Năm 2011, các ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi bằng VND không hạn chế. Nghĩa là họ đã được tham gia bình đẳng vào lãnh địa vốn được coi là thế mạnh của ngân hàng trong nước.
Thêm một nút thắt được mở cho các ngân hàng ngoại. Trên bề mặt, thị trường tiền gửi chưa có nhiều thay đổi, nhưng cuộc chơi ngầm đã bắt đầu được hâm nóng từng ngày.
Đối tượng khách hàng mục tiêu của ngân hàng Standard Chartered là các cá nhân có thu nhập khá trở lên, hay còn được gọi là khách ưu tiên, khách VIP. Số lượng chỉ vài nghìn khách, nhưng tỷ trọng doanh thu từ nhóm khách này chiếm quá nửa trong tổng doanh thu bán lẻ của ngân hàng.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng cổ phần lớn trong nước, do lợi thế đi trước đang sở hữu một lượng không nhỏ các khách VIP. Đây chính là lãnh địa đang đứng trước nguy cơ bị nhòm ngó.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng cho rằng: “Các ngân hàng trong nước lớn đang bị ảnh hưởng nhiều nhất vì khách hàng của họ bị ngân hàng nước ngoài quan tâm đến và có chiến lược rất mạnh, quyết tâm để tiếp cận. Trong khu vực thành thị, khách hàng cá nhân thu nhập cao và công ty lớn là mục tiêu nhòm ngó của ngân hàng nước ngoài.
Nhiều năm kinh nghiệm trong dịch vụ ngân hàng. Lợi thế mạng lưới quốc tế rộng khắp. Nguồn vốn dồi dào. Đây là yếu tố giúp ngân hàng có thể mang đến cho các thượng khách VIP cái gọi là “dịch vụ đẳng cấp quốc tế”.
Đơn cử, với dịch vụ khi gửi tiền, việc rút các khoản tiền lớn rất nhanh gọn, thuận tiện khi khách có nhu cầu.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng: “Vấn đề giải ngân quan trọng, nhất là khách hàng gửi số lượng tiền lớn. Khi cần họ yêu cầu giải ngân tức thì, không có chuyện nói khách hàng trở lại ngày mai, chúng tôi sẽ điều vốn…”.
Ngân hàng Quốc tế VIB là một ngân hàng trong nước đang đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ, đặc biệt với đối tượng khách hàng VIP. Người đứng đầu ngân hàng này chấp nhận sự thâm nhập ngày càng sâu của các của đổi thủ ngoại quốc như một phần tất yếu của cuộc chơi.
Ông Ân Thanh Sơn, TGĐ Ngân hàng Quốc tế VIB: “Đó là sân chơi chung chúng ta phải chấp nhận. Ngân hàng nào có uy tín hơn, làm cho khách hàng hài lòng sẽ có lợi thế hơn trong huy động vốn cũng như hoạt động kinh doanh chung của ngân hàng. Đấy là điều kiện tốt để thúc đẩy các ngân hàng trong nước nỗ lực cải cách để phát triển khả năng cạnh tranh của mình lên.
Diện mạo của ngân hàng đã được thay đổi theo một chuẩn thiết kế của nước ngoài. Website của ngân hàng kia đã được nâng cấp để thân thiện với khách hàng hơn và đẩy mạnh dịch vụ giao dịch điện tử.
Không phải ngẫu nhiên, các ngân hàng trong nước đẩy nhanh hơn chiến lược hiện đại hóa chính mình. Và ở khía cạnh đó thì cạnh tranh là chất xúc tác tích cực cho quá trình chuyên nghiệp hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, giành và giữ được khách hàng Việt hay không vẫn ở chất lượng của dịch vụ. Đây vẫn có thể là thế mạnh của ngân hàng nội nếu họ biết phát huy đúng mức sự am hiểu tâm lý người Việt.
Theo Minh Hường
VTV