Thực tế, với người Việt, không chỉ cây gạo, cây đa mà bất cứ cây cổ thụ nào, càng lâu năm, càng to, bề thế càng được huyền thoại hoá thêu dệt biết bao chuyện lạ, ly kỳ, rất gây tò mò…
Những cây gạo gắn với số phận các nàng công chúa
Đến với đền Mõ xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, người ta thấy cây gạo được trồng trong khuôn viên đền. Theo các bậc cao niên trong vùng, cây gạo này chính tay công chúa Quỳnh Trân trồng vào mùa xuân năm 1284 với ước nguyện người dân no đủ, thóc gạo dồi dào.
Sử cũ ghi lại rằng, năm Quý Mùi (1283), công chúa Quỳnh Trân xin vua Trần Nhân Tông cho xuất gia quy y nơi cửa Phật. Công chúa đã chọn đất làng Nghi Dương thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn làm nơi lập am. Để điều hành công việc hàng ngày, công chúa nghĩ ra cách dùng tiếng mõ: nếu trong ngày nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, tiếng mõ ở quán thì có công việc. Bắt nguồn từ đó, những địa danh như chợ Mõ, làng Mõ, chùa Mõ, đền Mõ đã ra đời.
Cùng với việc lập am tu hành, công chúa Quỳnh Trân còn cho lập điền trang, thái ấp, tập hợp muôn dân trong vùng đến đây làm ăn, sinh sống. Có năm vùng này bị thiên tai mất mùa, công chúa xin vua miễn thuế cho cư dân trong vùng để họ có thể ổn định sản xuất. Hơn 7 thế kỉ trôi qua, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trước bao biến đổi mạnh mẽ của thiên nhiên, bom đạn, song, cây gạo do công chúa thời Trần đã gieo trồng vẫn có một vị trí không thể thay thế trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Cây gạo trở thành không gian thiêng trong tiềm thức tín ngưỡng người Việt. |
Ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai từ khoảng cách hàng giờ đi bộ đã thấy cây gạo vươn cao lên nền trời. Cây gạo to lớn, cổ kính, cây bao nhiêu tuổi thì những vị cao niên nhất vùng cho rằng, khi còn nhỏ đã thấy cây gạo lớn lắm rồi.
Không có trong chính sử, nhưng câu chuyện về cây gạo này của những người cao tuổi trong vùng đều giống nhau. Họ cho rằng, cây gạo có từ thời Quốc công Vũ Văn Mật, tức Vua Bầu vào thời Lê - Mạc khoảng những năm từ 1516 trở đi. Quốc công Vũ Văn Mật là người kế tục sự nghiệp của người anh Vũ Văn Uyên xây dựng căn cứ “chống Mạc, phục Lê” và làm tiền đồn bảo vệ biên cương Tổ quốc tại vùng đất Trung Đô, Bắc Hà.
Chuyện kể rằng, Vua Bầu khi ấy có cô công chúa lên bảy tuổi, nàng vô cùng xinh xắn và hiếu động. Trong một lần theo mẹ ra sông hái hoa đuổi bướm, do mải mê đùa vui đã bị ngã xuống suối và đuối nước. Vua Bầu khi đó vô cùng đau lòng, ông đem thi hài cô công chúa nhỏ táng ngay ven bờ khúc sông ấy và lập miếu thờ lớn ở nơi này. Người dân trong vùng ai cũng tiếc thương cho số mệnh của công chúa nhỏ, nhiều người vào mỗi buổi sáng đã tới đây để thắp hương với lời cầu nguyện cho linh hồn công chúa được siêu thoát.
Câu chuyện còn lưu truyền đến nay là hồi đó, vào những ngày đậm sương mù, nhiều người đã nhìn thấy có 9 nàng tiên bay tới khu vực này. Có lẽ tiên sa để rước linh hồn của nàng công chúa nhỏ về trời bởi mỗi lần giáng trần đều mang theo một kiệu nhỏ trang trí nhiều lụa đỏ thắm bay phấp phới. Không lâu sau, ngay cạnh ngôi mộ của nàng công chúa có một cây gạo mọc lên, lớn nhanh khác thường và từ đó người dân đã tôn thờ, bảo vệ cây gạo, đặt tên riêng cho là Nàng Niến. Nàng Niến theo tiếng địa phương có nghĩa là công chúa…
Cây gạo “mách chuyện” gái làng
Cây gạo rất hiếm khi trổ bông nhưng mỗi lần nở hoa hướng về phía nào là điềm báo sắp có con gái vùng đó... chửa hoang, là những tin đồn xung quanh một cây gạo hàng trăm năm tuổi tại xã Hương Nha ở huyện Tam Nông - Phú Thọ.
Người làng Hương Nha từ bao đời nay đã quen thuộc với sự hiện hữu của một cây gạo mọc ở giữa làng với những đặc điểm sinh trưởng và phát triển không thuận theo lẽ tự nhiên. Thông thường hoa gạo xuất hiện vào tháng 3 nhưng cây gạo nơi đây mặc dù cành lá khá xum xuê tươi tốt nhưng số lần trổ hoa chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Cây gạo trở thành không gian thiêng trong tiềm thức tín ngưỡng người Việt. |
Lời đổn thổi lưu truyền dân gian cho thấy, nơi đây người Tàu đã chôn giấu của cải và trồng lên trên một cây gạo để đánh dấu. Người Tàu khi chôn của cải dưới gốc cây gạo đồng thời kèm theo cả 3 cô gái đồng trinh nên mỗi khi cây gạo ra hoa người làng đồn đoán đây là điềm ngầm báo cho người làng biết sắp có gái không chồng mà chửa. Hoa gạo nở hướng về hướng nào thì gái chửa hoang ở hướng đó.
