Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 9/10 thông báo Iran bắt đầu sản xuất uranium làm giàu gây tranh cãi lên tới 20% tại nhà máy làm giàu nhiên liệu Fordo nằm dưới một ngọn núi và khó bị tấn công.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang thăm khu làm giàu uranium Natanz hôm 8/4/2008. |
“IAEA có thể xác định rằng Iran đã bắt đầu sản xuất uranium làm giàu tới 20% (…) tại khu làm giàu Fordo”, cơ quan này cho biết trong một thông cáo báo chí. Hiện mọi nhiên liệu hạt nhân trong cơ sở này vẫn đang nằm dưới sự giám sát của IAEA. Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên tại Vienna cho rằng, động thái khiêu khích mới nhất này của Iran chỉ làm gia tăng lo ngại trong cộng đồng quốc tế.
Uranium làm giàu dưới 20% chỉ được sử dụng với mục đích dân sự, nhưng nếu việc làm giàu được đẩy lên hơn 90%, nó có thể phục vụ việc sản xuất vũ khí nguyên tử. Từ nhiều năm nay, vấn đề làm giàu uranium là trung tâm của những căng thẳng giữa Iran và cộng đồng quốc tế.
Cộng đồng quốc tế lo ngại chương trình hạt nhân của Iran có mục đích quân sự, trong khi Tehran thì nhiều lần phủ nhận điều này. “Mọi hoạt động hạt nhân, đặc biệt là làm giàu uranium tại Natanz và Fordo, đều bị IAEA giám sát”, đại diện của Iran tại IAEA Ali Asghar Soltanieh khẳng định trên kênh truyền hình Iran bằng tiếng Ả rập Al-Alam.
Hồi cuối tuần trước, người đứng đầu Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran Fereydoun Abbassi Davani đã thông báo về việc khánh thành nhà máy Fordo nằm cách Tehran 150 km về phía Tây Nam và có thể chứa tới 3.000 máy quay li tâm. Iran hiện đã có 8.000 máy quay li tâm ở khu Natanz.
“Khu làm giàu Fordo sẽ được khánh thành tới đây và chúng tôi có khả năng tiến hành làm giàu uranium tại đây tới 20%, 3,5% và 4%”, ông Fereydoun Abbassi Davani tuyên bố, đồng thời cho biết rõ “khu Fordo, cũng như khu Natanz, đã được thiết kế để mà kẻ thù không thể phá hủy được”.
Đại diện của Iran tại IAEA, ông Ali Asghar Soltanieh. |
Trước thông tin về việc Iran đang làm giàu uranium tới mức 20%, các nước phương Tây đã có những phản ứng gay gắt. Hôm 9/1, Mỹ tố cáo “một cuộc leo thang mới” của Iran. “Nếu như người Iran đang làm giàu (uranium) tại Fordo đến 20%, thì đó là một cuộc leo thang mới, vi phạm nghĩa vụ của họ về hạt nhân”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố.
Phát ngôn viên của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle thì nói: “Theo ông Westerwelle, việc bắt đầu làm giàu uranium đến 20% tại nhà máy hạt nhân ngầm Fordo là một bước thêm vào cuộc leo thang”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Anh William Hague tỏ ra “cực kỳ thất vọng” về quyết định của Tehran. “Đúng lúc mà cộng đồng quốc tế đề nghị Iran cung cấp những đảm bảo về mục đích hòa bình của chương trình hạt nhân, thì đó là một hành động khiêu khích làm lung lay những khẳng định của Iran theo đó chương trình của nước này hoàn toàn mang mục đích dân sự”, ông Hague tuyên bố.
Ngoại trưởng Pháp cũng lên án gay gắt việc tiến hành các hoạt động làm giàu uranium và cho rằng đây là sự “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” luật pháp quốc tế.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã từng bỏ phiếu 6 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết về trừng phạt, để buộc Iran dừng việc làm giàu uranium. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã nhiều lần tỏ ra hoài nghi về các cuộc không kích có thể có nhắm vào Iran.
Nhưng đầu tháng 12 vừa qua, lần đầu tiên ông gợi ý rằng các cơ sở hạt nhân ngầm có thể chống cự được những cuộc tấn công như vậy, trong khi ám chỉ tới Fordo. Hôm 8/1 vừa qua, ông Panetta khẳng định, Iran không chế tạo vũ khí nguyên tử. “Có phải họ đang phát triển vũ khí hạt nhân không? Không. Nhưng chúng tôi biết rằng họ có ý định phát triển khả năng hạt nhân và điều đó khiến chúng tôi quan tâm”, ông nói.
Trái ngược với các nước phương Tây, Nga và Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt mới chống Iran. Iran đã tuyên bố sẵn sàng nối lại các vòng đàm phán hạt nhân với các cường quốc thuộc nhóm 5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Anh và Đức). Tuy nhiên, Ngoại trưởng Liên minh châu Âu Catherine Ashton tuyên bố bà vẫn đang chờ một thư viết của Cộng hòa Hồi giáo.
Quang Minh (theo AFP, BBC)