Như các lĩnh vực khác trong công tác tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cũng cần được xã hội hóa để ngoài nguồn lực của Nhà nước, có thể khai thác và huy động được nhiều hơn nữa các nguồn lực cho việc “đưa luật vào cuộc sống”.
Công tác phổ biến pháp luật cần được xã hội hóa |
Kinh phí luôn là “cái khó”
Hàng năm, Nhà nước ban hành rất nhiều văn bản pháp luật, chưa kể đến các văn bản pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung, gây không ít khó khăn cho công tác PBGDPL, trong khi nguồn nhân lực và kinh phí có hạn, dẫn đến không thể phổ biến kịp thời các văn bản luật này đến cán bộ, nhân dân.
Bà Giàng Thị Bình (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) khẳng định, kinh phí chi cho công tác PBGDPL là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác PBGDPL trong các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và đoàn thể. Nhưng trong thời gian dài, cái khó của công tác PBGDPL vẫn là kinh phí bởi đây là hoạt động “dài hơi”, quy mô rộng, diễn ra thường xuyên, liên tục cho nhiều đối tượng.
Kinh phí để tổ chức các hoạt động PBGDPL đang được địa phương phân bổ theo khả năng nên có nơi đầu tư hàng tỷ đồng (như Vĩnh Phúc), nhưng đa số các địa phương chỉ bố trí vài trăm triệu đồng/năm. Việc “rót” kinh phí nhanh, chậm cũng tùy nơi khiến công tác PBGDPL luôn “khát” kinh phí.
Đó là “hậu quả” của việc chưa có quy định về mức chi, tỷ lệ % tối thiểu mà các địa phương phải chi cho công tác PBGDPL, cũng như chưa có lực lượng xã hội nào cùng Nhà nước “gánh” trách nhiệm PBGDPL trong khi tìm hiểu, phổ biến pháp luật là trách nhiệm chung của toàn xã hội và người dân.
Ông Phùng Đức Tiến (Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, “nếu xã hội hóa được công tác PBGDPL, vấn đề này sẽ được giải quyết, cán bộ, nhân dân sẽ được tiếp cận pháp luật dễ dàng và đồng bộ hơn, đồng thời chất lượng trong công tác tuyên truyền cũng được nâng cao hơn, truyền tải các văn bản chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, nhân dân một cách nhanh chóng”.
Vì thế, từ năm 2013 (Luật PBGDPL năm 2012 có hiệu lực), công tác PBGDPL cũng sẽ tham gia vào danh sách những hoạt động tư pháp khai thác các cơ hội và thế mạnh của chủ trương này trên chặng đường phát triển, phục vụ xã hội.
Tuy đánh giá cao nỗ lực đưa chủ trương xã hội hóa vào công tác PBGDPL nhưng Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) vẫn cảm thấy còn “thiếu một cái gì đó để bảo đảm có thể huy động được sức dân, huy động được tâm huyết của cộng đồng, huy động được tính sáng tạo trong việc thâm nhập vào các tầng lớp dân cư khác nhau, sử dụng các phương tiện, công cụ hiện đại phù hợp với lứa tuổi để tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở bất cứ mọi nơi, mọi lúc”.
Có thể đó là vì “xã hội hóa công tác PBGDPL trong đó có khen thưởng, nhưng không nói đến xử lý vi phạm, xử lý trách nhiệm các cơ quan, nòng cốt để làm công việc này”. Và cũng có thể vì thiếu những chính sách cụ thể cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi họ tham gia vào công tác PBGDPL vốn “không nhiều, thậm chí không hề có lợi nhuận, ngoài những giá trị tinh thần trước mắt”.
Nhắm cụ thể vào các mục tiêu
Theo ông Bùi Văn Xuyền (Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình), “Chúng ta nói một chiều, chỉ khen thưởng, không xử lý như vậy sẽ không thể đảm bảo tính khả thi, công bằng trong tổ chức thực hiện Luật, cũng như tính hiệu quả của chủ trương xã hội hóa trong công tác này”.
Do đó, xã hội hóa công tác PBGDPL phải “đi hai chiều thưởng – phạt”, cùng với việc cụ thể hóa những mục tiêu để nêu bật được vấn đề quan trọng của công tác này và sự cần thiết phải thực hiện xã hội hóa nhằm huy động sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn xã hội phục vụ công tác này, giảm bớt sự tham gia trực tiếp của cơ quan hành chính Nhà nước, cũng như tránh tình trạng hời hợt, thiếu chiều sâu trong công việc đáng lẽ xã hội có thể tự giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Bắt đầu từ mục tiêu bảo đảm kinh phí cho hoạt động PBGDPLt, việc thu hút các nguồn thu khác ngoài ngân sách Nhà nước, từ hoạt động xã hội hóa ở địa phương là rất quan trọng để đảm bảo các văn bản pháp luật sau khi được cơ quan có thẩm quyền ban hành đều được phổ biến rộng rãi đến các đối tượng áp dụng của văn bản, trước khi văn bản có hiệu lực thi hành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL. Kinh phí đầy đủ sẽ khắc phục tình trạng chỉ giới thiệu qua loa, chiếu lệ các văn bản pháp luật như một số địa phương, một số ngành hiện nay vẫn làm.
Không chỉ đóng góp tiền bạc, tổ chức các hoạt động PBGDPL, chủ trương xã hội hóa còn “nhắm” đến việc khai thác “chất xám” của nhiều đối tượng có trình độ trong xã hội tham gia tuyên truyền pháp luật cùng với đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật chuyên nghiệp.
Ông Phạm Đức Châu (Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Quảng Trị) quan niệm, phải xã hội hóa để “ai cũng có thể làm báo cáo viên được nếu người đó có năng lực, có đảm bảo tiêu chuẩn như quy định”. Điều đó có thể thực hiện thông qua những quy định rất đơn giản, tạo điều kiện cho những người có đủ trình độ, đủ bằng cấp, có khả năng tuyên truyền để đưa vào đội ngũ báo cáo viên (kiêm nhiệm hoặc chuyên trách).
Ngoài ra, ông Tiến thấy, xã hội hóa “không phải kêu gọi là thực hiện được mà đi cùng với nó là những chủ trương chính sách cụ thể”. Vấn đề này đang được xem xét để quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PBGDPL theo hướng quy định cụ thể doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước sẽ được gì, Nhà nước sẽ dành cho họ những ưu đãi như thế nào khi tham gia công tác PBGDPL, dần hình thành cơ chế để các lực lượng xã hội thấy được quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia PBGDPL vì mục tiêu phát triển chung của toàn cộng đồng.
Huy Anh