Khi đã trải qua nhiều cám dỗ, vinh quang, nhiều được mất, người ta thường trở nên “chín muồi” hơn. Không xa lánh tất cả, không ở ẩn hay tạo nên một sự “huyền bí” nào đó cho cuộc sống của mình, Jimmii Nguyễn chọn cho mình một cuộc sống đúng nghĩa của sự giản dị: không ôm đồm danh tiếng, lặng lẽ hát và viết nhạc, lặng lẽ cúi xuống thật gần lắng nghe những số phận quanh mình, nhất là trong những chuyến đi từ thiện của anh, như một cách tri ân với đời.
|
Jimmii Nguyễn |
Dù biết anh hiện đang là chủ bút của một ấn phẩm báo chí, nhưng tôi không vội hỏi Nguyễn công việc hiện tại. Bởi vì gần hai mươi năm trước, khi thế hệ chúng tôi mới còn là cô bé cậu bé học cấp 1, cấp 2, đã quá quen với những băng đĩa có những bài hát của chính anh sáng tác. Và cái tên Jimmii Nguyễn cũng không hề xa lạ gì với người nghe nhạc khi đó.
Biết tới anh, dù cho Nguyễn có làm nghề gì, cũng không thể nào xóa nhòa hình ảnh và giọng hát của một ca sĩ, một nhạc sĩ. Độc đáo hơn cả là anh tự sáng tác và hát ca khúc của mình rồi thành lập Jimmii Band, một ban nhạc Pop Rock của riêng mình.
Bằng ấy năm, không khi nào Jimmii Nguyễn hát nhạc của người khác. Jimmii Nguyễn lý giải thế này: “Không có lí do gì khi mình chưa yêu hết lòng đứa con mình sinh ra lại đã đi yêu con của người khác”. Tính cách biểu diễn này của anh, không phải ca sĩ hay nhạc sĩ nào cũng có được. Cái độc đáo có vẻ như lập dị mà người đời thường ngộ nhận ấy đã tạo nên một hình ảnh Jimmii Nguyễn trong suốt bằng ấy năm tháng, không hề phai mờ.
Khi trở về Việt Nam biểu diễn năm 1996, trước khán giả, anh cảm thấy e ngại vì giọng hát của mình có vẻ như còn ngọng nghịu. Thế nhưng, chính cái tình thổi vào trong từng bài hát viết lên, đã trở thành một sự mê hoặc đối với khán giả trong nước khi ấy.
Jimmii Nguyễn có cái tự hào của một nghệ sĩ đã chứng minh được việc mình làm với công chúng, với gia đình mình, những người anh yêu thương. Niềm tự hào ấy, dường như anh không giấu được. Năm 1996, Jimmii Nguyễn là ca sĩ Việt Nam đầu tiên ở hải ngoại được nhà nước mời về biểu diễn. Khác với những nghệ sĩ hải ngoại khác, lời mời như một dòng nước ngọt ngào của quê hương đánh thức bản thể của một người Việt Nam trong anh.
“Khi tôi ở Mỹ, tôi đi ra đường, không ai nghĩ tôi là người Mỹ hoặc người Việt Nam đúng nghĩa. Thế nhưng, trở về Việt Nam, được sống và làm việc, được đi biểu diễn cho khán giả nghe, bước chân ra đường, bất luận là như thế nào, tôi vẫn rất tự hào vì mình là một người Việt Nam… danh chính ngôn thuận. Tôi hãnh diện với tên họ của mình là Nguyễn nên tôi muốn được mọi người gọi là Nguyễn”.
Nhưng cũng chính vì điều này, mà sau đó ở Mỹ, Jimmii Nguyễn bị tẩy chay một cách khốc liệt. “Sau chuyến về Việt Nam biểu diễn đó, tôi bị tẩy chay. Nhiều album, băng rôn và hình ảnh của tôi trong các chương trình bị hạ xuống. Nhưng tôi không lấy đó làm buồn”.
