Khách hàng sẽ được rót bao nhiêu rượu, bia để không bị say?

Khách hàng sẽ được rót bao nhiêu rượu, bia để không bị say?
(PLO) - Những nhà hàng thuộc mô hình “điểm uống rượu bia an toàn giao thông” sẽ được rót cho khách bao nhiêu rượu để họ không bị say? Nếu khách say, ai sẽ là người đưa về? 

Ý tưởng thành lập mô hình này có phải phục vụ cho lợi ích nhóm của một số doanh nghiệp kinh doanh bia- rượu? Xung quanh thắc mắc này, PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (Ủy ban).

Ông Thái cho biết, ý tưởng thành lập mô hình “điểm uống rượu- bia an toàn giao thông”, hiện Uỷ ban và Hiệp hội Bia rượu và nước giải khát (Hiệp hội) đang bàn thảo chứ chưa cụ thể (hai cơ quan này vừa có cuộc họp bàn vào ngày hôm qua- 11/12). Dự kiến giữa tháng 1/2015 sẽ triển khai thí điểm tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh.

Có gì khác biệt?
PV: Thưa ông, xuất phát từ nguyên nhân nào mà Ủy ban và Hiệp hội  có ý tưởng trên?
Ông Nguyễn Trọng Thái: Mục đích của ý tưởng trên là nhằm hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) do bia rượu gây ra. Bởi mỗi khi vào dịp Tết, các vụ TNGT liên tục xảy ra do nguyên nhân từ rượu- bia. Ngăn chặn tình trạng này thì việc đầu tiên là phải tuyên truyền cho người dân không lái xe khi đã uống rượu, bia.
Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hoạt động gồm hai nội dung chính: tuyên truyền, vận động và kiểm tra, xử phạt; trong đó việc tuyên truyền là trọng tâm. Thông điệp được đưa ra là: “Tính mạng con người là trên hết” và “Đã uống rượu- bia thì không lái xe”.
Ngoài tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, qua các đoàn thể, Ủy ban cũng phối hợp với Hiệp hội tổ chức một số hoạt động, trước hết là việc ký kết một chương trình phối hợp để ngăn chặn người uống rượu -bia điều khiển xe. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ chủ trì tổ chức một hội thảo về trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu - bia với vấn đề an toàn giao thông; xây dựng mô hình “Điểm uống rượu bia an toàn giao thông”.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về mô hình này? So với các điểm kinh daonh khác thì “điểm uống rượu bia an toàn giao thông” có những điểm gì khác nhau?
Ông Nguyễn Trọng Thái: Thông điệp của chúng tôi là "đã uống rượu-bia thì không lái xe"
Ông Nguyễn Trọng Thái: Thông điệp của chúng tôi là "đã uống rượu-bia thì không lái xe"
Ông Nguyễn Trọng Thái: Mô hình này thực ra là kinh nghiệm của một số nước trên thế giới đã triển khai, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Úc….Việc tuyên truyền thông qua áp-phíc, băng rôn hoặc khẩu hiệu, tờ rơi… để người dân biết tác hại của việc uống bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông.
Hiện tại, Ủy ban và Hiệp hội mới nhất trí đưa ra kế hoạch này, nội dung triển khai cụ thể ra sao, trách nhiệm như thế nào chúng tôi vẫn đang phải bàn tiếp. Còn việc lựa chọn nhà hàng nào đưa vào thí điểm thực hiện thì sẽ do bên Hiệp hội chủ động liên hệ, tìm kiếm và vận động các nhà hàng tham gia. Việc làm này là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.
Điểm khác nhau dễ nhận thấy nhất là tại điểm uống rượu bia an toàn giao thông sẽ có tuyên truyền, nhắc nhở người uống. Chẳng hạn như trước đây, việc dán một áp phích hay khẩu hiệu tuyên truyền về tác hại của rượu-  bia thì nhiều nhà hàng không đồng ý. Nhưng khi tham gia mô hình này, các điểm kinh doanh sẽ có những thông điệp để gửi tới khách hàng qua những khẩu hiệu được dán trong quán hay trên bàn ăn.
