Hôm nay, tròn một tuần từ ngày con đường cao tốc trên cao (vành đai 3 Hà Nội) đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào sử dụng. 7 ngày - dù không dài - nhưng đủ cho thấy giá trị của con đường với giao thông Thủ đô và cũng chừng đấy thời gian cùng với những công trình trị giá ngàn tỷ khác trên cả nước - cho thấy rõ hơn một thực trạng đáng buồn, đó là sự “cọc cạch” trong nhận thức, bất chấp luật lệ của người tham gia giao thông.
|
Cấm mặc cấm, cả xe máy lẫn xe nôi vẫn ngược xuôi lên đường cao tốc. |
Vào cao tốc “đấu đầu” ô tô
Đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm được khởi công xây dựng từ tháng 6/2010, với tổng đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Dự án được xây dựng theo cấp đường cao tốc đô thị, tốc độ thiết kế 100km/giờ.
Tuyến đường hiện đại này được kết nối với hàng loạt các tuyến đầu mối đường bộ quan trọng, như: quốc lộ 1, 5, 18, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, Láng - Hòa Lạc, Thăng Long - Nội Bài..., góp phần đắc lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ùn tắc giao thông cho khu vực Thủ đô.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 10 tiếng đồng hồ tiến hành lễ khánh thành thông xe, trên tuyến này đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khi một thanh niên đi xe máy chạy ngược chiều vào phần đường dành cho ôtô nên đã va chạm với ôtô. Cú “đấu đầu” khủng khiếp này đã khiến người đi xe máy bị bắn lên cao, rơi xuống và tử vong sau đó.
Đáng nói là, bất chấp sự cảnh báo của lực lượng chức năng, biển báo và cả vụ tai nạn chết người vào 23h ngày 21/10, liên lục những ngày sau đó, trên tuyến cao tốc trên cao này vẫn tiếp tục tái diễn cảnh lộn xộn khi ôtô ngang nhiên đón trả khách ngay giữa cầu, xe ôm đi ngược chiều, người đi bộ chạy tứ tung…
Chỉ cần người dân tuân thủ thì sẽ an toàn khi lưu thông - Sở GTVT Hà Nội có kiến nghị về hàng rào chống chói tại dải phân cách giữa của đường, có màu sắc trắng sáng chưa phù hợp, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, kiểm tra, chúng tôi thấy hạng mục này đã phát huy tốt tác dụng. Việc lắp đặt, sơn quét các thiết bị này đều đã được đơn vị tư vấn xem xét, thẩm định chứ không phải thích là làm. Vụ tai nạn xảy ra ngay trong ngày đầu thông xe là điều đáng tiếc, và điều đó thuộc về ý thức của người dân. Còn trên đường, vạch sơn, biển báo, đèn tín hiệu đã được lắp đặt đầy đủ, chỉ cần tuân thủ nghiêm thì sẽ an toàn. Tuyến này dù Bộ GTVT đã có văn bản bàn giao cho Hà Nội quản lý, nhưng Ban Quản lý Dự án Thăng Long vẫn tiếp tục theo dõi để nếu phát hiện có điểm bất hợp lý phát sinh thì sẽ phối hợp xử lý ngay |
Theo quan sát của PLVN, phần lớn, các phương tiện cố tình đi vào làn đường trên cao là để cho tiện và nhanh, số ít do không để ý biển báo hoặc tâm lý tò mò, muốn đi thử. Ý thức của người tham gia giao thông khi vào cao tốc còn kém. Khi thấy lực lượng chức năng đứng chốt, thì sẵn sang quay đầu xe đi ngược chiều với dòng phương tiện đang lưu thông để tránh bị kiểm tra, xử lý.
Trước tình hình đó, ngày 23/10, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban an toàn giao thông TP.Hà Nội đã yêu cầu Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tăng cường tuần tra, kiểm tra 24/24h hàng ngày; xử lý nghiêm với mức cao nhất theo quy định đối với các trường hợp phương tiện giao thông lưu thông trên tuyến đường vành đai 3 không đúng quy định, làm rơi bùn, đất trên đường; đặc biệt, lưu ý các trường hợp điều khiển mô tô, xe máy lưu thông trên đường cao tốc, các phương tiện ô tô dừng đón trả khách, xe ôm đón khách trên đường cao tốc.
Xe cũ nát vẫn “mát ga, mát số”
Tuyến Sài Gòn – Trung Lương theo thống kê cho thấy sau hơn một năm đưa vào sử dụng, trên đường cao tốc thuộc vào loại hiện đại bậc nhất khu vực phía Nam (tổng đầu tư gần 10.000 tỷ đồng) đã xảy ra hơn 2.000 vụ nổ lốp xe dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc.
Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn xảy ra vào rạng sáng 13/6/2011, ô tô tải biển kiểm soát 54S-3411 lưu thống hướng Tiền Giang - TP.HCM khi đến km 17+500 cao tốc Trung Lương thì bị nổ lốp trước, lao vào dải phân cách sau đó lao ra làn đường dành cho ô tô chạy với tốc độ 100km/h. Cùng lúc đó, xe khách biển kiểm soát 53S-2150 chạy cùng chiều đã không kịp xử lý nên lao vào gầm xe tải làm chết 8 người và bị thương nhiều người…
|
Chiếc xe này nổ lốp, mất lái, dẫn tới tai nạn chết 8 người trên cao tốc |
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những sự cố nói trên, nhưng vấn đề được nhắc đến nhiều nhất là độ an toàn của phương tiện khi lưu thông trên. Cụ thể, theo Trung tâm quản lý đường cao tốc Trung Lương, thì nhiều phương tiện lốp láp không an toàn, hết hạn sử dụng hoặc lốp không đúng kích cỡ, nhưng cánh tài xế vẫn bất chấp, có khi còn chở quá tải (có trường hợp xe có tải trọng 5 tấn những chở tới 8 tấn) rồi “vít ga” với tốc độ cao (120km/h, thậm chí 150km/h), gây nổ lốp, mất lái trên đường.
Theo quy định về đăng kiểm, một lốp xe chỉ được phép lưu thông trên đường khi sử dụng không quá 8 vạn cây số, không có dấu hiệu bị xước, độ mòn của lốp không vượt quá quy định cho phép từ 1,6 - 2mm…
Trước thực trạng này, Hiệp hội Vận tải TP.HCM thừa nhận ngoài việc không coi trọng các chỉ số an toàn của phương tiện, nhiều tài xế, đặc biệt là xe tải khi tham gia giao thông không được trang bị các kỹ năng cần thiết về đường cao tốc. Vì đường cao tốc có độ ma sát cao, khi khai thác đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa đường, phương tiện đủ tiêu chuẩn và sự hiểu biết cần thiết của người điều khiển phương tiện.
PVBĐ