Tạm thời rời xa chốn phồn hoa đô thị, những con đường tắc nghẽn, chúng tôi sắp xếp hành lí lên xe, tay nắm vô lăng, nhắm hướng cực Bắc của Tổ quốc, khám phá triền văn hóa vùng cao Hà Giang.
Chúng tôi lựa chọn cho mình Nissan Navara, Toyota Hilux và Ford Ranger – những “chiến binh” Pick-up vừa khỏe, gầm cao, lại có cabin thứ 2 để hành lí rất tiện lợi, phù hợp với những chuyến du ngoạn dài ngày.
Ai cũng muốn trải nghiệm, muốn thử thách bản thân và hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, để thấy cuộc sống còn muôn vàn điều kì thú mà ta còn bỏ ngỏ. Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến những con đường quanh co ngoằn nghoèo mạo hiểm mà bất kì “bác tài” nào cũng muốn thử sức, chinh phục. Đã không dưới bốn lần tôi đến với Hà Giang, nhưng chưa bao giờ thôi hết đam mê với mảnh đất này. Bởi tất cả đều giống như một thứ “bùa yêu” khiến mọi người mê mẩn.
Sáng sớm khởi hành từ Hà Nội, cái lạnh thấu xương chẳng ngăn được những trái tim nóng hổi, những đôi chân muốn bước tới. Ba chiếc xe nối đuôi nhau chạy dọc theo quốc lộ số 2, qua Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, hướng lên những huyện vùng cao của Hà Giang. Đường đồng bằng dường như không phải là nơi để các “chiến binh” pick-up thử sức. Nissan Navara chiếm ưu thế hơn khi sở hữu động cơ diesel khỏe 174 mã lực và hộp số sàn 6 cấp. Chiếc xe mang thương hiệu Nissan thường dẫn đầu và luôn dễ dàng tăng tốc nới rộng khoảng cách với hai chiếc xe còn lại. Tuy nhiên, Toyota Hilux không vì thế mà kém cạnh, những ai cầm lái Hilux luôn dễ dàng làm quen với chiếc xe này. Hilux cho cảm giác lái tốt và sự linh hoạt khi vận hành. Dừng chân nghỉ trưa ở thành phố Hà Giang, hành trình 250km đường đồng bằng chưa chứng minh được nhiều khả năng của những chiếc pick-up, chưa có đối thủ nào thực sự vượt trội khi xếp ba chiếc xe lại với nhau.
Chúng tôi tiếp tục hành trình hơn 40km đi tới Quản Bạ bắt đầu cuộc chinh phục núi đồi. Từ đây hoàn toàn không có khái niệm về những con đường dễ đi, mặt đường ngày một xấu và chiều rộng khổ đường ngày một bó hẹp. Có lúc, hai chiếc xe tránh nhau mà phải ép sát ra phía vực. Chúng tôi đã quen với những tình huống đó nhưng vẫn đề cao cảnh giác vì an toàn luôn là mục tiêu hàng đầu.
Trong 3 chiếc pick-up, Ford Ranger là chiếc có tuổi đời cao nhất, nhưng sự mạnh mẽ và tính bền bỉ của Ranger vẫn khiến “những người bạn đồng hành” còn lại phải e ngại. Phải mất một lúc tôi mới có thể làm quen với chân ga và chân côn của xe vì nó khá nặng, nhưng khi đã quen thì Ford Ranger sẽ cho một cảm giác thật hơn mỗi khi sang số.
Hilux thì khác, những ai từng một lần cầm lái Hilux đều đánh giá cao về sự thân thiện của nó. Vô lăng của chiếc xe dễ dàng điều khiển, cho cảm giác lái tốt. Bàn đạp côn, ga, phanh nhẹ nhàng. Một lợi thế nữa của Hilux là tầm quan sát trong cabin rộng, khi tránh xe đi ngược chiều trên các đoạn đường hẹp, người lái sẽ ít gặp trở ngại hơn khi phải căn chỉnh và quan sát. Cảm giác lên đến đỉnh đèo sau khi cầm lái qua những con đường uốn lượn như thân mình một con rắn thật phấn khích. Khi dừng chân nghỉ tại “Cổng trời” – một điểm cao của Quản Bạ, nhìn xuống, mọi người không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Chúng tôi quyết định nghỉ một đêm tại Quản Bạ sau cả buổi chiều vừa đi vừa tác nghiệp, ngắm cảnh dọc cung đường Hà Giang – Quản Bạ. Đứng ở trên cao nhìn xuống Núi Đôi, cả thị trấn Tam Sơn lúc xế chiều ẩn hiện trong sương tạo nên một bức tranh với vẻ đẹp huyền ảo. Ở nơi đây là thế, mỗi mùa, mỗi thời điểm đều mang một vẻ đẹp riêng khó cưỡng.
