Theo bản án ngày 15/8/2019 của TAND TP Long Khánh, ông Nguyễn Đăng Sỹ khởi kiện yêu cầu ông Hoàng Trọng Thân phải di dời ki-ốt để giao trả mặt bằng phía trước nhà ông.
Ông Sỹ cho rằng, nhà đất của ông có nguồn gốc từ Tổng công ty cao su Đồng Nai cấp cho người thân ông làm nhà tình nghĩa, sau đó chuyển giao cho ông.
Tiếp đó, vợ chồng ông Thân được Nông trường An Lộc thuộc Tổng công ty cao su Đồng Nai cho thuê mặt bằng tại khu vực đội 3 – lô số 21 để xây dựng ki-ốt buôn bán sách báo. Vị trí ki-ốt nằm phía trước, bên trái nhà tình nghĩa của ông Sỹ. Năm 2014, ông Sỹ gửi đơn kiện ông Thân buộc phải di dời ki-ốt như đã nêu trên.
Xử sơ thẩm, TAND TP Long Khánh đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì cho rằng, phần ki-ốt của ông Thân hiện không được nhà nước giao đất nên không có quyền sử dụng với phần đất đang tranh chấp. Vì vậy việc ông Sỹ khởi kiện bị đơn di dời toàn bộ khối ki-ốt và mặt bằng 76,3m2 đang sử dụng là có căn cứ.
Bản án nói trên hiện đã bị phía bị đơn kháng cáo vì cho rằng tòa đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng làm sai lệnh vụ án và không kiến nghị xử lý nguyên đơn khi có dấu hiệu ngụy tạo, làm giả tài liệu chứng cứ của cơ quan tổ chức.
Văn bản cơ quan chức năng xác định quyết định cấp đất là không có cơ sở. |
Theo đó, một trong những chứng cứ mà nguyên đơn đưa ra để khởi kiện là Quyết định cấp đất không số ngày 30/7/1985 của Nông trường An Lộc cấp cho ông Sỹ.
Theo bị đơn, Quyết định cấp đất không số ngày 30/7/1985 không có hồ sơ lưu lại Nông trường An Lộc. Vào năm 1985, nông trường chưa sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản, chỉ sử dụng máy đánh chữ gõ bằng tay, trong khi đó Quyết định của ông Sỹ cũng cấp cho Tòa lại sử dụng máy vi tính để soạn thảo.
HĐXX cũng nhận định: “Tổng công ty cao su Đồng Nai cũng xác định thời điểm năm 1985 thì Nông trường An Lộc chưa có mộc tròn và chưa có máy vi tính nên HĐXX nhận thấy quyết định này không đúng quy định về thời điểm cấp đất…”.
Phía bị đơn cho rằng, mặc dù tòa đã nhận định như vậy nhưng tòa không có bất cứ kiến nghị nào để xử lý về hành vi ngụy tạo chứng cứ này. Đây là dấu hiệu vi phạm pháp luật. Mặt khác, sau đó, tòa vẫn công nhận phần đất trên cho nguyên đơn mặc dù theo xác định của UBND thị xã Long Khánh (nay là TP Long Khánh), lô đất có nhà tình nghĩa của ông Sỹ “hiện chưa được ai kê khai đăng ký, chưa được cấp GCNQSDĐ”. "Điều này là không đúng qui định" - bị đơn khẳng định.
Cũng theo bị đơn, trước đó năm 2003, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định về việc thu hồi đất của Nông trường An Lộc giao cho UBND huyện Long Khánh quản lý. Trên cơ sở đó, Nông trường An Lộc đã bàn giao thửa đất có căn nhà tình nghĩa và ki-ốt trên cho địa phương quản lý.
Như vậy có thể thấy, bản thân ông Sỹ chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận mình là chủ hợp pháp của lô đất mà gia đình đang sinh sống mà bằng chứng là UBND xã Suối Tre xác nhận hiện không đăng ký kê khai tại địa phương. Tức là lô đất mà gia đình ông Sỹ đang sinh sống vẫn đang thuộc quyền sở hữu của Nông trường An Lộc. Vậy ông Sỹ căn cứ vào đâu để khởi kiện đòi đất đối với các ki-ốt phía trước?
Chưa kể, theo các văn bản của Nông trường An Lộc, mặt bằng nông trường cho xây dựng ki-ốt không ảnh hưởng đến nhà tình nghĩa. Và phần đất xây dựng ki-ốt dùng để quy hoạch mở rộng đường sau này, vì vậy các hộ dân có ki-ốt buôn bán chỉ tạm thời sử dụng...
Theo kháng cáo của bị đơn, các phần đất đang tranh chấp hiện đang thuộc quyền quản lý của nhà nước nên không thể có việc phía ông Sỹ buộc người khác phải di dời ki-ốt. Tòa chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là đang xâm phạm đến lợi ích của nhà nước và tạo điều kiện cho nguyên đơn hợp thức hóa phần đất này.