“Thật thà như thể lái trâu, thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng”. Lam biết thế nên trước khi về nhà chồng, cô đã phải đi hỏi dì, hỏi chị, hỏi những người bạn lấy chồng trước về việc ứng xử với mẹ chồng sao cho khéo léo. Nhưng điều Lam không ngờ người hay soi mói, bắt bẻ cô không phải là mẹ mà chính là bố chồng.
Giữa tháng 5 nắng như đổ lửa, Lam về nhà chồng. Vợ chồng Lam được nhà chồng dành cho một “khoảng trời riêng” rộng rãi trên tầng 3. Nhưng chỉ sau ngày làm dâu đầu tiên, Lam đã rất ngạc nhiên khi một số đồ đạc ở “khoảng trời riêng” đã bị thay đổi vị trí. Lam gọi điện hỏi chồng sao tự ý thay đổi mà không hỏi ý kiến vợ thì chồng cô cũng ngạc nhiên không kém. Mẹ chồng Lam nghe được, giải thích: “Bố mày kê lại đấy, ông ấy bảo chúng mày bừa bộn, đồ đạc vứt lung tung”. Từ hôm ấy, trước khi đi làm, Lam không dám vứt váy ngủ trên giường như mọi khi và dù vội đến mấy thì chăn màn cũng phải gọn gàng, phòng khi bố chồng kiểm tra.
(Ảnh minh họa) |
Bố chồng Oanh lại luôn hậm hực với con dâu mỗi khi thấy con trai phụ vợ làm việc nhà. Trong mắt ông cụ, thằng đàn ông như thế là “vứt đi” rồi. Vì vậy, Oanh luôn bị bố chồng rêu rao với họ hàng rằng cô lười nhác, vô tích sự, không biết làm sang cho chồng.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn – Công ty TNHH Tư vấn tâm lý, đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng nhận xét, mẹ chồng thường hay xét nét con dâu chỉ vì những việc rất vụn vặt, như: Ăn, đi, mặc... Nhưng bố chồng thường để ý vấn đề vĩ mô hơn như cách sống của con dâu hoặc con dâu lười không làm việc để con trai họ làm mọi việc.
Phần lớn bố chồng - nàng dâu xảy ra mâu thuẫn quyết liệt là khi những “bố già khó tính” cảm thấy địa vị của mình trong gia đình bị lung lay. Nói vợ, nói con không được, quay ra chứng minh uy quyền của mình với con dâu. Ngoài ra, sự bất đồng về văn hóa cũng khiến những ông bố có tính gia trưởng khó chấp nhận cách sống của con dâu nên sinh xét nét.
Để sống chung với những ông bố chồng khó tính, mỗi khi có chuyện người con dâu nên nhín nhường, không nên cãi lại. Trong trường hợp tự mình không thể dung hòa được mối quan hệ với bố chồng, người con dâu có thể tâm sự với chồng, mẹ chồng hoặc bất cứ thành viên nào trong nhà chồng để san sẻ việc chăm sóc bố chồng. Không nên oán ghét hoặc cố tình tránh mặt bố chồng, sẽ làm cho mâu thuẫn trầm trọng hơn.
Nếu nàng dâu không được gia đình chấp nhận từ đầu, nên nhờ chồng xác định nguyên nhân bố chồng ghét. Sau đó chinh phục bố chồng bằng cách nhún nhường, lời khen hay tặng những món quà nhỏ thể hiện sự quan tâm tới bố.
Người bố chồng cũng nên đặt vị trí con trai mình để hiểu những nỗi khổ của con. Cần hiểu rằng khi mình làm khổ con dâu cũng chính là đang hành hạ con trai, vì con dâu uất ức thì hạnh phúc gia đình con mình cũng ảnh hưởng.
Theo Giadinh.net