Mặc dù đã chết được hơn 3 năm nhưng Sergey Magnitsky vẫn bị đưa ra xét xử vào tháng 3/2013 trong sự tranh cãi vẫn chưa chấm dứt từ nhiều năm nay giữa một bên là các cơ quan thực thi pháp luật Nga và các luật sư cùng gia đình của ông. Thậm chí sự việc đã bị “quốc tế hóa” thành một cuộc so găng về luật pháp giữa Nga với Mỹ và sắp tới là Liên minh châu Âu.
Di ảnh luật sư S. Magnitsky |
Tại tòa, nhân chứng phát biểu đầu tiên trong số 39 nhân chứng mà phía công tố lên danh sách triệu tập là Cơ quan Thuế vụ Quốc gia Nga. Vì gia đình Magnitsky không tham gia nên tòa đã chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo đã chết.
Nhân chứng thứ hai khai trước tòa là Sergey Panomaryev, một đồng nghiệp của Magnitsky đồng thời là chủ Công ty tư vấn luật Firestone Duncan - một liên doanh Nga - Mỹ ra đời từ năm 1993. Panomaryev tuyên bố Magnitsky đã sử dụng xảo thuật lấy tiền hoàn thuế mà chính ông ta “vẽ” ra nhưng bị Magnitsky từng coi là bất hợp pháp và phản đối. “Tôi rất ngạc nhiên là ban đầu Magnitsky phản đối nhưng sau đó ông ta lại sử dụng nó”, Ponomaryev nói.
Phiên tòa xét xử Magnitsky, một người đã chết dường như là đỉnh điểm của cả một vụ án kéo dài đã 6 năm, gây ồn ào cả trong dư luận Nga lẫn quốc tế.
Sự việc bắt đầu “nóng lên” khi tháng 6/2008 Bộ Nội vụ Nga khởi tố Viktor Markelov – đang là tổng giám đốc của Parferion, một trong các công ty con mà Hermitage Capital Manegement của Anh có góp vốn - trên cơ sở các khiếu nại của các chủ nhân mới của công ty này. Trong quá trình điều tra, đã phát hiện không chỉ Markelov mà cả Vyacheslav Khlebnikov – tổng giám đốc nhà xuất bản Machaon, Kurochkin, tổng giám đốc Realland, những công ty khác mà Hermitage nắm giữ cổ phần, đều dùng cùng một thủ đoạn để rút ruột tiền nhà nước.
Ngược lại, quỹ đầu tư Hermitage Capital – một trong những quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga cho rằng đã xảy ra một vụ maphia Nga cướp đoạt 3 công ty mà Hermitage có cổ phần là Parferion, Machaon và Realland rồi sau đó những người chủ mới của nhóm các công ty này, với sự thông đồng của các quan chức thuế vụ Nga, đã bày trò lừa đảo hoàn thuế để ăn cắp của ngân sách hàng trăm triệu đôla.
Theo Hermitage, tháng 6/2007 cảnh sát Moscow đã tiến hành lục soát văn phòng của họ và lấy đi toàn bộ hồ sơ chính của công ty. Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn gian dối, chỉ trong vài tháng 3 công ty này đã qua mặt Hermitage “thay tên đổi chủ” trên giấy tờ đăng ký kinh doanh và thực hiện việc ăn cắp tiền nhà nước.
Bắt đầu từ đây, cơ quan điều tra Nga hướng mũi dùi vào luật sư Sergei Magnitky. Sự bất đồng giữa cơ quan điều tra Nga với Hermitage nằm ở việc xác định vai trò của Sergei Magnitsky. Theo Hermitage, viên luật sư này, với tư cách là đại diện cho Hermitage Capital Management, đã phát hiện ra điều mà ông mô tả là một mạng lưới tham nhũng liên quan tới các quan chức thuế của Nga, trong đó có cả vụ được cho là đánh cắp hơn 200 triệu đô la của 3 công ty Parferion, Machaon và Realland từ ngân sách nhà nước.
Sau khi báo cáo cho giới chức, ông Magnitsky đã bị bắt giữ với lý do bị nghi hỗ trợ lách luật để trốn thuế. Ngược lại, Cơ quan điều tra Nga thì cho rằng ông Magnitsky cùng với các nhân vật khác “vẽ đường” cho các công ty nói trên gây thiệt hại cho nhà nước.
Kết luận điều tra cho khẳng nhóm Markelov - Khlebnikov – Magnitsky đã “vẽ” ra những hợp đồng ghi thời gian vào khoảng những năm 2005-2006, theo đó nhóm các công ty Parferion, Machaon và Realland đã mắc nợ các đối tác thứ 3 những khoản tiền lớn do không thể thực hiện các thương vụ mua bán cổ phiếu của tập đoàn dầu khí nhà nước Gasprom.
Dùng các hợp đồng và chứng từ giả, áp dụng điều 176 của Bộ luật thuế của Nga, nhóm 3 công ty nói trên đã khai lỗ và xin được cơ quan thuế “trả lại” những khoản tiền thuế đã nộp lố vào năm tài chính trước lên tới 5,4 tỷ rúp (khoảng 230 triệu USD).
