Khu vực đồng euro hôm 1/11 lại rơi vào tình trạng bất ổn sau khi Hy Lạp bất ngờ thông báo tổ chức trưng cầu dân ý – một động thái được cho là đe dọa đến sự sống còn của Chính phủ Hy Lạp và kế hoạch cứu trợ mà các đối tác châu Âu của Athens đã đạt được hôm thứ Năm tuần trước.
Người biểu tình Hy Lạp giương cờ ghi dòng chữ “Không có gì để bán” tại Athens. Ảnh: AFP
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou sáng qua nhận được sự ủng hộ của nội các về đề xuất tiến hành cuộc trưng cầu ý dân đối với thỏa thuận cứu trợ tài chính mới của châu Âu dành cho nước này. Tại cuộc họp bất thường trong đêm ngày 1 rạng ngày 2/11, nội các Hy Lạp đã nhất trí thông qua việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân và quyết định của Thủ tướng về việc yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào 4/11, phát ngôn viên của Chính phủ Elias Mossialos cho biết. Theo thông báo của Chính phủ Hy Lạp, Thủ tướng Georges Papandreou đã tuyên bố: “Cuộc trưng cầu ý dân sẽ là một sự ủy thác rõ ràng, đồng thời là thông điệp rõ ràng cho cả bên trong và bên ngoài Hy Lạp về kế hoạch của châu Âu cũng như tư cách thành viên Khu vực đồng euro. Cuộc trưng cầu ý dân sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất, ngay sau khi các điểm cơ bản của thỏa thuận cứu trợ được hoàn tất”.
Tuy nhiên, đề xuất của Thủ tướng Georges Papandreou về việc tổ chức trưng cầu ý dân cũng như cuộc bỏ phiếu tín hiệm tại Quốc hội không nhận được sự ủng hộ từ các đảng phái đối lập trong Quốc hội. Một số nghị sĩ kêu gọi ông Papandreou từ chức vì cho rằng quyết định của ông càng đẩy Hy Lạp đến bờ vực phá sản.
Sự phản đối này có thể ảnh hưởng tới khả năng hiện thực hóa cuộc trưng cầu, bởi theo Hiến pháp Hy Lạp, để thông qua việc tổ chức trưng cầu ý dân cần phải có sự ủng hộ của 180 trên tổng số 300 nghị sĩ Quốc hội. Trong khi đó, đảng Xã hội cầm quyền (PASOK) chỉ có 153 ghế trong Quốc hội và cần giành thêm sự ủng hộ của phe đối lập.
Thông báo về việc tổ chức trưng cầu dân ý của Hy Lạp đã tạo nên một cơn “địa chấn ở khu vực đồng euro, theo báo chí phương Tây, khiến châu Âu và thế giới hết sức ngỡ ngàng, thậm chí nhiều đối tác của Athens còn tỏ ra phẫn nộ trong phản ứng của mình. Châu Âu cho rằng một từ “không” của các cử tri Hy Lạp có thể là một sự báo hiệu cho sự phá sản của nước này mà tình trạng đó lại đe dọa tới sự tồn tại của khu vực đồng euro.
Bất chấp thông báo về việc tổ chức trưng cầu ý dân từ phía Hy Lạp, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 1/11 vẫn tuyên bố “quyết định” bắt buộc áp dụng kế hoạch cứu trợ cho nước này.
Giới kinh doanh cũng cho rằng thái độ “tiêu cực” của người dân Hy Lạp đối với thoả thuận cứu trợ mới của Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến việc giải ngân, được dự kiến vào giữa tháng 11 này, khoản cứu trợ thứ sáu trị giá 8 tỷ euro trong gói cứu trợ 110 tỷ euro dành cho Athens, được EU/IMF nhất trí hồi năm ngoái, bị bỏ ngỏ.
Và hôm qua, một hội nghị khẩn cấp về phương thức đối phó với cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã được tổ chức tại thành phố Cannes, Pháp với sự tham dự của tân Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarder. Thủ tướng Hy Lạp cũng đã tới đây để gặp gỡ và thảo luận với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Theo thỏa thuận của châu Âu đạt được hôm 27/10, các ngân hàng tín dụng đang nắm giữ nợ của Hy Lạp sẽ chấp nhận xóa 50% số nợ của nước này, trong khi đó một cơ chế mới nhằm tăng quỹ cứu trợ châu Âu lên khoảng 1.000 tỉ euro (1,4 tỉ USD) và các ngân hàng cũng phải tăng thêm vốn để tự bảo vệ mình trước các khoản lỗ từ các vụ phá sản của chính phủ trong tương lai.
Thủ tướng Papandreou chịu nhiều sức ép do chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ không được lòng dân của chính phủ đang thổi bùng làn sóng biểu tình phản đối trong nước.
Phúc Lợi (theo AFP, BBC)