Điểm khác thứ hai là nhân viên nhà hàng sẽ có hướng dẫn cho khách  cách xử trí an toàn nếu chẳng may họ bị say. Ngoài ra, điểm kinh doanh này cũng bố trí nơi trông xe cho khách để khách đi taxi hoặc nhờ người nhà, bạn bè đưa về.
Khách phải tự bảo quản tài sản để trong xe
PV: Vậy có quy định cho các nhà hàng thuộc mô hình này được bán cho khách bao nhiêu rượu- bia để họ không bị say?
Ông Nguyễn Trọng Thái: Không đặt ra cụ thể việc nhà hàng được bán bao nhiêu cho khách. Mục đích chính của chúng tôi vẫn là tuyên truyền, vận động người dân khi đã uống rượu- bia thì không lái xe. Bởi hiện nay pháp luật không cấm việc uống rượu-bia mà chỉ cấm điều khiển xe khi đã uống rượu- bia.
Trường hợp nhân viên nhà hàng nếu thấy khách đã có biểu hiện say thì một mặt không được rót thêm rượu cho khách, mặt khác phải ngăn chặn không cho họ tự điều khiển xe về nhà. Lúc này nhà hàng có thể kết nối với một hãng taxi tin cậy để đưa khách về.
PV: Trường hợp đưa người say rượu về nhà thì sẽ do nhân viên nhà hàng đảm trách hay phối hợp cùng với lực lượng của cơ quan chức năng, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Thái: Trước mắt sẽ là lực lượng của nhà hàng. Có thể nhà hàng kết nối với một số hãng taxi hoặc đội ngũ xe ôm có uy tín, cũng có thể nhân viên nhà hàng sẽ đưa khách về (với điều kiện nhân viên này phải có giấy phép lái xe, có độ tin cậy…).
PV: Nếu vì quá say, khách hàng sẽ không làm chủ được hành vi, lúc đó họ sẽ có hành động chống đối. Vậy trong trường hợp này, nhà hàng sẽ xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Thái: Nếu khách đã không muốn nhân viên nhà hàng hoặc taxi đưa về thì nhà hàng cũng không thể ép họ được. Nhưng bằng mọi cách, có thể thuyết phục bạn bè (đi cùng) đưa họ về hoặc gọi điện cho người thân của họ đến đón, mục đích là làm sao để khách không tự điều khiển xe khi đã say rượu.
PV: Thưa ông, sẽ giải quyết thế nào nếu tài sản của khách để trong xe bị mất sau khi họ bị say rượu và phải gửi xe lại nhà hàng?
Ông Nguyễn Trọng Thái: Việc gửi, giữ (xe hoặc tài sản) tại nhà hàng không ép buộc bất kỳ ai mà chủ yếu là vận động. Đặt ra giả thiết, nếu mình vẫn để cho khách điều khiển xe sau khi đã uống rượu, bia mà chẳng may họ mà gây tai nạn chết người thì thử hỏi lúc đấy họ mất cái gì lớn hơn: tài sản hay mạng người?
Trường hợp “anh” có tài sản quý để trong xe thì anh phải mang đi chứ? giống như khi anh đưa xe vào quán bảo dưỡng hoặc sửa chữa, nếu có đồ đạc quý thì anh phải cất đi, sao lại nói rằng tôi bị mất tiền hoặc tài sản được? trách nhiệm này là của bản thân anh. Theo tôi, không nên chỉ nhìn vào một trường hợp quá cá biệt mà phải nhìn tổng thể, nhìn vào cái chung nhất để bảo đảm tính mạng và sức khỏe cho người dân.
Có lợi cho Hiệp hội Bia-rượu?
PV: Thưa ông, xung quanh ý tưởng trên, một vài ý kiến cho rằng, nếu triển khai mô hình này vào thực tế sẽ chỉ có lợi cho Hiệp hội. Bởi khi bước chân vào các điểm kinh doanh rượu- bia, khách hàng sẽ có tâm lý uống thoải mái, không cần kiềm chế, vì nếu có say cũng đã có người đưa về? Ông đánh giá thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Thái: Chúng ta đang nói về chuyện uống, vậy thì người Việt Nam phải có sự thay đổi về văn hóa uống. Phải uống có trách nhiệm, uống có kế hoạch.
Như tôi đã nói, pháp luật không cấm uống rượu –bia, nhưng uống như thế nào để không hại sức khỏe, uống vẫn vui và an toàn cho chính người uống và những người tham gia giao thông khác mới là điều suy nghĩ.
 Chúng tôi không bao giờ nói rằng “anh cứ uống say đi, sẽ có người đưa về”. Đấy là cách nói của mọi người, còn chúng tôi vẫn luôn đưa ra thông điệp: “đã uống rượu -bia thì không lái xe”.
 Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.