Trước đây, khi cụm loa chưa bị hỏng, 5 giờ sáng mỗi ngày, đều như vắt chanh, bác Mai Trung Tâm và mọi người thôn Lực Nông xã Đại Bản (An Dương) bắt đầu ngày mới bằng tiếng nhạc tập thể dục buổi sáng của Đài TNVN phát đi từ những cụm loa của Đài truyền thanh xã. Bác Tâm cho biết, người dân từ lâu đã quen với tiếng “loa công cộng” này cũng như quen với tiếng gà gáy sáng. Khi truyền hình chưa phát triển và ngay cả bây giờ, khi mỗi nhà đều có một chiếc ti vi thì vai trò quan trọng của đài truyền thanh xã không thể phủ nhận. Đài không những là phương tiện tuyên truyền hiệu quả kịp thời những đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, những chủ trương của địa phương, mà còn là một người bạn thân thiết của người dân cung cấp thông tin về lịch gieo trồng mùa vụ, thông báo liên quan tới đời sống của người dân. Nhưng thời gian gần đây, cụm loa ở thôn bị hỏng, khiến người dân thiếu thông tin về hoạt động của địa phương, các cơ chế, chính sách mới... Với người dân ở xã Bắc Sơn (An Dương), đài truyền thanh xã ngày càng trở thành nhu cầu không thể thiếu. “Cũng vì thế, khi đài truyền thanh xã bị hỏng, hay có trục trặc gì người dân phản ánh ngay”, bác Phạm Văn Phương, cán bộ đài truyền thanh xã Bắc Sơn cho biết. Tuy nhiên, với điều kiện khách quan hiện nay, đài truyền thanh xã không thể tránh khỏi những hạn chế người dân phản ánh.
Xã An Hưng (An Dương) là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành phố đầu tư hệ thống đài truyền thanh không dây vào năm 1996. Ông Lê Phương Trù, cán bộ đài truyền thanh xã An Hưng cho biết, năm 2002, xã tiếp tục đầu tư thay 10 cụm thu tự động (2 loa/cụm) mới, trung bình mỗi thôn 1 cụm và 1 cụm trung tâm. Nhưng đến nay còn khoảng 7 cụm hoạt động bình thường. Ở các thôn có các cụm loa bị hỏng, người dân phản ánh nhiều, nhất là vào mỗi kỳ tiếp xúc cử tri ở xã. Tuy nhiên, cái khó của đài truyền thanh xã hiện nay ngoài kinh phí, mà máy móc phục vụ công việc này hỏng không biết sửa ở đâu trên địa bàn thành phố. Những hỏng hóc cơ bản cán bộ đài truyền thanh huyện có thể sửa được nhưng với những lỗi liên quan tới kỹ thuật chỉ có công ty cung ứng thiết bị mới sửa được. Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Đại Bản phản ánh, mới đây, máy phát sóng của đài truyền thanh xã bị sét đánh. Để khắc phục, địa phương phải gửi lên Hà Nội nhờ Công ty cổ phần phát triển phát thanh truyền hình (BDC) sửa. Chi phí sửa khoảng 40 triệu đồng và nhanh nhất cũng nửa tháng. Mỗi đài cơ sở đều bảo đảm hai nhiệm vụ chủ yếu xây dựng chương trình thời sự của địa phương phát trên loa theo định kỳ và tiếp âm các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố và Đài Truyền thanh huyện. Tuy nhiên, với đài truyền thanh xã Trung Hà và một số xã khác trên địa bàn huyện Thủy Nguyên hiện nay đều “chưa hoàn thành” nhiệm vụ tiếp âm. Ông Vũ Văn Lan, cán bộ đài truyền thanh xã Trung Hà cho biết, năm 2004, địa phương đầu tư trang bị truyền thanh không dây với máy phát sóng 400W (bán kính 4km2), 11 cụm thu chia đều ở các khu dân cư. Nhưng từ 1 năm nay, đài truyền thanh xã không thể tiếp âm đài huyện vì máy cát- sét tiếp, ghi âm bị hỏng. Hiện, hằng ngày đài truyền thanh chỉ có chương trình ở địa phương với thời lượng 2 tiếng/ngày vào buổi sáng, chiều và phần lớn đều là chương trình phát thanh trực tiếp (những chương trình không được dựng trước và có bản lưu sau khi đã phát thanh).
Trước thực tế này, người dân và các đài truyền thanh cơ sở mong sự quan tâm hơn nữa của các địa phương và thành phố.
Minh Châm