Nỗi lòng chàng rể
Trước vành móng ngựa trong phiên xét xử phúc thẩm hôm qua (12/11), bị cáo Minh Anh khẳng định mình chỉ mượn giấy tờ (hộ chiếu) của bà Minh để mở tài khoản. “Bởi theo quy định của công ty chứng khoán, mỗi cá nhân chỉ được phép mở một tài khoản để giao dịch, do đó, tôi mới mượn bà Minh giấy tờ” – bị cáo Minh Anh khai.
Tiếp lời, bị cáo Minh Anh cho biết: “Ở Đức, chúng tôi mua được nhiều nhà, xe cộ. Khi tôi bị trục xuất về nước, tôi và chị Ngân bàn nhau bán một căn nhà bên đó, lấy tiền gửi về nước đầu tư chứng khoán. Do trước đó chị Ngân cũng thông báo phá sản nên chúng tôi phải chuyển tiền bằng tài khoản của con trai và người nhận là mẹ vợ tôi cho an toàn vì sợ bị chính phủ Đức thu hồi tiền… ”.
Sau khi hỏi thêm những người có liên quan trong vụ án: Ngân hàng, Công ty chứng khoán Bảo Việt…, nhận thấy vụ án còn nhiều điểm chưa được làm rõ trong quá trình xét xử sơ thẩm, sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm quyết định chấp nhận kháng nghị của VKS, hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Chia sẻ với PV, Minh Anh cho biết: “Vụ án kéo dài gần chục năm nay, tôi bị tạm giam cũng gần 4 năm, bao nhiêu hệ lụy đau buồn đến với tôi và gia đình. Tôi thực sự mệt mỏi. Tôi mong vụ án sớm kết thúc, trả lại sự trong sạch cho tôi”.
Được biết hiện tại bị cáo Minh Anh đang ở nhờ nhà của anh trai. Ngoài thời gian chờ đợi công lý, thời gian còn lại Minh Anh phụ bán hàng với chị dâu, cuộc sống còn nhiều khó khăn
Vướng vòng lao lý
Theo nội dung của bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Minh Anh (SN 1961, trú tại Ba Đình, Hà Nội) với chị Trần Kim Ngân cưới nhau năm 1988 (có đăng ký kết hôn). Hơn một năm sau, chị Ngân sinh con trai đầu lòng. Do kinh tế khó khăn, năm 1991, vợ chồng Minh Anh cùng con trai tìm đường sang Cộng hòa liên bang Đức buôn bán, làm ăn.
Tại Đức, Minh Anh và chị Ngân làm thủ tục kết hôn với người Đức trên giấy tờ để được nhập quốc tịch, thực tế hai người vẫn chung sống với nhau. Năm 2006, vì một số lí do, Minh Anh bị trục xuất về Việt Nam.
Vài tháng sau, chị Ngân cũng về Việt Nam để làm thủ tục đăng ký kết hôn với Minh Anh, mục đích đưa chồng trở lại Đức. Dù giấy đăng ký kết hôn của hai người năm 1988 vẫn còn giá trị nhưng họ cố tình giấu diếm. Vì theo lời khai của Minh Anh, “nếu không đăng ký lại mà sử dụng giấy kết hôn cũ thì mẹ con chị Ngân sẽ bị trục xuất về nước, đây là điều Minh Anh không muốn”.
Trong thời gian chờ đăng ký kết hôn lại, chị Ngân thường xuyên về nước thăm gia đình. Tình cờ, chị Ngân được biết thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động, dễ sinh lời nên chị với Minh Anh bàn nhau gửi tiền về để đầu tư chứng khoán. Nghe vợ nói vậy, Minh Anh đồng ý vì bản thân anh cũng đang đầu tư chứng khoán.
Ngày 16/1/2007, vợ chồng Minh Anh cùng bà Bùi Thị Minh – mẹ vợ đến ngân hàng Ngoại thương mở cho bà Minh một tài khoản để chuyển tiền từ Đức về. Trong thời gian chờ chị Ngân gửi tiền về, Minh Anh cùng bà Minh đến công ty chứng khoán Bảo Việt ký hợp đồng mở tài khoản để đầu tư chứng khoán.
Tại đây, Minh Anh là người làm hết thủ tục còn bà Minh chỉ là người đi cùng để đưa giấy tờ tùy thân cho con rể mượn. Minh Anh cũng tự ghi chủ tài khoản của hợp đồng là bà Minh còn mình là người nhận tiền. Được cấp tài khoản xong, Minh Anh chuyển ngay 100 triệu vào tài khoản, lấy tên người chuyển là bà Minh.
Ngày 23/1/2007, Minh Anh cùng bà Minh đến ngân hàng Ngoại thương để rút hơn 3 tỷ đồng và 34.000 USD tiền chị Ngân gửi từ Đức về. Nhận tiền xong, Minh Anh cùng mẹ vợ chuyển số tiền này vào tài khoản chứng khoán đứng tên bà Minh đã mở trước đó. Sau đó, tất cả những hoạt động giao dịch, mua bán chứng khoán đứng tên bà Minh đều do Minh Anh giao dịch.