Là môn thể thao số 2 sau điền kinh, nhưng bơi lội Hải Phòng quá yếu so với mặt bằng chung toàn quốc. Tuy không hoàn thành chỉ tiêu HCV ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 năm 2010, bộ môn bơi Hải Phòng lại trình làng lực lượng VĐV trẻ triển vọng. Nếu không đầu tư ngay cho lứa VĐV trẻ này 4 năm tới thì Hải Phòng sẽ tụt hậu.
Vận động viên bơi lội luyện tập tại bể bơi trung tâm. Ảnh: Duy Thính |
4 năm trước, Hải Phòng đoạt 6 HCV môn lặn và thiết lập cơn mưa KLQG, nhưng 4 năm sau, ở Đại hội 6, các VĐV lặn Hải Phòng không giành tấm HCV nào. Mục tiêu của bộ môn tại đại hội là đoạt từ 2 đến 3 HCV. Việc chuẩn bị cũng được tiến hành rất sớm, các VĐV lặn xuất sắc còn được huấn luyện tại đội tuyển quốc gia dưới sự huấn luyện của HLV Vũ Hồng Hà.
Tuy nhiên, giai đoạn cuối của quá trình chuẩn bị, một phần kế hoạch bị đảo lộn. Đầu tiên là các chủ lực không thể đi Trung Quốc, tiếp đó thời tiết lạnh bất thường đổ vào Đà Nẵng khiến toàn đội phải vào TP Hồ Chí Minh tập gấp đã ảnh hưởng đến việc duy trì thành tích, bảo đảm chỉ tiêu huy chương của bộ môn. Việc không nắm được thông tin chính xác về đối thủ cũng như thông tin Hiệp hội bơi lội Việt Nam vẫn cho phép các VĐV mặc đồ bơi siêu cấp thi đấu (đồ bơi này thế giới cấm từ tháng 1 năm 2010) nên các VĐV lặn Hải Phòng chỉ đoạt 2 HCB. Hai chủ lực đàn chị Minh Thùy và Nguyễn Thị Thương cũng không thể giành thành tích cao ở cự ly sở trường 800m, 1500m vòi hơi chân vịt mà cả hai đang giữ kỷ lục.
Hà Nội đưa dàn quân bơi áp đảo vào Đại hội 6 nhưng không thể đoạt HCV bể 50m, trong khi Hải Phòng ít quân hơn, nhưng một mình Nguyễn Hữu Việt mang về 3 HCV. Và càng mừng hơn khi các VĐV trẻ đất Cảng lần đầu xung trận đã cho chỉ số rất tốt.
Có được kết quả này là do bộ môn chuẩn bị tốt cho bơi. Kình ngư chủ lực Nguyễn Hữu Việt được tập huấn cùng đội tuyển quốc gia ở nước ngoài, còn hai HLV Vũ Hồng Hà và Phạm Ngọc Khánh cũng được lên đội tuyển quốc gia, có điều kiện huấn luyện quân mình. Họ đã làm hết sức nhiệt tình và trách nhiệm để có lực lượng VĐV trẻ tốt như hôm nay. Tại giải vô địch trẻ toàn quốc tại Hà Nội, các VĐV bơi trẻ đoạt 10 HCV, vượt chỉ tiêu 6 HCV. Trong đó các VĐV Trần Văn Triệu, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Ngọc Triển, mỗi VĐV đoạt 2 HCV ở nội dung thi đấu. Tới Đại hội 6 ở Đà Nẵng, 3 VĐV bơi trẻ Phùng Cao Sơn (16 tuổi), hai VĐV 15 tuổi Trần Văn Triệu, Trần Đức Tùng đều thi đấu với thành tích tiến bộ, đạt trình độ kiện tướng. Cả 3 VĐV này đều là thành viên đội tuyển trẻ quốc gia cùng lứa trẻ sinh năm 1997 như Thành, Quân… sẽ là triển vọng của bơi Hải Phòng.
Tuy nhiên để lứa trẻ này trở thành những Nguyễn Hữu Việt mới, cần có sự đầu tư lớn và khẩn trương hơn. Trước hết là đầu tư bể bơi nước nóng để VĐV không phải nghỉ đông dài hoặc đi tránh đông ảnh hưởng đến phong độ; nâng cao chế độ dinh dưỡng cho VĐV, bởi VĐV bơi có lượng vận động rất lớn. Và điều cần thiết nữa phải sớm thuê chuyên gia nước ngoài, đưa VĐV trọng điểm tập huấn nước ngoài ở giai đoạn cần thiết. Nên nối lại quan hệ với đặc khu Ngọc Khuê, Vân Nam nơi các VĐV bơi Hải Phòng từng đến tập huấn và lên đỉnh cao vào năm 1995.
Đỗ Hân