Khí hậu - tác nhân của bệnh tật
Hơn một tháng nay, chị Nguyễn Hạ Thanh An (39 tuổi), ngụ Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh khổ sở vì căn bệnh hô hấp và chứng đau đầu. Chị An vốn có đường hô hấp không được khỏe mạnh, lại có chứng viêm xoang. Thế nên, thời điểm tháng 8 vừa qua, khí hậu tại TP Hồ Chí Minh oi bức, khó mưa, không khí đặc quánh khiến căn bệnh hô hấp và những cơn đau đầu hành hạ liên tục khiến chị suy nhược sức khỏe, không thể tập trung làm việc được.
Sau khi uống nhiều liều thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ mà không khỏi, chị đã nhận được lời khuyên là lên vùng núi, nơi có không khí loãng hơn, khí hậu trong lành hơn có khả năng làm giảm những triệu chứng khó chịu do bệnh tật. Sau khi thu xếp công việc, chị quyết định chọn một thị trấn nhỏ vùng ven Đà Lạt để lên ở trong 2 tuần, điều dưỡng sức khỏe bằng cách đi bộ và cải thiện chế độ ăn uống. Từ sau khi lên vùng núi, quả thật chứng đau đầu, viêm xoang, viêm hô hấp của chị đã thuyên giảm gần hết, tinh thần sảng khoái, sức khỏe được hồi phục đáng kể.
Theo các chuyên gia y tế, khí hậu quả thật có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe và bệnh tật của con người, đây là điều mà nhiều người thường không để ý đến. Thế nên, thời điểm chuyển khí hậu, những lúc giao mùa, hoặc khi trong không khí có độ ẩm cao, số lượng người bệnh hô hấp và một số bệnh liên quan sẽ tăng mạnh.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hai đặc trưng khí hậu dễ gây bệnh nhất là quá nóng và quá lạnh. Khí hậu quá nóng vào mùa hè là tác nhân lý tưởng để làm phát sinh các căn bệnh như viêm gan do virut, rối loạn tiêu hóa, sốt xuất huyết, viêm màng não... Khí hậu lạnh dễ làm phát sinh các bệnh như viêm đường hô hấp, thấp khớp, cúm, bạch hầu, bệnh còi xương, thiếu vitamin D do ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời...
Còn trong y học Đông Phương, người xưa cho rằng sự khác nhau giữa thủy, thổ, tập quán, sinh hoạt, thể chất và bệnh tật có liên quan đến sự biến hóa khí hậu của từng vùng. Vùng giáp biển gần nước, dân cư ăn nhiều cá, thích ăn mặn, da đen, lỗ chân lông thưa, thường dễ mắc bệnh ngoài da. Những vùng núi cao, gió nhiều, đất khô, ăn nhiều thịt, người béo, lỗ chân lông kín tà khí khó xâm nhập, bệnh phần nhiều chủ yếu là nội chứng. Phía Nam khí hậu nóng, dương khí thịnh, thích ăn chua, hoặc thức ăn đã ướp muối, da dẻ đỏ, bệnh phần nhiều thuộc cân (gân) mạch, co cứng, tê dại…
Cư dân sống ở thành thị đất bằng phẳng, nhiều ẩm thấp, lao động nhàn rỗi, ăn uống đầy đủ thường hay mắc các chứng suy, khuyết, nghịch. Biết được những điều này, các thầy thuốc sẽ có phương thức điều trị hợp lý, bên cạnh kê đơn, bốc thuốc, còn hướng dẫn bệnh nhân tập luyện, xoa bóp, vận động.
Cạnh đó, một tác nhân gây bệnh từ khí hậu thường gặp là hiện tượng biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu không chỉ tác động trực tiếp đến môi trường mà còn gây ra những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe con người. Nhiệt độ tăng cao và biến động thời tiết cực đoan có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của các bệnh truyền nhiễm.
Nhiệt độ cao và độ ẩm tăng lên là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của muỗi Aedes, loài truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika. Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, dẫn đến sự gia tăng của các loài côn trùng và vi sinh vật gây bệnh. Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt và bão cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh qua nguồn nước ô nhiễm.
Bên cạnh đó, các bệnh không truyền nhiễm như bệnh tim mạch và bệnh phổi mãn tính cũng bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu. Ô nhiễm không khí, một hệ quả trực tiếp của hoạt động công nghiệp và giao thông, là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến hô hấp. Ngoài ra, tình trạng nóng lên toàn cầu còn làm tăng nguy cơ say nắng, đột quỵ nhiệt và các bệnh liên quan đến căng thẳng nhiệt.