Anh kể, thời điểm những năm 1996, 1997… là thời kì hoàng kim của anh khi về nước biểu diễn. Đến nỗi sự yêu thương của người hâm mộ quá mức khiến anh phải cảnh giác. Người nghe nhạc khi đó và bây giờ, yêu thích âm nhạc của Jimmii Nguyễn cũng là bởi cái tình. Cái tình trong âm nhạc của anh không gì khác, chính là nỗi đau, sự ám ảnh. “Tôi có em gái và vợ chưa cưới mất sớm, tôi bị ám ảnh về điều đó. Chính vì thế, mà nghe nhạc tôi, thường thấy sự vây kín của những nỗi buồn”.
Nhiều ca khúc của anh, như Người nói, Mãi mãi bên em, Hỏi đá buồn không, Vắng em v.v…, đều vương mang sự u uẩn và day dứt, tiếc nuối. Thậm chí đến ca khúc có ca từ vui nhộn như Thằng tàu lai mà anh đặt lời Việt cũng vẫn còn dư ba của giai điệu buồn ở đôi chỗ. Nỗi buồn trong những sáng tác của Nguyễn không “sến”, nó mang dáng dấp của một Jimmii Nguyễn riêng biệt, không ai bắt chước được, không ai hát theo được, trừ chính bản thân anh.
Tính đến thời điểm năm 1996, Jimmii Nguyễn đã sáng tác hơn 100 ca khúc và hầu hết đều được công chúng biết đến. Nhưng cho đến giờ, anh vẫn chưa hề xuất đầu lộ diện một album nào ở Việt Nam. Thành công như vậy, nhưng Jimmii Nguyễn lại chọn sự im lặng trên lộ trình của mình. “Tôi sợ sự lặp lại. Tôi ở ẩn bằng ấy năm cũng vì nghĩ mình phải làm được cái gì mới mẻ hơn nữa mới xuất hiện”.
Không hiểu được và rất khó lí giải vì sao, đùng một cái, ca sĩ nổi danh một thời Jimmii Nguyễn lại tham gia vào con đường đầy cam go: báo chí. Năm 2009, anh hoàn toàn lãnh trách nhiệm từ việc đầu tư lẫn cải tổ, hoạt động bộ máy ấn phẩm Thế Giới Đàn Ông. Một công việc báo chí phức tạp, nan giải. Nhưng Jimmii Nguyễn lại không hề tỏ ra lúng túng, anh làm công việc này nhuần nhụy, giống như anh viết một ca khúc vậy. Thật ngạc nhiên khi Jimmii Nguyễn quan niệm làm báo cũng là một công việc liên quan tới nghệ thuật. Hơn nữa, Jimmii Nguyễn cho rằng: “Tôi làm Thế Giới Đàn Ông không chỉ đánh vào việc giải trí đối với bạn đọc mà còn đem lại cho họ sự chiêm nghiệm khi đọc ấn phẩm này. Vì nếu chỉ dừng lại ở việc giải trí không thôi, thì họ có thể lên mạng để tìm kiếm chứ không cần phải mất tiền mua sản phẩm của chúng tôi làm gì”.
Jimmii Nguyễn có cái hồn nhiên của một đứa trẻ nhỏ khi lẫm chẫm những bước đi đầu tiên vào cuộc sống. Đến với nghề báo, anh cũng hồn nhiên như vậy. Anh hồn nhiên tự chịu trách nhiệm, tự đứng trang cho những bài đinh trên chính ấn phẩm của mình. Chuyên trang talkshow, đối thoại với những nhân vật thành đạt, tiếng tăm trên nhiều lĩnh vực. Tôi đã đọc những bài báo dài và kỳ công anh đối thoại cùng với nhạc sĩ Trần Tiến, trung tướng nhà văn Hữu Ước, tổng biên tập báo An ninh thế giới… Những nhân vật kỳ cựu ấy, Jimmii Nguyễn đem tấm lòng thành thật và hồn nhiên của mình, đến với họ, nói chuyện đời, chuyện việc một cách tự nhiên và trôi chảy, không mặc cả, không câu nệ.
Lê Nguyệt Minh