kết lại với nhau và vĩnh viễn người vi phạm sẽ không còn “đất” đễ diễn và trụ với nghề. Nghĩa là một phường hát đều có những giáo luật và giáo đức của nó.
Trở lại với showbiz Việt ngày nay, chính vì không có đức và chà đạp lên luật mới có những pha lừa tình, lừa tiền, những vụ việc từ buôn lậu, chơi và tàng trữ trái phép ma túy, chống người thi hành công vụ, thậm chí hành hung người khác trong thời gian vừa qua. Hoàn toàn không khó khăn khi tìm ví dụ về các vụ việc này. Các cái tên như Cao Thái Sơn, "Hiệp Gà", Vĩnh Thụy, Hồng Hà… đang là tâm điểm chú ý của làng giải trí với những biểu hiện như vậy.
Đi tìm căn nguyên của những hiện tượng bất thường này cũng là cả một quá trình dài. Nhưng cái gốc vẫn là câu chuyện giáo dục đạo đức và nhân cách cho người nghệ sỹ, sau đó là lỗ hổng thiếu hiểu biết pháp luật để dẫn đến con đường tha hóa và phạm tội. Nhân cách nghệ sỹ là cả một quá trình tích lũy và gìn giữ.
Một khi hai chữ nhân cách bị tha hóa thì việc đứng trên sàn diễn cũng nên dừng lại vì anh ta không còn xứng đáng với mỹ từ “người của công chúng”. Chẳng thể chuyển tải và giáo dục thẩm mỹ và đạo đức cho giới trẻ và công chúng được khi tư cách anh ta không đáng mấy đồng chinh. Vậy nhưng cái lạ của "showbiz nhà ta" là tư cách cứ mất, đạo đức và pháp luật cứ vi phạm, phạt hành chính hay cả phạt từ xong lại diễn như thường, vẫn lại là…nghệ sỹ!. Có nghệ sỹ dính ma túy ra tù, hứa hẹn “hoàn lương”, nhưng rồi người ta lại thấy bóng dáng nghệ sỹ đó trong một ngôi nhà có liên quan đến một vụ án sản xuất ma túy…
Khi một số người tài năng vừa phải được đẩy lên thành một ngôi sao, thành người nổi tiếng, chính cái mác nổi tiếng này làm cho họ dễ tống tình và tống tiền hơn và cũng dễ sa vào những cảm dỗ và cạm bẫy của cuộc sống hơn. Một số người cũng đã lợi dụng truyền thông, tạo scandal như vụ ca sỹ Châu Việt Cường, để khi nổi tiếng thì các sự vụ làm ăn, ca hát…cũng được hanh thông hơn.
Nói tóm lại, chúng ta đang quá dễ dãi với giới "showbiz nửa mùa". Dễ cả “luật” lẫn “lệ”. Cứ học các cụ ngày xưa, “lộn xộn” là hết đất diễn, thử xem nghệ sỹ nào dám vô đạo không?. Rồi nữa là phải nghiêm khắc trong thực thi pháp luật trong lĩnh vực này. Các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý hành chính là một phần, xử lý hình sự nếu là tội phạm thì cũng là một đằng, mặt khác cứ cấm diễn dài dài xem họ có sợ mà sửa mình hay không?.
Để thấy showbiz cũng cần phải có… “showbiz đức” và cũng cần có những hành vi cấm, xử phạt bằng cách cấm diễn thật lâu hoặc vô thời hạn xem còn nghệ sỹ nửa mùa nào còn chà đạp lên đạo đức và pháp luật nữa không?.
Trần Ngọc Hà