"9 tháng triển khai Luật phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thấy, mục tiêu về việc tạo chuyển biến căn bản của hoạt động PBGDPL với việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào lĩnh vực này, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đều có quyền và được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin về pháp luật đã có những cơ sở để đem lại nhiều hy vọng về hiệu quả của đạo luật này" là những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền về việc thi hành Luật PBGDPL.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền. |
Có Luật để tạo thống nhất và hiệu quả cho PBGDPL
* Xin Thứ trưởng cho biết từ yêu cầu nào mà Việt Nam lại ban hành Luật PBGDPL trong giai đoạn hiện nay?
- Nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của xã hội là điều kiện rất quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ) xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đó là nhiệm vụ của công tác PBGDPL - khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, yêu cầu tăng cường, phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đòi hỏi công tác PBGDPL phải thực sự có những chuyển biến căn bản, toàn diện, Luật PBGDPL đã được ban hành như một công cụ pháp lý để xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc PBGDPL, huy động nguồn lực hiệu quả giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như các tổ chức chính trị- xã hội, xã hội nghề nghiệp tham gia PBGDPL, thực hiện xã hội hóa hiệu quả công tác này theo chủ trương của Đảng, đưa công tác PBGDPL thực sự là một yếu tố thúc đẩy quá trình phát triển.
Ngay khi soạn thảo và trình Luật PBGDPL, Chính phủ đã đưa ra những căn cứ khoa học để lập luận về tính cần thiết của việc ban hành Luật PBGDPL và đã được Quốc hội tán thành, cho thấy cho dù là chưa quốc gia nào ngoài Việt Nam có một đạo luật như Luật PBGDPL thì trong điều kiện đẩy mạnh xây dựng NNPQ XHCN, bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của người dân như nước ta hiện nay, cần thiết phải có một đạo luật về PBGDPL nhằm để nâng cao trình độ, ý thức pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, góp phần phát triển của đất nước.
Tạo chuyển biến căn bản và bền vững
* Theo Thứ trưởng, những qui định nào của Luật PBGDPL đang từng bước tạo chuyển biến căn bản và bền vững cho công tác PBGDPL?
- Với các quy định về trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện PBGDPL; nội dung, hình thức và các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL nhằm bảo đảm quyền của công dân được thông tin về pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của công dân, Luật PBGDPL đã xác định "chính sách đầu tư cho PBGDPL là đầu tư cho phát triển" trong tiến trình xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thực tiễn hoạt động PBGDPL thời gian qua cho thấy, PBGDPL đã từng bước nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; giáo dục pháp luật có tác động quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, phát triển toàn diện cá nhân trong xã hội hiện đại.
Từ đó, Luật khẳng định chính sách chung là Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác PBGDPL; ưu tiên hỗ trợ công tác PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù; đồng thời qui định trong các hình thức PBGDPL, trách nhiệm PBGDPL của cả xã hội và của người dân. Nhà nước, xã hội có trách nhiệm chủ động, tích cực thực hiện PBGDPL cho người dân, đáp ứng quyền của công dân được thông tin về pháp luật, đồng thời người dân có quyền yêu cầu Nhà nước cung cấp thông tin pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật đã đề cập trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc chủ động tìm hiểu, cập nhật kiến thức pháp luật cho bản thân, tổ chức mình, không trông chờ vào Nhà nước thực hiện PBGDPL. Việc chủ động tìm hiểu pháp luật sẽ hình thành nên nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật tự thân cho các chủ thể trong xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc PBGDPL.
Luật đã đưa ra chính sách xã hội hóa công tác PBGDPL, theo đó bên cạnh việc quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Nhà nước có chính sách khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức tham gia PBGDPL, chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về pháp luật. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, Luật quy định kinh phí PBGDPL do ngân sách nhà nước bảo đảm đối với các cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Nhà nước hỗ trợ kinh phí PBGDPL cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động PBGDPL theo quy định của pháp luật...
Những nội dung trên chưa phải là toàn bộ những nội dung quan trọng của Luật PBGDPL song là những điểm mới, những ràng buộc pháp lý làm cơ sở để thúc đẩy hiệu quả công tác PBGDPL ở nước ta.
Luật đang "hội nhập tốt" với thực tiễn
* Vấn đề quan trọng luôn được đặt ra khi một đạo luật, trong đó có cả Luật PBGDPL, được ban hành là việc triển khai thi hành. Xin Thứ trưởng cho biết, đến nay Luật PBGDPL đã đi vào cuộc sống như thế nào?
- Mới có 9 tháng để triển khai với rất nhiều công việc phải làm, chủ yếu là những công việc quản lý nhà nước như phổ biến, quán triệt, xây dựng văn bản hướng dẫn, củng cố nguồn lực (nhân lực và kinh phí). Mặc dù vậy, đối chiếu với nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện Luật, chúng tôi có thể khẳng định, Luật PBGDPL đang từng bước "hội nhập tốt" với thực tiễn cuộc sống.
Đã có rất nhiều Bộ, ngành, tổ chức, địa phương ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Luật, tổ chức quán triệt triển khai Luật với nhiều hình thức. Một số địa phương đã ban hành chỉ thị đôn đốc việc triển khai thực hiện Luật như Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Vĩnh Long... Để Luật PBGDPL đi vào cuộc sống, nhiều văn bản đã được các Bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền hoặc đang trong quá trình hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành trong năm 2013, hướng dẫn áp dụng Luật.
Một trong các thiết chế quan trọng để triển khai Luật PBGDPL, đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh là Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đang kiện toàn. Hội đồng PBGDPL Trung ương đã họp Phiên thứ nhất để ra mắt và bàn về Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2013, cho ý kiến đối với Quy chế hoạt động của Hội đồng và văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật) năm 2013.
Một số Bộ, ngành (Công an, Quốc phòng, Tài chính, Ủy ban Dân tộc…) và 45 địa phương đã kiện toàn Hội đồng PBGDPL các cấp. Việc kiện toàn các Hội đồng phối hợp PBGDPL thể hiện sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc bảo đảm sự thống nhất và hiệu quả của công tác PBGDPL. Các vấn đề khác về kinh phí, nhân lực cũng đã được các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư như đã làm từ trước đến nay. Những việc làm này đã giúp cho Luật PBGDPL từng bước đi vào cuộc sống, làm công tác PBGDPL dần chuyển biến tích cực hơn cho phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.
* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hương Giang (thực hiện)