[links()]Nỗi lo lắng vé tàu Tết của những người lao động ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chưa năm nào nguôi. Lo lắng kéo dài cả mấy tháng trước khi nhà ga mở bán vé và căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào ngày bán - chỉ mong giành được tấm vé về quê ăn Tết. Năm nào cũng cảnh chầu chực, chen lấn, xô đẩy và thất vọng càng tăng lên vì nhu cầu đi lại của người dân năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng chỗ trên các chuyến tàu thì không tăng.
Chen nhau chờ lấy số thứ tự mua vé tàu Tết Quý Tỵ chiều Nam-Bắc. |
Xoay đủ kiểu
Nếu những năm trước tại ga Sài Gòn, khách phải bỏ việc để ra tận ga chờ mua vé thì năm nay khách được chờ trước máy tính để đặt chỗ qua mạng. Nhưng chuyện không mong lại vẫn ập đến đó là sập mạng ngay ngày đầu tiên mở bán (10/12/2012).
Trước thời điểm 8h sáng 10/12, cả trăm ngàn tài khoản đã truy cập vào mạng chờ đến giờ hệ thống mở bán, nhưng đến 8h sáng, khi phương án bán vé tàu Tết được cập nhật vào hệ thống thì đường truyền "đụng trần", không thể truy cập được. Do đó, dù hệ thống mở từ lúc 8h nhưng mãi đến 8h15 mới có hành khách đầu tiên đặt vé thành công.
80% nhu cầu của hành khách bị “từ chối” Vào mùa cao điểm, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, nhưng năng lực của ĐSVN chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của hành khách. Cụ thể, trong cao điểm Tết Quý Tỵ 2013, ĐSVN đã huy động tối đa công suất về phương tiện, điều chuyển lại các chuyến tàu theo hướng ưu tiên vận chuyển khách chặng dài, ngừng chạy tàu hàng nhưng biểu đồ chạy tàu đã chật kín, năng lực vận chuyển đã hết. |
Trong khoảng thời gian này, việc đặt chỗ thực hiện hết sức chậm do mạng liên tục bị nghẽn vì lượng khách chờ trên hệ thống quá đông, đến 9h mới chỉ có 4 hành khách đặt chỗ thành công.
Giải thích cho trục trặc này, lãnh đạo Công ty Vận tải hành khách ĐS Sài Gòn cho rằng, khả năng của hệ thống mạng bán vé tàu Tết chỉ có thể đáp ứng cho khoảng 1.000 tài khoản truy cập, do cùng một thời điểm có quá nhiều tài khoản truy cập đã dẫn đến sập mạng! Nhiều hành khách đã quá thất vọng và tỏ ra nghi ngờ trước phương án bán vé hiện đại nhất rồi mà vẫn bị “chặn đường” khó hiểu như vậy.
Còn ở ga Hà Nội, đơn vị này tổ chức bán vé tàu Tết từ ngày 1/12/2012. Tuy chiều đi Sài Gòn trước Tết tại ga này không căng thẳng nhưng với những chặng ngắn như đi Vinh, Đồng Hới, Huế... thì người mua vẫn khá chật vật. Một số hành khách cho hay, hiện tại “săn” vé Tết đi chặng ngắn những ngày cận Tết đều nhận được câu trả lời hết vé từ “nhà tàu”.
Đối phó với tình trạng nhu cầu đi tàu ngày càng tăng, ngành ĐSVN năm nào cũng mở hết công suất phục vụ. Từ việc áp dụng mới các hình thức bán vé như bán vé cho tập thể; bán vé tại ga và các đại lý; bán vé qua điện thoại, tin nhắn, đặt chỗ trên mạng rồi đến bán thêm ghế phụ, chuyển giường nằm thành ghế ngồi, tăng chuyến, nối thêm toa nhưng vẫn không tài nào thay đổi được căn bản tình trạng “khát” vé tàu Tết.
Năm nay, cũng với cách thức đó, Tổng công ty ĐS quyết định giảm tối đa số đôi tàu hàng chạy trên tuyến Thống Nhất để lấy đường chạy thêm tàu khách. Đồng thời, tổ chức quay vòng, quay nhanh ram xe. Trong những ngày cao điểm bán thêm 3.500 ghế phụ từ ngày mồng 1 đến mồng 8 Tết chiều Sài Gòn - Hà Nội.
Khi nào hết cảnh “săn” vé Tết?
Trước thực trạng nhiều hành khách, đặc biệt là những người nghèo, lao động nghèo không mua được vé tàu về quê, vừa qua, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu ĐSVN tập trung mọi nguồn lực, mọi phương án phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết.
“Khách đi tàu chủ yếu là lao động nghèo ở các tỉnh xa, vì vậy ngành ĐS phải tập trung mọi nguồn lực tăng chuyến, tăng thêm ghế phụ và giảm giá vé để phục vụ tốt nhất người dân, không vì mục tiêu lợi nhuận”, Bộ trưởng Thăng lưu ý.
Tuy nhiên, thực tế dù có xoay xở bằng cách nào đi chăng nữa thì năng lực vận chuyển hiện tại của ĐSVN cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Người dân lâu nay vẫn đơn giản nghĩ rằng, thay đổi hình thức bán vé thì cơ hội vé đến tay mình được nhiều hơn hoàn toàn là điều không tưởng.
Bởi theo như ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng Giám đốc ĐSVN cho biết, số hành khách có nhu cầu đi tàu trong Tết lên đến 1 triệu người trong khi ĐSVN chỉ đáp ứng được 116.000 chỗ.
Vậy cảnh người dân dài cổ, mỏi gối chờ vé tàu Tết đến bao giờ mới chấm dứt?. Theo ông Vũ Đình Rậu - Trưởng ga Hà Nội, câu chuyện này chắc chắn sẽ còn kéo dài rất nhiều năm nữa.
Bởi vì cơ sở vật chất, hạ tầng của ĐS không có sự thay đổi. Hàng trăm năm nay, ĐS vẫn “xài” đường đơn nên hạn chế số tàu chạy. Những năm gần đây, số toa xe và đầu máy cũng không đóng mới, trong khi đó lượng khách đi luôn tăng. Đó là mâu thuẫn lớn nhưng hiện chưa có lời giải.
Theo một số chuyên gia ngành ĐS, nếu có đóng mới thêm toa xe nhưng với khổ đường ray hiện tại (1m), thì ngành ĐS cũng bó tay chịu chết không thể tăng khối lượng vận chuyển mà chỉ khi nâng thành đường ray đôi mới mong thay đổi được căn bản tình hình. Trong khi việc này không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.
Đây thực sự là một thông tin không mong đợi của những người năm nào cũng phải “săn” vé tàu Tết, nhất là những người lao động đi làm ăn ở những vùng kinh tế mới, những khu công nghiệp mới. Nhưng dù sao đó cũng là một sự thật để người dân khỏi phải thất vọng, kêu ca mỗi dịp cuối năm. Xem ra cũng khá hài hước nhưng cũng đúng với tình cảnh của ngành ĐSVN hiện tại khi có người nói, sẽ chỉ hết cảnh tranh giành mua vé tàu dịp cao điểm khi đường ray cũ bị hỏng.
Tuấn Anh - Thanh Quý