Khi mục đích hôn nhân không đạt, ly hôn có thể là giải thoát tốt nhất cho vợ/chồng nhưng bao giờ cũng đem đến bất hạnh cho những đứa con. Việc “chia con” luôn là câu chuyện dài và phức tạp mà ở đó có rất nhiều nước mắt…
Dấu lặng ly tan…
Ở phía sau hai cuộc đời chia đôi, có một “quả bóng” dễ thương bị đá qua, đẩy lại về hai phía, mà chẳng được phía nào chấp nhận. Đó là câu chuyện của bé Bóng (8 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội). Bản án ly hôn của Tòa quyết định chia Bóng ở với mẹ, theo thỏa thuận thì hàng tháng cha Bóng có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con 1 triệu đồng.
Nhưng đã hai năm kể từ ngày ly hôn, cha của Bóng chỉ thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con được chừng 5 tháng rồi “mất hút”, cũng chẳng thèm qua lại thăm con, thậm chí điện thoại cũng ít khi dù khoảng cách không xa.
Có nhiều cuộc ly hôn, vợ chồng lại giành giật quyết liệt với nhau quyền được nuôi con cốt để thỏa mãn lòng tự ái, |
Mẹ Bóng tuy được giao trách nhiệm nuôi con nhưng thực chất mẹ “nhường” trách nhiệm đó cho ông bà ngoại để ra ngoài thuê nhà buôn bán, làm ăn. Thương cháu nhỏ côi cút giữa đời dù vẫn còn đủ cả cha lẫn mẹ, ông bà ngoại đã hết lòng yêu thương, chăm sóc như cố bù đắp những thiếu hụt cho cháu bé.
Nhưng ông bà ngoại thì đã già yếu, khoản lương hưu gần 2 triệu đồng mỗi tháng không thể kham nổi tiền ăn học cho Bóng và hai người già nay ốm, mai đau. Vậy nên ông bà buộc phải “nói khó” với mẹ Bóng để nhắc nhở cha mẹ bé phải có trách nhiệm gửi tiền cho ông bà nuôi cháu. Mẹ Bóng sau khi đòi chồng cũ khoản tiền cấp dưỡng nuôi con không được, đã tức tối khởi kiện đề nghị thay đổi người nuôi con.
Tại phiên tòa, cha mẹ Bóng đùn đẩy trách nhiệm nuôi con cho nhau không được, đã mạt sát nhau vô trách nhiệm. Mẹ Bóng trình bày lý do tới đây sẽ đi xuất khẩu lao động hoặc đi lấy chồng nên không thể mang con theo, đương nhiên không thể tiếp tục lãnh trách nhiệm nuôi con.
Chị bảo hai năm qua mẹ đã nuôi nấng, chăm sóc Bóng, vậy nên xét một cách công bằng thì tới đây bố Bóng cũng phải lãnh trách nhiệm này.
Bố Bóng nại ra lý do mới xây dựng gia đình, người vợ sau khó tính lại mới sinh con nhỏ, nhà cửa chật chội nên không thể nuôi thêm Bóng. “Giờ anh đã yên bề gia thất bên người mới, thế anh định để thằng bé làm vật cản đường hạnh phúc của tôi sao?. Còn ai dám cưới tôi khi mà lấy vợ lại được “khuyến mại” thêm một đứa con riêng?”, người mẹ lớn tiếng.
Trước vụ án phức tạp, Tòa đã phải nghị án ba ngày, sau đó quyết định chấp nhận yêu cầu thay đổi người nuôi con, tuyên giao bé Bóng cho người cha nuôi dưỡng. Chưa biết cuộc sống mới của Bóng ra sao, chỉ biết rằng phải sống xa ông bà ngoại sau nhiều năm gắn bó chắc chắn sẽ là thử thách khó khăn với một cháu bé đã sớm gánh chịu tổn thương do gia đình tan vỡ.
Kết cục nào cũng đau khổ
Bên cạnh những vụ vợ/chồng đùn đẩy nhau trách nhiệm nuôi con, thực tế có nhiều cuộc ly hôn, vợ chồng lại giành giật quyết liệt với nhau quyền được nuôi con cốt để thỏa mãn lòng tự ái, dù thực tế có thể họ cũng lại gạt trách nhiệm đó cho cha mẹ đẻ của mình, tức ông bà các cháu nuôi dưỡng.
Nhưng trước tòa, họ vẫn tìm đủ mọi chứng cứ để chứng minh mình mới là người có đủ nhân cách và tình cảm để nuôi dạy con; đồng thời đưa ra các lý do, không loại trừ cả việc xúc phạm, thóa mạ lẫn nhau, để “loại” đối phương ra khỏi cuộc chiến giành quyền nuôi con. Rốt cục, chỉ những đứa trẻ ở giữa là phải chịu đau khổ, tổn thương nhiều nhất.
Chuyện xưa kể rằng: Trong một vụ tranh chấp nuôi con, vị quan tòa nọ xử bằng cách cho đứa trẻ đứng vào giữa vòng tròn, hai bố mẹ cầm hai tay kéo về hai phía. Cha đứa trẻ xót con bị đau nên đành phải buông tay để cho vợ giành phần thắng.
Nhưng kết cục, vị quan tòa sáng suốt đã xử cho người cha được nuôi con vì đó mới là người thực sự có tấm lòng yêu thương, nhân hậu với con mình. Nay, chốn công đường không thể xử án chia con bằng cách vẽ vòng tròn, nhưng dư âm từ các cuộc ly hôn luôn là nỗi ám ảnh của những Thẩm phán tham gia xét xử với những ánh mắt trẻ thơ lẻ loi, tan tác khi mái ấm gia đình bỗng dưng “tan đàn xẻ nghé”.
Sau khi bố mẹ ly hôn, dẫu con vẫn được chăm lo cho một cuộc sống đầy đủ thì cuộc sống tình cảm của trẻ vẫn thiếu trước, hụt sau không gì cân bằng được. Đó mới là hậu quả nặng nề nhất và không dễ khắc phục.
Lê Nguyễn