Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở đối với các hộ nghèo. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo trên cả nước là 1.586.336 hộ; trong đó, tổng số hộ nghèo và cận nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở là khoảng 315.000 hộ.
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở như: Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/08/2015 về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2); Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ nhà ở này hiện nay đã kết thúc.
Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát là rất cần thiết. Tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” ngày 5/10/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh đây là thời điểm có ý nghĩa lịch sử, quan trọng để thực hiện Chương trình cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.
“Theo thống kê của các địa phương, ngoài 2 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là 6.500 tỷ đồng. Hiện nay, chúng ta đang trong chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát với mục tiêu là trong năm 2025 chúng ta phải hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200 nghìn căn), do ngân sách nhà nước bảo đảm; Hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88 ngàn căn nhà); Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên”, ông Đào Ngọc Dung thông tin.
Chính sách, pháp luật mang niềm vui đến người cao tuổi không có lương hưu
Theo số liệu thống kê, hiện nay số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi là hơn 5,1 triệu người, chiếm 35% so số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, nước ta sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế. Bối cảnh này cũng cho thấy chính sách BHXH cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân.
Người không có lương hưu được hưởng trợ cấp hàng tháng thực sự là một chính sách rất nhân văn, được người dân mong đợi. (Nguồn: N.A) |
Ngày 01/7/2025, Luật BHXH 2024 chính thức có hiệu lực với nhiều thay đổi lớn, trong đó có việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, thể chế hóa quan điểm tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng là một trong những chế độ của trợ cấp hưu trí xã hội, là loại hình BHXH do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi. Trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành là 80 tuổi). Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo Luật BHXH 2024, có hai nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đó là, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí khi có đủ 3 điều kiện: từ đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ và có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định (không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội) thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Người dân khi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Lúc qua đời, tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
Có thể nói, việc người không có lương hưu được trợ cấp hàng tháng đây thực sự là một chính sách rất nhân văn, được nhiều cử tri và Nhân dân mong đợi. Cũng theo Luật BHXH 2024, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội cứ định kỳ 3 năm 1 lần.
“Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng phụ thuộc chính vào khả năng của ngân sách nhà nước bảo đảm nhưng chắc chắn không thấp hơn mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng, thấp nhất cũng phải bằng 500.000 đồng/tháng”, ông Nguyễn Duy Cường - Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho biết. Luật cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Dự kiến có thêm khoảng 1,2 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngày 01/7/2025 khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực.
Tăng cường tính tuân thủ pháp luật để bảo vệ người lao động
Cũng liên quan đến Luật BHXH, Luật BHXH (sửa đổi) đã dành riêng một chương để quy định về quản lý thu, đóng BHXH; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH. Với cấu trúc như vậy, Luật BHXH (sửa đổi) hướng tới việc tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Vi phạm các quy định pháp luật về BHXH là một thực tế đang diễn ra với tình trạng không ít doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm. Đơn cử như tại TP HCM, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH là một khó khăn kéo dài nhiều năm mà chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết. Theo con số của BHXH TP HCM, số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là gần 6.872 tỷ đồng. Thời gian qua, các cơ quan quản lý lao động, BHXH trên địa bàn TP HCM liên tục tổ chức thanh tra các đơn vị trốn đóng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, kết quả chưa khả quan vì doanh nghiệp tìm mọi cách để né tránh.
Từ năm 2020 đến nay, Công an TP HCM tiếp nhận rất nhiều nguồn tin từ Cơ quan BHXH chuyển đến nhưng chưa khởi tố được vụ án nào, cũng chưa khởi tố bị can có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Nguyên nhân là do các quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa có hướng dẫn cụ thể, khó thu thập chứng cứ nên chưa thể xử lý hình sự hành vi này.
Các chính sách trợ giúp xã hội được thiết kế hướng vào mục tiêu bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng. (Nguồn: VGP) |
Từ thực tế này có thể thấy, việc Luật BHXH (sửa đổi) dành hẳn một chương để nhằm tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là rất cần thiết.
Ngày 14/8/2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với tinh thần “tất cả cùng phát triển, cùng hưởng lợi” và “không ai bị bỏ lại phía sau”. Việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.