Lớp đào tạo gồm 30 học viên đến từ Học viện Tư pháp cả ba miền Bắc, Trung, Nam và các cán bộ đang làm công tác quản lý trong lĩnh vực THADS của Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp địa phương của Lào. Khóa đào tạo bắt đầu từ 28/7, kết thúc vào 24/10 với tổng số 455 tiết học.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh đây là khóa đào tạo đầu tiên trong số các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên của Học viện Tư pháp Lào, các chức danh tư pháp, cán bộ pháp luật và tư pháp công tác trong các lĩnh vực mà Bộ Tư pháp hai nước đã xác định. Việc triển khai khóa đào tạo này cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của Dự án đồng thời cũng là cơ hội để tổng kết, rút kinh nghiệm hoàn thiện phương thức, nội dung triển khai các khóa đào tạo tiếp theo.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại Lễ khai giảng |
Vui mừng nhận thấy Học viện Tư pháp Việt Nam, với tư cách là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án của phía Việt Nam, đã tích cực, chủ động, phối hợp có hiệu quả với các đơn vị liên quan thuộc Bộ để chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc triển khai lớp học, Thứ trưởng ghi nhận và biểu dương những kết quả bước đầu Học viện Tư pháp Việt Nam đã đạt được trong quá trình chuẩn bị cho khóa đào tạo. Để triển khai hiệu quả khóa đào tạo này và các khóa tiếp theo trong khuôn khổ Dự án, Thứ trưởng đề nghị Học viện Tư pháp Việt Nam cần tổ chức đào tạo theo đúng chương trình đã được phê duyệt, chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo chất lượng phiên dịch để có thể truyền tải đầy đủ, chính xác nội dung giảng dạy của các giảng viên cho học viên. Đặc biệt, cần lưu ý hoạt động biên dịch giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống sang tiếng Lào, đảm bảo cung cấp kịp thời các tài liệu liên quan đến khóa đào tạo cho tất cả các học viên.
Học viện cần thường xuyên rà soát, bảo đảm chất lượng phục vụ tại hội trường giảng dạy cũng như khu ký túc xá cho lưu học sinh theo đúng quy định; bổ sung tổ chức các hoạt động ngoại khóa để hỗ trợ, giúp đỡ lưu học sinh Lào trong quá trình học tập, sinh hoạt tại trường. Cùng với đó, cần tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý lưu học sinh; đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ khóa đào tạo, nhất là các hoạt động thực tế, thực tập ngoài Học viện. Đồng thời ghi nhận, xử lý hoặc kiến nghị, xin ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức khóa đào tạo.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục THADS, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan thuộc Bộ cần tích cực, chủ động phối hợp với Học viện Tư pháp trong quá trình tổ chức khóa đào tạo, kịp thời nắm bắt các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và tham mưu cho lãnh đạo Bộ các giải pháp, biện pháp giải quyết phù hợp, kịp thời. Thứ trưởng cũng trân trọng đề nghị Đại sứ quán Lào tại Việt Nam quan tâm phối hợp trong quá trình triển khai Dự án nói chung, tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ, công chức của Lào tại Việt Nam nói riêng, nhất là phối hợp trong việc quản lý học viên, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức các khóa đào tạo.
“Những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm các đồng chí được trang bị trong khóa đào tạo này không chỉ phục vụ trực tiếp công việc chuyên môn mà các đồng chí đang đảm nhiệm mà còn là kinh nghiệm để các đồng chí góp phần đổi mới hoạt động đào tạo nghiệp vụ thi hành án, nâng cao chất lượng công tác thi hành án tại CHDCND Lào, qua đó giúp đạt được mục tiêu của Dự án. Vì vậy, tôi mong muốn và tin tưởng các đồng chí sẽ nỗ lực hết mình, nghiêm túc chấp hành quy chế đào tạo của Học viện Tư pháp để hoàn thành các mục tiêu học tập của khóa đào tạo và sẽ ứng dụng một cách hiệu quả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm học hỏi được từ khóa đào tạo này trong tương lai”, Thứ trưởng lưu ý.
Có thể nói, việc thực hiện Dự án ODA “Hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào” nói chung và triển khai khóa đào tạo nghiệp vụ THADS cho giảng viên, cán bộ công tác trong lĩnh vực THADS của CHDCND Lào nói riêng là sự tiếp nối truyền thống quan hệ láng giềng hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Lào. Qua đó trực tiếp góp phần tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp Lào nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Cảm ơn những tình cảm tốt đẹp từ phía Bộ Tư pháp Việt Nam, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán CHDCND Lào Outhay Banavong khẳng định tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đây là khóa học đặc biệt thể hiện sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và được học viên đặt nhiều kỳ vọng. Để khóa học đạt hiệu quả và chất lượng tốt nhất, ông tin tưởng và hy vọng các học viên, giảng viên sẽ cùng nhau nỗ lực, trong đó chú trọng tới việc trao đổi, thảo luận, cố gắng khắc phục các vướng mắc do rào cản về ngôn ngữ để quá trình học tập được thuận lợi.
Ông Outhay Banavong, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán CHDCND Lào phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Đoàn cán bộ theo học lớp đào tạo đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ hai nước, đặc biệt là Bộ Tư pháp hai nước đã khi đã quan tâm, tạo điều kiện tổ chức khóa học này đồng thời khẳng định đây chính là cơ hội quý báu để các học viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Vì vậy, các học viên sẽ nghiêm túc học tập, tích cực rèn luyện về mọi mặt để đáp ứng các yêu cầu của khóa học, thông qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt – Lào.
Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên khẳng định Học viện sẽ tiếp tục nỗ lực, sát sao hơn nữa |
Nhận định việc tổ chức khóa đào tạo này có nhiều đặc thù, Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên khẳng định Học viện sẽ tiếp tục nỗ lực, sát sao hơn nữa để đảm bảo thành công của khóa học. Theo đó, Học viện sẽ nghiêm túc tiếp thu và thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và cam kết tập trung mọi nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để khóa học này cũng như các khóa học tiếp theo của Dự án được thành công.