Mới hơn 30 tuổi, họ đã ngồi vào ghế lãnh đạo điều hành vài chục đến vài trăm con người ở các doanh nghiệp và cơ quan, công sở trên địa bàn Đà Nẵng. Họ say mê công việc, tích lũy kinh nghiệm để được cống hiến sức mình cho sự phát triển chung của thành phố. Và họ gọi vui công việc của mình là “lái xe”.
Đứng đầu những người bằng tuổi hoặc lớn hơn mình, anh Nguyễn Xuân Bình (người thứ 6 từ trái sang), Quyền Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết phải thật cẩn trọng trong ứng xử để không làm tổn thương các đồng nghiệp
Xắn tay áo vào việc
Khi bước vào ghế lãnh đạo, họ còn rất trẻ. Vì thế, họ phải tự nhắc mình thận trọng khi giao việc cho những người lớn tuổi hơn. Sinh năm (SN) 1977, quản lý trên 300 người, trong đó nhiều nhân viên đáng bậc cha, chú, nhưng anh H. (nhân vật đề nghị không nêu tên)-Trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp lớn, không cảm thấy vấn đề tuổi tác là một áp lực. “Làm việc với người lớn tuổi, tôi phải tinh tế hơn trong cách cư xử. Tôi rạch ròi cho nhân viên biết: ngoài công việc, tôi nhỏ hơn anh, tôi sống tình cảm và tôn trọng anh như bậc đi trước. Nhưng trong công việc, tôi là người chỉ đạo nên khi giao việc, anh phải hoàn thành”. Còn với anh Nguyễn Xuân Bình (SN 1977), Quyền Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, các câu “mệnh lệnh” và “hò hét” thường không được sử dụng trong khi điều hành công việc, và anh luôn cố gắng đạt đến sự hòa hợp cao nhất trong một tập thể có nhiều người “sàn sàn” tuổi mình hoặc lớn hơn mình.
Cả anh Bình lẫn anh H. đều cho rằng, muốn cấp dưới lắng nghe và tuân thủ sự chỉ đạo thì bản thân lãnh đạo phải kết hợp giữa “nói được” với “làm được”. “Làm thế nào để nhân viên thấy mình là người có năng lực trong hoạt động chuyên môn. Với nhóm đối tượng nào, phần việc nào, lãnh đạo cũng am tường mới có thể dễ dàng hợp tác cùng cấp dưới và khiến họ nể phục. Uy lực của lãnh đạo trẻ không phải toát lên từ vỏ bọc do mình cố tạo ra, mà phải xuất phát từ năng lực thực thụ”, anh H. nói. Theo anh Bình, để đạt được điều này, lãnh đạo trẻ cần có bản lĩnh, quan điểm rõ ràng và luôn tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân không ngừng.
Cùng quan điểm “lãnh đạo không có nghĩa là ngồi chỉ đạo mà phải trực tiếp bắt tay vào việc”, anh Đinh Văn Lộc, SN 1975, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà tự nhận mình “vừa là sếp, vừa là nhân viên” khi phần việc nào anh cũng tham gia với phương châm “không để sót việc”. Theo anh, đó là cách lèo lái tốt nhất khi doanh nghiệp vẫn còn non trẻ. Và anh làm là “để truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn cho nhân viên bằng hành động cụ thể”.
“Dám” chịu thất bại
Đinh Văn Lộc (người thứ nhất ở hàng đầu tiên, nhìn từ phải sang), Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà tự nhận mình vừa là sếp, vừa là nhân viên khi tự mình cáng đáng những việc quan trọng. |
Theo các lãnh đạo trẻ, “thiếu kinh nghiệm” là một khiếm khuyết lớn nhất khiến họ chưa thể hoàn thiện được công việc. Vì vậy, anh Bình cho biết phải “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và học hỏi không ngừng”. Va chạm nhiều và sớm là cách để anh phát hiện ra cái sai và có thời gian sửa sai.
Anh Nguyễn Thành, SN 1974, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch miền Trung của Hanoitourist thường coi việc điều hành tour như một “canh bạc” mà ranh giới giữa lãi, lỗ và huề vốn thường rất mong manh. Nói chuyện với đối tác ở hai miền Nam – Bắc, anh luôn cam kết: “Chỉ có 1 khách, chúng tôi cũng làm tour”. Nhưng “Ơn trời. Chưa có tour nào “thảm” như vậy trong 10 năm làm du lịch của tôi”, anh nói.
Chàng Trưởng phòng nhân sự tên H. nêu trên cho biết, anh tích lũy kinh nghiệm bằng mọi phương tiện và bất kể lúc nào có thể. “Trong môi trường công việc rộng lớn thì bản thân mình càng phải thận trọng, luôn biết kiểm soát bản thân để tránh những hậu quả xấu do thiếu kinh nghiệm”, anh H. chia sẻ.
Trong khi đó, anh Lộc tự nhận xét, thiếu kinh nghiệm có thể khiến mình đưa khách du lịch đến những nơi không phù hợp với lứa tuổi, sở thích, túi tiền... hoặc không đủ khả năng xử lý khi gặp phải những tình huống xấu đột xuất khi dẫn khách đi. Hơn thế nữa, với anh, cái thiếu của lãnh đạo trẻ là chưa tạo lập được các mối quan hệ với đối tác. Nên không còn cách nào khác là Lộc chủ động gầy dựng và tạo uy tín với bất kể đối tượng nào công ty đã, đang và sẽ hợp tác.
Anh Bình kết luận: “Công việc cứ như chiếc xe mà mình là tài xế. Khi đã làm quen với xe, mình có thể đạt được vận tốc ngang bằng hoặc có thể nhanh hơn tài xế trước, tùy thuộc vào năng lực của mình”. Hy vọng, những “chiếc xe” do các “tài xế” 7x trẻ trung lèo lái sẽ bon bon tới trước.
Bài và ảnh: T.HOA-T.NHAN