Mọi người ăn tối với những món ăn dân tộc có thể lạ lẫm với những người miền xuôi, nhưng lại là thứ giản dị, là đặc sản ở miền sơn cước như: thị trâu gác bếp, xúc xích xông khói, rau tầm bóp, măng đắng… Nhấp một ngụm rượu ngô -thứ rượu rất riêng ủ bằng men lá mà chỉ Hà Giang mới có, thấy ấm lòng giữa vùng núi giá lạnh. Đêm nằm trong chăn ấm, nhớ lại những khuôn mặt của trẻ em vùng cao, áo phong phanh lang thang trong sương mà ban chiều vừa tình cờ bắt gặp, tôi thấy ám ảnh. Cố nhắm mắt, vì mai vẫn là cả một quãng đường dài cần chinh phục.
Sáng miền núi phủ sương mờ, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa nghe đâu xa lắm. Dưới bản, khói bếp đã lên. Lại một buổi lên đường sớm trong hành trình. Nếu đi từ Hà Giang lên Quản Bạ đã khó, thì đường từ Quản Bạ lên tới Yên Minh, rồi Đồng Văn còn khó hơn. Chạy xe quãng một giờ đồng hồ mà cũng chỉ đi được nửa quãng đường. Đến non trưa mà sương mù vẫn dày đặc. Ba chiếc pick-up luôn bám sát nhau vì tầm quan sát vô cùng bất lợi, nhiều khi ở những đoạn cua tay áo xuống đèo, mọi người phải xuống xi-nhan cho các bác tài để tránh gặp rủi ro. Nhất là những lúc gặp xe đi ngược chiều, hai xe tránh nhau mà khoảng cách chỉ tính bằng centimet. Giữa một bên là vực, một bên là vách núi mà phía trước không nhìn thấy gì thì việc đi trong sương quả thực là nguy hiểm. Ở những đoạn đường “tắm” trong sương mù, đất cứ ướt và nhão ra, mặt cỏ ven đường cũng trơn tuột. Nhiều lúc dừng để tránh xe đi ngược chiều, xe phải táp vào lề toàn cỏ, đến khi xe chuyển bánh lại rơi vào tình trạng lốp xe bị trượt, không bám đường. Những tình huống như vậy đòi hỏi người lái xe phải xử lí một cách thật tỉnh táo, vừa khéo léo lại vừa cần dứt khoát. Cả Ranger và Navara đều dẫn động hai cầu, riêng Hilux là xe dẫn động cầu sau nên hơi khó cho chiếc xe của Toyota khi rơi vào tình huống xấu nói trên. Tất nhiên, chúng tôi đều biết mình cần phải làm gì để tiếp tục hành trình một cách an toàn.
Sau khi nghỉ trưa tại trung tâm huyện Yên Minh, chúng tôi tiếp tục lên đường khám phá cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là địa điểm vừa chính thức được UNESCO công nhận là công viên địa chất đầu tiên ở Đông Nam Á. Len lỏi giữa đá và đá là những con đường hiểm trở nhưng đẹp mê hồn. Nhiều khi một bên là núi đá, một bên là vực sâu lởm chởm, khó mà hình dung ra đấy lại là một con đường. Xuyên qua cao nguyên đá, thỉnh thoảng mới gặp một nóc nhà. Nhà cheo leo giữa vách núi, dựa vào núi và được bao quanh bởi những hàng rào đá xếp uốn lượn một cách khéo léo.
Thật ngạc nhiên là ở một nơi chỉ có đá và đá, khô cằn và cô quạnh, thế nhưng nhiều dân tộc thiểu số vẫn gắn mình với mảnh đất này. Người ta vẫn nhìn thấy sự sống qua những ngọn ngô xanh mướt, qua những ruộng cải chỉ vài m2 trồng xen với đá. Phải đến nơi cằn cỗi, thiếu đất và thiếu nước này mới thấy được hết sự khó khăn của đồng bào dân tộc vùng cao.