Trước Giáng sinh năm 2007, Olga Stepanova và Elena Khimina - lãnh đạo các cục thuế số 25 và 28 của Moscow - đã ký lệnh hoàn thuế lớn nhất trong lịch sử nước Nga trả cho nhóm 3 công ty nói trên.
Sau này Heritage nói rằng họ bất ngờ về những việc làm trên và yêu cầu Magnisky vào cuộc làm sáng tỏ sự việc. Kết quả cho thấy có nhiều nghi vấn, chẳng hạn lệnh hoàn thuế được ký chỉ 3 ngaỳ sau khi hồ sơ xin hoàn thuế được nộp, tiền hoàn thuế được chuyển vào một ngân hàng tiết kiệm nhỏ của Nga mà chủ nhân Dmitry Kluyev của nó là một tội phạm hình sự từng bị kết án, sau đó rời nước Nga thông qua ngân hàng Raiffeisen có trụ ở tại Áo rồi đi qua các ngân hàng khác như Citibank hay JPMorgan Chase.
Vụ án vỡ lở, trong các năm 2010 và 2011, tòa án Nga đã lần lượt xét xử Markelov và Khlebnikov mỗi người 5 năm tù giam, một số người khác trong vụ án đã chết nên không bị đưa ra xét xử trừ trường hợp của Magnitsky.
Bị bắt vì tội trốn thuế, ông Magnitsky chết trong tù ở tuổi 37, sau khi bị giam gần một năm và ông nói ông không được chăm sóc sức khỏe. Vào năm 2011, một cuộc điều tra của Hội đồng Nhân quyền của nguyên Tổng thống Nga Dmitri Medvedev khám phá ra ông Magnitsky bị viêm lá lách, “hoàn toàn không được chăm sóc sức khỏe” trước khi chết.
Hội đồng nói thêm là “có lý do để nghi ngờ” cái chết của ông Magnitsky là do bị đánh đập. Tuy nhiên một phúc trình của ông William Browder, sáng lập viên của Hermitage Capital Management, được công bố năm ngoái cho biết là ông Magnitsky chết khoảng một giờ sau khi bị bảo vệ nhà tù đánh đập. Sau đó, tòa án Nga đã tha bổng một bác sỹ của nhà tù, người bị cáo buộc là đã phạm lỗi cẩu thả trong cái chết của ông Magnitsky.
Mới đây nhất, hôm 17./3 Ủy ban Điều tra Nga cho biết họ đã chấm dứt điều tra về cái chết của ông Magnitsky vì không tìm thấy bằng chứng ông là đối tượng của “những điều kiện đặc biệt” hay là bị “hành hạ về thể xác hoặc bị tra tấn” trong tù. Ủy ban nói ông chết vì đau tim.
Cái chết cua Magnitsky dẫn tới cuộc chiến pháp lý Nga - Mỹ, cả trên vấn đề nhận con nuôi |
Vụ án Magnitsky đã gây ra mâu thuẫn giữa Nga và Hoa Kỳ. Quan chức quản lý quỹ, Bill Browder, một nhà đầu tư lớn tại Nga nhưng sinh ra tại Mỹ và hiện đang điều hành Hermitage Capital, đã có các nỗ lực tại Hoa Kỳ nhằm gây áp lực lên Nga trong vụ Magnitsky.
Ngày 14/12/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành "Đạo luật Magnitsky", gồm nội dung công nhận việc bình thường hóa quan hệ thương mại với Nga song đi kèm các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số cá nhân ở Nga mà Mỹ cho là "vi phạm nhân quyền".
Đạo luật trên ủng hộ thiết lập một quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Nga, tuy nhiên, luật này đã khiến Mátxcơva tức giận vì đi kèm với nó là những biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, do liên quan tới cái chết cách đây 3 năm của luật sư nước này là Sergei Magnitsky. Các biện pháp bao gồm cấm quan chức Nga liên quan tới Mỹ và phong tỏa mọi tài sản của họ tại Mỹ.
Nhằm đáp trả lại quyết định này, cùng ngày, Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua trong phiên đầu tiên xem xét một dự luật tương tự áp đặt trừng phạt đối với một số quan chức Mỹ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, liên quan tới cái chết của một cậu bé 2 tuổi người Nga. Theo "Dự luật Dima Yakovlev", các quan chức Mỹ liên quan này sẽ bị cấm tới Nga và bị phong tỏa toàn bộ tài sản tại nước này.
Trước khi xét xử S. Magnitky được mở ra, Tòa án Nga tuyên bố gia đình của người đã khuất có quyền và có nhu cầu phục hồi uy tín cho thân nhân của họ bằng một phiên tòa, tuy nhiên trong vụ án này mẹ của Magnitsky cùng luật sư của bà đã chống lại vụ án từ ban đầu, và từ chối xuất hiện tại phiên tòa sơ bộ vào tháng 1, buộc tòa án Moscow phải chỉ định một luật sư biện hộ.
Vũ Oanh