Những nét duyên dáng, mềm mại nữ tính của áo dài bị một số quán nhậu “độ”, chế lại thành những chiếc áo “nửa kín nửa hở” khêu gợi để câu khách…
Biến tướng trong quán nhậu
Ảnh minh họa |
Quán D.N, quán X.4 nằm trên đường Lý Thường Kiệt quận 5, quán N.10, quán N.14, đường 3-2 , quận 10, TP HCM là một trong những quán có đội tiếp viên đông, ăn mặc “mát mẻ”, mà giới ăn nhậu hay lui tới. Chưa đúng giờ tan sở, nhưng hàng trăm chiếc xe máy chen chúc nhau xếp hàng trên vỉa hè, các con hẻm gần đó. Bên trong quán tiếng hò hét zô zô, tiếng cụng ly chát chát của hàng trăm khách tạo nên thứ âm thanh hỗn tạp.
Trời bắt đầu nhá nhem, đèn điện vừa bật sáng, chúng tôi quan sát quanh khuôn viên của quán không còn chiếc bàn nào trống khách. Âm thanh hò hét 1,2,3 zô… 2,3 zô… 2,3 uống… của những vị khách đang “say men rượu nghía men tình”. Cứ phút chốc những câu nói bình luận, mổ xẻ về cách ăn mặc quá "tươi mát" của các cô tiếp viên vô tình bóp méo chiếc áo dài thùy mỵ phát ra tứ phía.
Những chiếc quạt treo tường mặc dù chạy hết công suất, nhưng sức nóng trong quán mỗi lúc tăng. Vì vậy, đôi ba phút những chiếc vòi nhỏ treo trên tường phun ra những làn sương trắng, xua đi phần nào sự nóng nực. Bất chợt ông bạn đi cùng nhìn cô tiếp viên đứng bên kia bàn thốt lên “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lục Hà Đông”. Cô tiếp viên chồm người qua rót bia theo kiểu “đứng bên này em cuối rót bên kia”, và liếng thoắng đáp lại: “Áo lụa Hà Đông xưa rồi, quên đi cưng, áo cách điệu này mới sốc, mát mẻ, dễ nhìn”. Nói xong cô gái liếc mắt tình tứ rồi bước vội sang bàn kế bên tiếp tục công việc rót bia cho khách.
Ảnh minh họa |
Chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng văn hóa mang nét thẩm mỹ của người phụ nữ. Không những người Việt mà du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, phần lớn đều thích chiêm ngưỡng tà áo dài nhẹ nhàng, thướt tha ấy. Nhưng nét “thuần phong mỹ tục” được xem là di sản văn hóa lại bị tha hoá bởi những người thích tận dụng sắc vóc phụ nữ để mồi chài khách.
Thọ Lang