14% người biết thời điểm bầu cử Quốc hội
Bắt đầu từ tháng 7/2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL) sửa đổi sẽ có hiệu lực, thay thế cho luật đã ban hành năm 2008. Theo quy định của Luật sửa đổi, đối với những dự án luật, pháp lệnh cần thông qua Quốc hội (QH) phê chuẩn, các cơ quan soạn thảo có đề nghị xây dựng pháp luật, pháp lệnh phải đăng tải dự thảo luật, pháp lệnh đó trên cổng thông tin điện tử của QH, Chính phủ và của cơ quan soạn thảo để tham vấn ý kiến với thời gian đăng tải ít nhất là 30 ngày.
Quy định nói trên cũng áp dụng đối với các nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND. Cũng theo quy định, cơ quan soạn thảo có thể tổ chức các buổi tham vấn ý kiến và đăng tải các bản dự thảo trên báo chí, song không bắt buộc. Tuy nhiên, theo khảo sát PAPI 2015, chỉ có 13% số người được hỏi cho biết chính quyền địa phương đã lấy ý kiến của họ trong 1 năm vừa qua.
Ở khía cạnh tham gia gián tiếp vào đời sống chính trị, báo cáo của PAPI cho biết, tại thời điểm năm 2015, chỉ có 31% người dân được hỏi cho biết họ đã tham gia bầu cử QH/HĐND năm 2011. Khảo sát cùng thời điểm trên cũng cho thấy chỉ có 14% số người được hỏi cho biết năm 2016 sẽ diễn ra bầu cử QH và 11% cho biết Đại hội Đảng gần nhất diễn ra cùng năm này.
Về các quy định liên quan đến bầu cử, cũng chỉ hơn 50% người được hỏi cho rằng đi bầu hộ, bầu thay là không hợp pháp và dưới 40% cho biết việc cán bộ tổ bầu cử địa phương gợi ý bầu cho một ứng cử viên nào đó là không hợp pháp.
Đẩy mạnh chia sẻ thông tin
Theo Báo cáo PAPI, hiểu biết chính trị là yếu tố quan trọng quyết định sự tham gia chính trị của người dân. Bởi, hiểu biết chính trị tạo điều kiện cho người dân biết khi nào và làm thế nào tham gia bầu cử hoặc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật. Nhưng phần lớn người dân Việt Nam vẫn ít quan tâm tới tin tức chính trị trong nước, nhất là phụ nữ hoặc người có trình độ học vấn thấp. Nam giới, người dân tộc Kinh, người có điều kiện kinh tế khá giả và những người có trình độ học vấn tốt tham gia nhiều hơn ở cả 2 hình thức tham gia chính trị trực tiếp và gián tiếp.
Do vậy, để huy động sự tham gia của mọi đối tượng dân cư, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh chia sẻ thông tin tới người dân. Để làm được điều này, ngoài phương tiện tốt nhất và hiệu quả nhất để truyền tải các thông tin tới người dân là truyền hình, nhóm nghiên cứu Bùi và cộng sự cho rằng các cấp chính quyền cần đẩy mạnh chia sẻ thông tin theo các hình thức phổ biến thông tin đơn giản, dễ hiểu như tờ tin dán tại nhà sinh hoạt khu dân cư.
Ngoài ra, cần phải kéo dài quãng thời gian giữa ngày thông báo yêu cầu cử tri đi bầu và ngày bầu cử để người dân có cơ hội tìm hiểu thêm về các ứng cử viên cũng như chương trình hành động đóng góp cho địa phương của họ, đồng thời cũng cần đổi mới cách đưa thông tin về ứng cử viên để thu hút sự quan tâm của cử tri, từ đó thúc đẩy họ tham gia bầu cử.
Ở hình thức tham gia chính trị gián tiếp, Báo cáo PAPI khuyến nghị áp dụng hình thức chọn ngẫu nhiên người tham gia các hội nghị tham vấn tại UBND xã/phường để khuyến khích người dân tham gia các hội nghị xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia vào việc lập ngân sách địa phương./.