Rong ruổi theo những con đường lên tới tận đỉnh Lũng Cú – điểm cực Bắc của đất nước, chốc chốc lại bắt gặp một nhóm trẻ nô đùa. Có em nhoẻn miệng cười hở cả hàm răng sún gần hết, có em đứng nép bên vệ đường vẫy tay chào từ lúc thấy bóng xe đi đến cho tới khi khuất hẳn. Khuôn mặt nào cũng vậy, cứ đỏ ửng và căng lên vì lạnh. Trên những khuôn mặt ấy là những đôi mắt đen tròn đầy nghị lực. Với các em, việc cắp sách, cuốc bộ gần chục cây số đường núi đến trường là một cố gắng lớn mong thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
Đường lên Lũng Cú, xe lăn bánh qua đất của người Mông vùng cao với những cái tên như Sín Lì, Ma Lé, Lũng Táo – những cái tên mới nghe đã thấy xa xôi, heo hút. Đường ở đây hẹp, cua liên tiếp, nhiều đá dăm và rất trơn. Tuy nhiên, cả ba chiếc xe đều tỏ rõ ưu điểm của mình qua những đoạn đường khó. Nếu Hilux “háo hức” dẫn đường vượt từng khúc cua này đến khúc cua khác thì Ranger bền bỉ và lì lợm, theo sau nó là một Navara mạnh mẽ nhưng điềm tĩnh.
Đường cứ uốn quanh hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, khi lên thì như lên tới trời, khi xuống thì như xuống vực thẳm. Lái xe lúc này vần vô lăng không ngơi. Thi thoảng đoàn xe mới bắt gặp một bản làng, một cánh đồng hoa bạc hà dưới chân núi hay một vườn cải trổ hoa rộng mênh mông trải ra như thảm vàng dọc theo con đường. Đường khó đi thế nhưng cũng thơ mộng là thế.
Chúng tôi lên được đến cột cờ Lũng Cú thì trời cũng đã xế chiều. Những tia nắng hoàng hôn càng làm sắc cờ Tổ quốc thêm thắm đỏ. Cờ bay phần phật trong gió, người đứng dưới mà cảm thấy tự hào vì đang được có mặt ở vị trí thiêng liêng này.
Trở về thị trấn miền núi Đồng Văn nghỉ ngơi, chúng tôi dự định sáng ngày thứ ba sẽ vòng sang Mèo Vạc rồi mới quay lại thành phố Hà Giang với hành trình khoảng 150km. Ba chiếc pick-up lại được dịp thử sức mạnh và cả sức bền. Cõng cả người, cả đồ trên xe, “những chiến binh” lần lượt vượt đỉnh Mã Pì Lèng – con dốc cao hình sống mũi ngựa, vượt dốc chữ M lên xuống một cách lắt léo.
Quãng đường về, vẫn còn có quá nhiều điều gây ấn tượng trong tôi về vùng đất này. Hình ảnh sông Nho Quế vẫn xanh màu xanh muôn thưở, ẩn hiện trong mây. Hình ảnh một em bé dân tộc lấm lem, một tay cầm đèn pin, một tay cầm cuốc, đi ra từ mỏ quặng Mậu Duệ lộ thiên chứa antimon. Hình ảnh của núi non trùng điệp, kì vĩ đến lạ thường. Hình ảnh một anh chàng say rượu ngủ vắt vẻo trên lưng ngựa sau phiên chợ sáng… Tất cả cứ như trong một bức tranh mà ở đó vẻ đẹp của thiên nhiên và sự giản dị của con người quyện vào nhau.
Mất một ngày để đi từ Đồng Văn về tới Hà Giang, sáng ngày cuối cùng chúng tôi khởi hành về Tuyên Quang rồi đi theo đường 279 rẽ sang hướng Bắc Quang –Bảo Yên, sau đó dự định đi tiếp Mù Căng Chải để ngắm những công trình ruộng bậc thang nổi tiếng. Nhưng trời bắt đầu đổ mưa, đường 279 vì thế mà khó đi hơn rất nhiều, con đường này ngày nắng thì bụi mù mịt, đến khi mưa thì những chiếc xe lại đánh vật với bùn. Qua những đoạn toàn bùn đỏ đặc quánh, nhìn chiếc Navara leo qua những cái rãnh lớn mà lốp xe tải để lại, rồi chiếc Hilux khéo léo đi qua giữa vũng bùn, Ranger “nghếch” đầu gầm gừ qua một chiếc cầu tạm mới thấy sự thú vị của pick-up và offroad.
Tới Phố Ràng (Bảo Yên – Lào Cai) thì cũng đã quá trưa, sau khi nghỉ ngơi và bàn kế hoạch hành trình, mọi người quyết định quay về Hà Nội sớm hơn dự định. Thời tiết ngày càng xấu đã gây cản trở cho hành trình chinh phục núi đồi phía Bắc. Nhưng, từng đó cây số, từng đó kiểu đường cũng đủ để chúng tôi kịp nhận ra một Nissan Navara mạnh mẽ, một Toyota Hilux linh hoạt và một Ford Ranger bền bỉ.
Về Hà Nội, nhớ Hà Giang, nhớ quãng đường hơn 1200km, và nhớ cả những chiếc pick-up. Có lẽ, sẽ sớm thôi, chúng tôi lại lên đường.