[links()] Hôm 8/2, tại Hà Nội, Tòa phúc thẩm TANDTC đã mở phiên tòa xét lại Bản án sơ thẩm số 08/2011/KDTM-ST ngày 1/9/2011 của TAND tỉnh Nghệ An về việc “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản” giữa nguyên đơn là HTX Bình Vinh với Công ty Văn Đỗ và ông Nguyễn Văn Đỗ, Nguyễn Văn Quang. HĐXX đã chấp nhận quan điểm kháng nghị của VKS và chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm trên do có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Khuất tất vụ “một phiên tòa, hai bản án”
Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh những sai phạm cả về nội dung lẫn tố tụng của Bản án sơ thẩm số 08/2011/KDTM-ST vào các ngày 30/8/2011 và 1/9/2011 của TAND tỉnh Nghệ An, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự và tính nghiêm minh của pháp luật. Điều kỳ cục là trong cùng một phiên tòa sơ thẩm trên, TAND tỉnh Nghệ An lại cấp cho phía bị đơn hai bản án có cùng số, cùng ngày nhưng bản án cấp sau có sự chỉnh sửa về nội dung và được đính kèm mẩu giấy vàng ở trang nhất với lời nhắn “Bản án này để thay thế bản án trước”...
Phần diện tích mà Công ty Văn Đỗ thuê khoán. |
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm trên còn có nhiều sai phạm khác. Quan điểm của PLVN là án sơ thẩm đã mắc phải những sai phạm nghiêm trọng không thể khắc phục, đề nghị cấp phúc thẩm cần phải tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm, xét xử lại từ đầu.
Có cùng quan điểm trên, ngày 4/10/2011 VKSND tỉnh Nghệ An cũng đã ký Quyết định kháng nghị số 1449 đối với Bản án sơ thẩm số 08, chỉ ra 4 điểm sai lầm nghiêm trọng về cả nội dung và tố tụng của án sơ thẩm, đề nghị tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm với quan điểm đề nghị cấp phúc thẩm cần phải tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, xét xử lại từ đầu để đảm bảo quyền lợi cho các bị đơn.
Nội dung vụ án tóm tắt như sau: Từ tháng 7/2004 đến tháng 4/2007 HTX Bình Vinh đã ký kết 03 hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Văn Đỗ và ông Đỗ, ông Quang (là xã viên HTX Bình Vinh) cho thuê, khoán mặt bằng, tài sản trong thời hạn 20 năm. Hai bên cam kết: nếu Nhà nước trưng dụng diện tích mặt bằng của HTX thì cả hai bên chấp hành đền bù theo quy định.
Hợp đồng thuê khoán có thời hạn 20 năm, mới thực hiện được 6 năm thì HTX Bình Vinh lấy lý do tự nguyện trả lại đất “vàng” cho Nhà nước để “lật kèo” khởi kiện Công ty Văn Đỗ, ông Đỗ, ông Quang hủy hợp đồng vô hiệu với lý do đối tượng hợp đồng đã bị trưng thu.
Phía Công ty Văn Đỗ và ông Đỗ, ông Quang khiếu nại, cho rằng lý do Nhà nước thu hồi đất không phải là sự kiện bất khả kháng mà là do sự tác động của HTX Bình Vinh đã tự nguyện trả đất cho Nhà nước. Việc trả lại đất cho Nhà nước trong khi đất đó đang được thực hiện hợp đồng giao khoán cho xã viên là vi phạm nguyên tắc của Bộ luật Dân sự, vi phạm nghĩa vụ về giao khoán theo hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, bị đơn còn có yêu cầu phản tố, buộc nguyên đơn phải bồi thường thiệt hại tổng cộng hơn 10 tỷ đồng.
Mặc dù nội dung vụ việc còn nhiều điều khuất tất nhưng TAND tỉnh Nghệ An vẫn tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên các hợp đồng kinh tế đã ký giữa HTX Bình Vinh và các bị đơn vô hiệu. Yêu cầu phản tố của bị đơn đã bị bỏ qua không xét nhưng án sơ thẩm lại vẫn tuyên buộc bị đơn phải chịu nghĩa vụ án phí.
Tinh thần pháp luật được thượng tôn!
Tại phiên tòa hôm qua, khi được trình bày nội dung kháng cáo của mình, các bị đơn và Luật sư của họ đã chỉ ra tới 8 điểm sai sót, không thể khắc phục của Bản án sơ thẩm. Đơn cử, về nội dung: hợp đồng thuê, khoán mặt bằng thời hạn 20 năm, mới thực hiện được 6 năm thì bên cho thuê “lật kèo” nhưng vẫn được Tòa sơ thẩm bảo vệ là không xác đáng. Án sơ thẩm bỏ qua yêu cầu phản tố của bị đơn nhưng vẫn tuyên bị đơn phải chịu án phí cho yêu cầu phản tố là thiếu sót.
Về mặt tố tụng, án sơ thẩm cũng có khá nhiều sai sót về hình thức đơn khởi kiện; về tạm ứng án phí và yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn; về thủ tục hòa giải trước khi đưa vụ án ra xét xử; về quyết định hoãn phiên tòa và thời gian hoãn phiên tòa…
Trong đó, các bị đơn nhấn mạnh Tòa đã tống đạt cho họ hai bản án sơ thẩm cùng số, cùng ngày nhưng nội dung có khác nhau… là sự vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng vì nếu có sai sót nhỏ thì tòa án phải ra văn bản đính chính bản án theo mẫu ban hành quy định tại Điều 240 BLTTDS và hướng dẫn tại Mục 12 Chương 3 Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP chứ không thể tùy tiện “đính giấy vàng”.
Tại Tòa, vị đại diện VKSNDTC giữ nguyên kháng nghị tại Quyết định kháng nghị số 1449 ngày 4/10/2011 của VKSND tỉnh Nghệ An. Phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS đè nghị Tòa phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm do có những vi phạm nghiêm trọng.
HĐXX nhận định rằng, xét về mặt tố tụng thì Bản án số 08/2011/KDTM-ST ngày 1/9/2011 của TAND tỉnh Nghệ An đã mắc phải những sai phạm nghiêm trọng không thể khắc phục được nên cần phải tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu.
Chỉ xét riêng sai phạm về mặt tố tụng đã đủ căn cứ để hủy án nên Tòa phúc thẩm thấy không cần phải xét lại phần kháng cáo về nội dung án sơ thẩm của các bên. TANDTC đã chấp nhận kháng nghị của VKS, chấp nhận quan điểm kháng cáo của phía bị đơn về sai phạm nghiêm trọng “một phiên tòa, hai bản án” và tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm của TAND tỉnh Nghệ An, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu.
Các bị đơn là Công ty Văn Đỗ, ông Nguyễn Văn Đỗ, Nguyễn Văn Quang tỏ ra đồng tình với quyết định công tâm, khách quan của Bản án phúc thẩm và lại đặt hy vọng vào một quyết định thấu tình đạt lý của TAND tỉnh Nghệ An trong phiên tòa sơ thẩm được xử lại tới đây.
Lê Nguyễn