Chữa lành bằng khí hậu
Góp phần ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh tật, nhưng đồng thời khí hậu cũng là một yếu tố quan trọng trong việc chữa lành và cải thiện sức khỏe. Khí hậu ôn hòa, không khí trong lành và thiên nhiên tươi đẹp là những yếu tố đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất.
Theo các nhà khoa học, ở vùng núi cao, không khí loãng hơn, dẫn đến lượng oxy thấp hơn. Điều này buộc cơ thể phải sản xuất nhiều hồng cầu hơn để cung cấp đủ oxy cho các cơ quan. Quá trình này giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, làm tăng khả năng vận chuyển oxy trong máu và cải thiện chức năng tim mạch. Việc tiếp xúc với thiên nhiên và ánh sáng tự nhiên cũng giúp điều hòa nhịp sinh học, hỗ trợ giấc ngủ đều đặn và chất lượng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người sống ở độ cao lớn thường có tuổi thọ cao hơn. Sự kết hợp của các yếu tố như không khí trong lành, lối sống năng động và chế độ ăn uống lành mạnh giúp họ duy trì sức khỏe tốt hơn trong suốt cuộc đời.
Với khí hậu vùng biển, không khí ở vùng biển thường trong lành và giàu oxy do sự chuyển động của gió biển. Điều này giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn, cải thiện khả năng hô hấp và giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Bên cạnh đó, không khí biển cũng chứa nhiều ion âm, được cho là có tác dụng giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Vùng biển thường có ánh nắng mặt trời dồi dào, giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, cần thiết cho xương chắc khỏe, hệ miễn dịch và tâm trạng.
Ngoài ra, sống trong môi trường có khí hậu thuận lợi có thể giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính. Ví dụ, cư dân sống ở vùng Địa Trung Hải - nơi có khí hậu ôn hòa và chế độ ăn uống lành mạnh - thường có tuổi thọ cao và ít mắc các bệnh tim mạch hơn so với những người sống ở các khu vực có khí hậu khắc nghiệt.
Tất nhiên, với một một thể trạng, tính cách, thói quen sống, khí hậu sẽ có những tác động khác nhau. Ví dụ đối với người có một số bệnh lý nặng về hô hấp, dị ứng với khí hậu lạnh, hoặc huyết áp, thân nhiệt thấp thì việc sống ở vùng núi sẽ gây ra một số hệ lụy cho sức khỏe. Người có bệnh xương khớp hay nhạy cảm với ánh nắng mặt trời thì sống ở vùng biển có thể trầm trọng thêm các bệnh trên. Còn đối với cư dân thành thị, nơi có lượng người đông đúc và ô nhiễm khí hậu cao thì các bệnh như hô hấp, dị ứng khí hậu sẽ khiến họ thêm phần khổ sở.
Tuy nhiên, không phải ai sinh ra cũng có thể lựa chọn cho mình vùng khí hậu yêu thích, phù hợp với sức khỏe, thể trạng để sinh sống. Vì thế, các kì nghỉ dưỡng, rời khỏi nơi sinh sống để đến vùng khí hậu phù hợp, yêu thích chính là một giải pháp giúp hồi phục sức khỏe, cân bằng tâm trạng.
Chính vì thế, để trị liệu sức khỏe thể chất và tinh thần, nhiều người thường chọn liệu pháp “du lịch chữa lành”, đến các vùng núi cao, biển, các khu rừng nguyên sinh hay vùng hồ để hít thở oxy trong lành, tăng cường tiếp xúc với thiên nhiên, dùng thiên nhiên và khí hậu để thanh lọc cơ thể, xoa dịu những tổn thương, phục hồi sức khỏe sau một thời gian dài căng thẳng và mệt nhọc nơi phố thị.
Hiện nay, liệu pháp thiên nhiên (eco-therapy) đang ngày càng được công nhận trong các cộng đồng y tế toàn cầu, với các phương pháp như đi bộ trong rừng, yoga ngoài trời, leo núi, ngâm mình trong nước biển. Những hoạt động này không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng cường hệ miễn dịch và giảm các triệu chứng của bệnh tâm lý như trầm cảm và lo âu.
Trong khi khí hậu có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tật, nó cũng có thể là phương thuốc tự nhiên giúp chữa lành. Điều quan trọng là phải nhận thức rõ ràng về những ảnh hưởng của khí hậu lên sức khỏe và tìm cách sử dụng những điều kiện khí hậu thuận lợi để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Việc bảo vệ và duy trì môi trường sống lành mạnh không chỉ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà còn tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sức khỏe cộng đồng. Bằng cách nhận thức và hành động đúng đắn, chúng ta có thể chuyển hóa những tác nhân bất lợi của khí hậu trở nên tích cực, giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho chính mình và các thế hệ tương lai.