Trứng gà là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, ăn thường xuyên sẽ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, đối với những người bệnh, vấn đề này lại tương đối phức tạp, phải tùy từng loại bệnh mà sử dụng sao cho phù hợp.
Bệnh tiêu chảy
Rất nhiều người nhận thức rằng, bệnh nhân bị tiêu chảy do mất nhiều chất dinh dưỡng, nên phải dùng biện pháp tăng cường dinh dưỡng, bồi bổ cơ thể bằng cách ăn nhiều trứng gà. Suy nghĩ đó hoàn toàn không đúng.
Đối với bệnh nhân tiêu chảy, do dịch tiêu hóa tiết ra ít hơn, hoạt tính men tiêu hóa bị giảm, việc chuyển hóa chất mỡ, chất đạm và đường bị rối loạn, chức năng đồng hóa vốn có bị ảnh hưởng, chức năng tái hấp thu nước và chất dinh dưỡng ở ruột non gặp trở ngại, phần lớn các chất dinh dưỡng bị thải ra ngoài qua đường tiêu hóa.
Vào lúc này, nếu không để cho đường ruột được nghỉ ngơi, không những làm mất đi tác dụng bồi dưỡng cơ thể, mà ngược lại còn làm cho bệnh nặng thêm. Vì thế, trong thời gian bị tiêu chảy, bệnh nhân không được ăn trứng gà.
Khi bị sốt
Thành phần chủ yếu của trứng gà gồm có anbumin và ovoglobumin, là protein hoàn toàn, được cơ thể hấp thu 99,7%, sau khi ăn vào sẽ tạo ra nhiệt lượng “siêu hạng”. Những người bị sốt (nhất là trẻ em) ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên, không tán phát ra ngoài được, giống như “lửa đổ thêm dầu”, bệnh sốt càng thêm trầm trọng. Vì vậy, khi bị sốt không nên ăn trứng gà, nên uống nhiều nước pha thêm chút muối, ăn nhiều rau quả tươi, hạn chế ăn những thứ có nhiều protein.
Lê Nguyễn (st)