Tuy dân làng không tin nhưng có nhiều lần xảy ra sự trùng hợp giữa việc gái làng chửa hoang đúng vào thời điểm cây gạo ra hoa khiến dân làng không ít người hoang mang. Nhất là những nhà nào có con gái mới lớn khi thấy hoa gạo trổ bông lại hướng về nhà mình đều không giấu nổi sự ngại ngần, thậm chí sợ hãi. Đã thành nếp nghĩ nên phần lớn dân làng Hương Nha đều cho rằng dù có chính xác là cây gạo hiển linh báo hiệu cho dân làng hay không thì mọi người đều giữ một thái độ kính cẩn, không ai dám mạo phạm đến cây gạo này.
Giờ đây, câu chuyện truyền tai ngày xưa đã nhạt dần theo thời gian và người dân đã hiểu hiện tượng cây gạo nở hoa nghịch mùa là có thật nhưng coi việc nở hoa đó là điềm báo có gái làng chửa hoang là không có căn cứ. Cây gạo đáng sợ ngày nào nay là bóng mát cho dân làng dừng chân mỗi khi đi làm đồng, ngồi nghỉ ngơi dưới tán cây gạo, uống bát nước chè xanh…
Tín ngưỡng thờ cây của người Việt Nam
Người Việt thường nói, cây có “linh hồn” và khi đến với di tích Lam Kinh sẽ được nghe câu chuyện về cây giúp người mưu việc lớn. Dã sử kể, trước khi khởi nghĩa, để thu phục nhân tâm, Nguyễn Trãi bày kế cho Lê Lợi sai người lấy mật ong “vẽ” vào những lá cây cổ thụ các chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm thần). Hàng triệu con kiến cứ thế ăn mật ong tạo ra những con chữ, mà đứng dưới nhìn lên sẽ thấy như là chữ của Trời. Thế là lan truyền trong dân gian huyền thoại thần tiên “giáng bút”.
Gần khu Lăng mộ vua Lê Thái Tổ ngày nay còn cả một rừng lim. Năm 2010 dự án phục hồi Chính điện Lam Kinh được phê duyệt. Một cây lim đang xanh tốt bỗng tự dưng trút lá, khoảng nửa năm sau, cây chết trơ thân và cành. Các nhà thiết kế nhận ra ngay cây này mà dùng vào việc dựng Chính điện thì tuyệt vời. Cây lim được hạ xuống. Điều lạ đầu tiên là nó không hề rỗng ruột như mọi cây lim cổ thụ khác, mà đặc một khối vậy. Điều lạ thứ hai, như một sự trùng hợp cố ý, chỉ một cây nhưng thân và cành cũng đủ dựng Chính điện gồm: cột cái, cột quân, cột con và thượng lương. Đường kính phần gốc gần như khớp với tảng cột cái (0,8m), đường kính phần ngọn gần như vừa với tảng cột quân. Hai cành cây đủ lớn làm một cột con và một thượng lương đẹp vững chãi, chắc chắn.
Cây đa lồng cây thị ở di tích Lam Kinh được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2013. |
Nhân dân quanh vùng gọi đó là “Cây lim hiến thân”, hiến thân để dựng Chính điện thờ người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Không biết hai sự kiện trên có liên hệ gì với nhau nhưng rõ ràng cây đã “giúp đỡ, ủng hộ” anh hùng dân tộc Lê Lợi cả xưa và nay.
Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới, thờ cây là tín ngưỡng có tính tối cổ, phổ biến cho đến ngày nay. Tín ngưỡng này là biểu hiện của sự gắn bó mật thiết giữa con người với sinh thái tự nhiên. Ở mỗi quốc gia, vùng miền, việc thờ cây lại có những nội dung khác nhau, ví dụ như người Ai Cập thờ cây cọ, người La Mã và Hi Lạp thờ cây linh sam... Ở Việt Nam người Dao thờ cây đa, cây sấu; người Mường coi cây si như một loài cây cội nguồn, người Kinh thờ cây đa, cây gạo... Mỗi tộc người lại thờ những cây khác nhau với một mục đích khác nhau.
Tục thờ cây xuất phát từ tín ngưỡng “Vạn vật hữu linh đa thần giáo” khi thời xưa con người sợ và tin vào nhiều thứ. Nhưng cũng chính nỗi sợ này mà vô hình chung đã giữ được sự cân bằng sinh thái cho tự nhiên. Bởi khi đốn cây để làm nhà, người ta tin rằng có thần linh ngự trong cây cỏ. Sợ thần linh trách phạt, người ta chỉ dám đốn vừa đủ để dùng.
Biết đủ là đủ, điều đó không chỉ bảo vệ được thiên nhiên về sâu xa còn giữ sự cân bằng tâm lý cho con người…